Không có ngày nào, chị Nguyễn Huyền Trang (Mỹ Đình, Hà Nội) và con không xảy ra "chiến tranh". Đã cho con chơi cả tháng hè nên thời gian này chị Trang yêu cầu con phải học. Thế nhưng, cậu con trai chuẩn bị học lớp 12 vẫn thói quen ngủ đến trưa mới dậy. Buổi chiều, ngồi vào bàn học nhưng cậu vẫn kè kè điện thoại để nhắn tin và chơi game. Mỗi lần, chị Trang giục con học thì cậu lại sửng cồ lên với mẹ. Mẹ nói 1 câu, con cãi 2 câu, nhà lúc nào cũng như cái "chợ vỡ". Không chịu nổi đứa con "cãi mẹ như chém chả", chị Trang tức phát điên. Không kiềm chế được cơn giận của mình, chị chửi bới, ném sách vở, quăng điện thoại của con. Cậu con trai cũng "nổi điên" theo hành động của mẹ, ném đồ đạc trên bàn học. Suốt mấy ngày, cậu không ăn cơm mẹ nấu. Chị Trang cũng mặc kệ con, con ăn hay nhịn đói, chị không quan tâm.
Mâu thuẫn như gia đình chị Trang không phải là hiếm khi bố mẹ và con cái đều bị "nhốt" trong nhà, "ra đụng vào chạm" cả ngày. Nhà có con bé thì nghịch ngợm, chạy nhảy, hét ầm ĩ, bố không chịu nổi liền đánh con. Nhà có con tuổi teen thì ương bướng, khó bảo, hay có thái độ chống đối càng dễ làm bố mẹ "tăng xông" hơn.
Theo PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (ĐH Giáo dục- ĐHQG Hà Nội), đại dịch kéo dài khiến bố mẹ đuối sức. Nỗi lo lắng và cảm giác bất lực ngày càng lớn khi họ phải chịu áp lực cơm áo gạo tiền, áp lực công việc thời giãn cách và áp lực chăm sóc con cái... Họ lo lắng về những mầm bệnh biến thể đang có trong cộng đồng; hay sợ hãi về thiếu hụt các nhu cầu cơ bản như lương thực. Chính vì áp lực và sự mệt mỏi tinh thần dần khiến cha mẹ cách xa cảm xúc với con, thậm chí né tránh con cái, lơ là hơn các vai trò của mình. Nhiều cha mẹ có thể rơi vào vòng luẩn quẩn "bỏ mặc" hoặc "bạo hành" rồi "hối hận".
Trong khi đó, những đứa trẻ thường không có các kỹ năng đủ để nhận diện cảm xúc, bộc lộ cảm xúc ra một cách phù hợp và chuyển hóa cảm xúc tiêu cực... Chúng có thể xả stress bằng những hành động làm bố mẹ "điên tiết" hơn. Thế nên, cha mẹ cần có kỹ năng quản trị cảm xúc để có thể kiềm chế cơn tức giận của mình.
PGS.TS Trần Thành Nam cho biết, khi sự tức giận được thể hiện ra bên ngoài thì mọi người cảm thấy thoải mái. Tuy nhiên, khi bình tĩnh lại, cảm giác thoải mái đó biến mất, thay vào đó là cảm giác tội lỗi. Có người giải toả sự tức giận bằng việc đánh con, đá vào bức tường... nhưng đây không phải là cách giải toả tốt. Bởi hành động này chỉ làm cho sự tức giận tăng lên. Khi tức giận sẽ gây ra nhiều hậu quả. Cha mẹ sẽ cảm thấy mất năng lượng, nguy cơ bị tim mạch, tức ngực, nhồi máu cơ tim tăng huyết ấp... Khi cha mẹ tức giận còn ảnh hưởng đến mối quan hệ với con, sẽ làm con bắt chước, làm con cho rằng hành vi tức giận là có thể chấp nhận.
Vì vậy, cha mẹ cần có kỹ năng quản lý cảm xúc. Đầu tiên, cha mẹ cần gọi đúng cảm xúc của bản thân. Khi cha mẹ có cảm xúc không vui, tiêu cực thì cố gắng gọi đúng cảm xúc của mình theo từng mức độ. Khi cảm xúc tức giận sắp lên đến mức nổi khùng thì cha mẹ phải nhận ra và biết kiềm chế cảm xúc.
Bước tiếp, cha mẹ cần tự nhủ bản thân là tôi có thể kiểm soát cảm xúc này. Rằng tôi biết cách không thể hiện sự tức giận ra bên ngoài. Vì thể hiện sự tức giận sẽ có nhiều hệ quả.
Sau đó, cha mẹ có thể kiềm chế cảm xúc bằng việc làm sao lãng cảm xúc tức giận. Như mím môi lại, đếm từ 1-20. Nếu ai chưa dễ dàng kiểm soát thì có thể đếm dài hơn. Trong quá trình đếm đó có thể kết hợp với thở bụng. Hoặc, có thể nói những thứ vui cười ở trong đầu để sao lãng cảm xúc tiêu cực đó...
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn