Làm việc với cơ quan công an, nữ Tiktoker này thừa nhận hành vi vi phạm, đồng thời khai việc chạy quá tốc độ nói trên để thử xe.
Đây không phải lần đầu tiên những người có sức ảnh hưởng vướng ồn ào liên quan đến việc vi phạm quy định liên quan đến an toàn giao thông. Hồi cuối tháng 10 vừa qua, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét chỗ ở và Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Thị Ngọc Trinh (người mẫu Ngọc Trinh) về tội "gây rối trật tự công cộng".
Ngọc Trinh bị cơ quan công an áp dụng các biện pháp tố tụng sau khi người này được xác định đã có hành vi điều khiển xe máy phân khối lớn và thực hiện các động tác lái xe phản cảm, nguy hiểm như: Đứng 2 chân một bên xe, không mặc đồ bảo hộ, thả 2 tay để xe tự chạy, ngồi một bên yên xe để tự chạy… rồi cho quay video, sau đó đăng tải lên mạng xã hội.
Theo cơ quan công an, hành vi của người mẫu Ngọc Trinh đã gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Đồng thời, hành vi cho tổ chức quay phim, biên tập rồi đăng tải video clip lên các nền tảng mạng xã hội có số lượng người theo dõi lớn gây tác động tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự trên không gian mạng.
Liên quan đến sự việc nữ Tiktoker điều khiển xe máy di chuyển với tốc độ cao trên đường, nhiều người tỏ ra phẫn nộ với hành vi xem thường pháp luật của cô gái này. Thậm chí, trên trang Youtube với gần 57.000 người theo dõi của cô gái này, nhiều ý kiến cho rằng cơ quan chức năng cần xử lý mạnh tay với hành vi nguy hiểm trên.
"Bạn làm sale xe ô tô nhưng kiến thức cơ bản nhất của người sở hữu xe ô tô cần có là biết được con đường mình đang di chuyển được phép đi với tốc độ bao nhiêu. Bạn phải cảm thấy may mắn khi chưa có trường hợp đáng tiếc nào xảy đến.
Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý mạnh các hành vi bất chấp tất cả để nổi tiếng như của bạn M. (tên cô gái) này. Đồng thời là xử lý những trường hợp làm về motovlog thường xuyên điều khiển xe phân khối lớn phóng bạt mạng trên đường để câu view, câu tương tác", bạn đọc Thanh Hùng nêu quan điểm.
Đồng quan điểm, bạn đọc Hoàng Mai cho rằng đây là hành vi ngông cuồng, thách thức, xem thường pháp luật. "Vụ việc Ngọc Trinh trước đó chưa đủ để làm gương hay sao? Cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm đối với những đối tượng này. Nếu mọi chuyện cho qua dễ dàng thì còn gì để răn đe nữa".
Còn bạn đọc Vũ Nguyễn viết: "Ai cũng thừa biết hành vi điều khiển xe như vậy là vi phạm pháp luật nhưng vẫn có người làm, thử hỏi như vậy có đáng để xử lý mạnh tay không? Chẳng biết khi lái xe với tốc độ như vậy, bạn đã lường trước hậu quả để lại, đặc biệt là trong khu vực đông dân cư. Rất xem thường tính mạng người dân. Làm mà không biết nghĩ thì cần bị xử lý để nhớ đời".
Nhìn nhận sự việc này dưới góc nhìn xã hội, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), nhấn mạnh, hành động của người nổi tiếng dù tích cực hay tiêu cực, đều có thể ảnh hưởng đến hành vi và quan điểm của người theo dõi.
Vì vậy, việc livestream các hành vi vi phạm Luật giao thông hoặc gây rối trật tự công cộng không chỉ là vấn đề pháp lý mà còn là vấn đề đạo đức, phản ánh sự thiếu nhận thức về trách nhiệm xã hội của người đăng tải, đặc biệt, nếu đó là người nổi tiếng có lượng người hâm mộ lớn.
PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, việc tìm kiếm sự nổi tiếng một cách mù quáng kiểu bất chấp tất cả sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường.
"Đó có thể là những hành động thiếu suy nghĩ khiến bản thân gặp nguy hiểm và gặp rắc rối với pháp luật. Tệ hơn, nó không chỉ gây hại cho cá nhân người có hành vi bất chấp mà còn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến người khác, nhất là những người trẻ tuổi dễ bị ám thị bởi những thứ hình thức bề nổi.
Bản thân hành vi "phá luật" nếu được công khai sẽ mở đường cho những lời bình luận cay nghiệt, dẫn đến áp lực tâm lý và những vấn đề nghiêm trọng hơn về sức khỏe tâm thần như lo âu, trầm cảm", ông Nam phân tích.
Trả lời câu hỏi về mức độ nghiêm trọng khi một người nổi tiếng có cả triệu người theo dõi lại thực hiện hành vi vi phạm pháp luật rồi thoải mái đăng tải thông tin lên mạng xã hội, ông Nam cho rằng, đây là một hành vi rất đáng lên án.
Vì nó có thể tác động đến những đứa trẻ rằng hành vi sai trái này là có thể chấp nhận được. Và chúng sẽ bắt chước thực hiện hành vi và chia sẻ với người mình thần tượng để cảm thấy gần gũi hơn với họ.
"Tóm lại, người nổi tiếng trên mạng xã hội cần có trách nhiệm không chỉ với bản thân mà còn với cộng đồng. Họ cần được nâng cao năng lực nhận thức về văn hóa ứng xử trên mạng để cân nhắc, ra quyết định và hành động một cách có trách nhiệm", ông Nam nói.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn