Ngoài ra, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga đưa ra một số góp ý. Trước hết, cần có chính sách phù hợp với nữ y bác sĩ, nhân viên y tế làm việc tại cơ sở điều trị, có thời gian làm việc dài, áp lực. ĐBQH Hà Thị Nga đồng ý với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội về việc tiếp tục rà soát, nghiên cứu các cơ chế đặc thù của nhóm đối tượng này, đây là nội dung rất cần, cấp thiết, đặc biệt trong bối cảnh có thể xuất hiện các dịch bệnh khẩn cấp. Cơ quan soạn thảo cần rà soát số liệu về tỉ lệ của nhóm đối tượng này, đặc biệt là số liệu trong đại dịch Covid-19 vừa qua để có căn cứ xác định chính sách.
Tiếp đó, Dự thảo Luật quy định việc đảm bảo an ninh trật tự cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và an toàn cho nhân viên y tế, trong đó có điều khoản quy định đối với trường hợp người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình, trẻ em bị xâm hại tình dục, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm thông báo cơ quan công an trên địa bàn để phối hợp triển khai các biện pháp bảo vệ nạn nhân. Tuy nhiên, các quy định có tính đặc thù với nhóm đối tượng này chưa được đề cập tới.
ĐBQH Hà Thị Nga cũng đồng tình với Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Xã hội về việc đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để có quy định đặc thù đối với nhóm đối tượng này. Đây là nhóm đối tượng không chỉ bị tổn thương về thể xác mà còn có sự ảnh hưởng nhất định đến tâm lý; cần nghiên cứu quy định về việc thăm khám, đảm bảo đặc thù giới, tránh tái tổn thương đối với nhóm đối tượng là nạn nhân của bạo lực gia đình, xâm hại tình dục.
Hiện nay, người khuyết tật nghe, nói đang gặp khá nhiều khó khăn trong khám bệnh, chữa bệnh như: Nhiều trường hợp người khuyết tật nghe, nói phải nhờ người thân đi cùng để hỗ trợ phiên dịch trong quá trình khám và chữa bệnh, tiếp xúc cũng như trao đổi với các bác sĩ, thậm chí gia đình người khuyết tật nghe, nói không giao tiếp được với người thân của mình bằng ngôn ngữ ký hiệu. Trong dự thảo Luật mới có quy định về việc sử dụng ngôn ngữ không phải là tiếng Việt đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Việt Nam. ĐBQH Hà Thị Nga đề nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung vào Luật nội dung "Việc sử dụng ngôn ngữ không phải là tiếng Việt và ngôn ngữ ký hiệu trong khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo quy định của Chính phủ".
Đồng thời, Chính phủ cần quy định chi tiết hơn về việc sử dụng ngôn ngữ ký hiệu trong khám chữa bệnh đối với người bệnh là người khuyết tật nghe, nói trong trường hợp người bệnh không thể giao tiếp được bằng hình thức viết tiếng Việt.
Về quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân, ĐBQH Hà Thị Nga bày tỏ đồng thuận với Phương án "Nhà nước quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân" bởi sẽ tạo môi trường cạnh tranh, đảm bảo sự phát triển y tế tư nhân; đảm bảo quyền lợi cho người bệnh; đảm bảo quản lý nhà nước trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân. Đồng thời khuyến khích việc khám chữa bệnh chất lượng cao, vì nhu cầu chi trả của người dân ngày càng tăng, mỗi năm bỏ ra rất nhiều tiền đi khám chữa bệnh ở nước ngoài, trong khi trình độ y khoa trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn