4h sáng.
Rèm cửa đung đưa khiến tôi thấy bóng mẹ thấp thoáng ngoài phòng khách. Chắc bà dậy sớm tập thể dục hoặc lạ nhà mới nên khó ngủ. Ngoài cửa sổ bầu trời đã đổi màu khác, cam hồng lẫn với tím. Lâu lắm rồi mới được trông thấy cảnh đẹp đẽ như ở quê vậy.
Sau hơn 20 năm sống trong ngôi nhà chật chội 2 tầng ở phố Khâm Thiên, cuối cùng gia đình tôi cũng chuyển sang căn chung cư 3 phòng ngủ trên tầng 21. Bố sung sướng vì có cái ban công to đùng trồng hoa lan, còn 2 đứa em sinh đôi của tôi nhảy nhót ầm ĩ trên chiếc giường tầng hình chó mèo khá xinh. Tôi lớn rồi nên được ưu tiên phòng riêng với nội thất đơn giản nữ tính, có cả ban công riêng nhìn ra góc thành phố.
Mọi thứ trong nhà đều được mẹ lựa chọn và sắp xếp chu đáo, tường sơn màu cam đào hợp với màu gỗ ấm áp xinh xinh. Nhưng ai đến nhà chơi cũng bất ngờ vì một chi tiết: đó là nhà tôi không hề có vật dụng nào trong bếp cả!
Nói không có gì nghe hơi lố, song chỉ là 1-2 cái nồi với 5 cái bát con 5 đôi đũa mang từ nhà cũ sang. Còn lại mẹ vứt đi hết, chả sắm sửa mới gì. Nồi cơm điện cũng chả dùng. Mẹ tuyên bố đồ ăn mua ngoài hết, hoặc mọi người tự túc ăn theo sở thích vì ai cũng lớn hết rồi. Ban đầu chị em tôi phản đối dữ lắm. Nhà mà không có bếp thì sao gọi là nhà?! Nhưng mẹ kiên quyết không đổi ý, cái bếp từ chỉ được bật lên vài lần mỗi sáng để... nấu mì tôm. Chúng tôi nhì nhèo với bố liên tục để ông khuyên mẹ. Song ông chỉ im lặng bỏ ra ban công hút thuốc.
Tôi cũng loáng thoáng biết lý do cho câu chuyện nhà không bếp này nên tôi hiểu mẹ không phải người phụ nữ ngang ngược. Trước đây mẹ tôi là một bà nội trợ 100% đúng nghĩa, luôn có mặt ở nhà làm mọi việc khi chồng con vắng nhà. Bà mở thêm quầy tạp hóa nhỏ, vừa trông hàng vừa lo toan đủ thứ bận tối mắt. Sáng đi chợ nấu nướng dọn dẹp, chiều đón con đi chợ lần 2, tối rửa bát dọn dẹp tiếp. Bố tôi làm công chức nên toàn lấy cớ nọ kia đi nhậu lê la vỉa hè suốt đến tận khuya mới về. Hôm nào có giỗ hay đến Tết là chỉ có tôi với mẹ vật lộn trong cái bếp bé như lỗ mũi, vừa nóng vừa bí. Bố chỉ nằm xem tivi rồi ngủ, leo lên sân thượng tưới cây, hoặc ra ngõ ngồi chém gió trà đá.
Mặc cho mẹ nhiều lần trách móc, bố vẫn kệ không hề đụng tay phụ việc nhà. Dù chỉ là cầm cái giẻ lên lau giúp mẹ cái bàn hay lấy hàng cho khách thì bố cũng không làm. Ông luôn sai 3 chị em tôi làm hộ, hoặc cãi nhau tay đôi với mẹ để bảo vệ luận điểm "đàn ông là trụ cột trong nhà, đàn bà mới là người làm nội trợ". Nhìn mẹ mặc bộ đồ hoa cũ rích mồ hôi ướt đẫm lưng, lúc nào cũng nhét cọc tiền lẻ trong túi tất tả chạy ra chạy vào, tôi thương mẹ nhiều lắm...
2 thập kỷ trôi qua bố mẹ cứ mâu thuẫn chuyện việc nhà như thế. Nhiều đến mức chị em tôi chẳng thấy mệt nữa. Cứ thấy có hiện tượng phụ huynh to tiếng là cả đám kéo đi chỗ khác hoặc im lặng làm việc riêng. Vài lần sự việc trở nên căng thẳng khi bố tôi ném luôn mâm bát đĩa ra ngõ. Mẹ tôi gào khóc chửi bố là "loại chồng tồi". Bà đâm đơn đòi ly dị không dưới trăm lần nhưng bố tôi đều không chấp thuận. Ông hay liệt kê nghĩa vụ và trách nhiệm của phụ nữ trong gia đình, chửi mắng đủ kiểu. Còn mẹ thì đòi bình đẳng vai vế, chia sẻ công việc nhà vì bà thực sự quá mệt mỏi. Mẹ đã nghỉ việc để ở nhà sinh đẻ chăm nuôi tận 3 đứa con, đáng lẽ bố phải thông cảm nhiều hơn và san sẻ gánh nặng. Mẹ khóc suốt, than thở từ trong ngõ đến ngoài đường khiến cả khu phố đều biết chuyện nhà tôi.
Cuộc chiến ấy cứ dai dẳng mãi khiến tất cả thành viên trong nhà đều phát chán. 2 đứa em trai sinh đôi cứ bảo tôi rằng lớn lên chị đừng lấy chồng, đỡ phải cãi nhau chuyện rửa bát giặt đồ. Bước qua tuổi 24 tự dưng tôi cũng thấy lo lắng. Sợ gặp phải người đàn ông gia trưởng như bố thì tôi lại dẫm vết xe đổ của mẹ ư?...
Nhưng rồi năm ngoái khi chính thức về hưu, bố tôi đã phải gánh chịu hậu quả từ sự vô tâm ông gây ra suốt hơn 20 năm trời. Tháng đầu tiên ông vẫn hớn hở lắm, khoe khắp nơi rằng từ bây giờ đã được rảnh rang không phải đội nắng mưa đi làm nữa. Nhưng sau đó thì sinh hoạt gia đình tôi bắt đầu đảo lộn. Mẹ tôi dẹp luôn hàng tạp hóa, không còn đi chợ nấu cơm nữa. Bà về quê thăm nhà ngoại, đi chơi với họ hàng bạn bè, mặc cho bố con tôi ở nhà trông ngóng.
Những ngày thiếu bàn tay chăm lo của mẹ thật thảm họa. Nhà bẩn thỉu đầy rác, các con đi học đi làm hết mà bố tôi ở nhà không chịu quét dọn. Ông cứ nằm ườn ra sofa cả ngày, đói thì ra ngõ mua cơm bụi đồ ăn linh tinh, nhặt nhạnh lại đồ ăn cũ sót từ tủ tạp hóa. Nhưng độ 1 tuần thì tiền trong ví cạn, bố gọi điện cầu cứu mẹ về nhà. Đến khi mẹ về thật thì bà tuyên bố 1 câu khiến chúng tôi sốc óc.
- Tôi cũng quyết định nghỉ hưu, từ giờ không làm ô sin cho bố con ông nữa.
4 cặp mắt nhìn nhau choáng váng, bố tôi lại đập bàn định cãi nhau với mẹ. Nhưng bà thờ ơ bỏ đi chẳng buồn tranh luận, lần đầu ngửi thấy mùi nước hoa từ bộ váy của mẹ mà tôi ngỡ ngàng. Mấy tháng sau đó bố vẫn tỏ ra ương ngạnh, "chiến tranh lạnh" bao trùm khiến chị em tôi ngột ngạt. Căn nhà bắt đầu lộn xộn thấy rõ và tôi chỉ đủ sức dọn dẹp một tí mỗi tối. Mẹ kệ 4 bố con, bà chỉ quan tâm đi ăn chơi chỗ nào và tham quan chùa chiền khắp nơi cùng hội phụ nữ khu phố.
Rồi đùng cái chúng tôi chuyển nhà. Có vẻ đây là kế hoạch từ lâu của bố mẹ, song vì họ không nói chuyện với nhau nên các con chẳng biết gì. Đi cùng mẹ nhận nhà mới, tôi tròn mắt khi thấy căn hộ to đẹp và rộng rãi vô cùng. Mẹ chỉ ở nhà làm nội trợ mà cũng vun vén được món tài sản lớn thế này sao? Từ giây phút ấy tôi ngưỡng mộ bà thêm vạn lần. Làm thế nào mà mẹ vừa bán hàng vừa gồng gánh nuôi 3 đứa con ăn học, vừa giữ nhà cửa tươm tất cơm nước đủ đầy, và mua được căn nhà tiền tỷ đẹp như mơ vậy chứ?
Nhiều lần bố tôi đề nghị "Anh sẽ rửa bát cho em đến hết đời". Song mẹ tôi chỉ lạnh lùng đáp "Không". Có lẽ mẹ đã quá mệt mỏi ám ảnh với cuộc sống bó chặt trong căn bếp suốt mấy chục năm nên bà kiên quyết bỏ ngoài tai mọi lời xin lỗi năn nỉ của bố.
- Nhà này không có người hầu, chỉ có vợ và 3 đứa con của ông thôi. Từ giờ tôi muốn nghỉ ngơi hưởng thụ, đừng phiền tôi.
Ngoại trừ việc không thèm nấu nướng rửa bát nữa thì mọi thứ về mẹ vẫn y nguyên. Bà vẫn dậy sớm tập thể dục, đem quần áo bẩn của cả nhà bỏ máy giặt. Một con robot lau nhà xuất hiện. Cho con mèo Chuối ăn, dắt con chó Xoài xuống công viên đi dạo. Vẫn niềm nở làm quen hàng xóm, mang hoa quả đồ khô sang biếu mọi người. Vẫn nằm "cày" phim đến khuya. Nhưng có vẻ trông mẹ hạnh phúc hơn, tươi trẻ hơn. Bà lựa chọn sống cho bản thân thay vì hi sinh tất cả. Mẹ tôi xứng đáng!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn