Cần nhạy cảm giới trong sửa đổi Luật Giáo dục

18:25 | 13/04/2018;
Vấn đề lồng ghép giới và các 'biện pháp thúc đẩy tạm thời' vào trong dự thảo luật được nhiều đại biểu tập trung thảo luận tại Hội thảo tham vấn về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, do Hội LHPNVN và Hội Nữ Trí thức Việt Nam tổ chức sáng 13/4.

Dự kiến, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp Quốc hội tới. Sáng 13/4, Hội LHPNVN và Hội Nữ trí thức Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến các chuyên gia, đại biểu Quốc hội và những người hoạt động trong ngành giáo dục, cùng tập trung thảo luận về vấn đề lồng ghép giới trong dự thảo luật này.

ht1.jpg
Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà (phải) và Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam Phạm Thị Trân Châu chủ trì buổi hội thảo tham vấn ý kiến vào dự án sửa đổi Luật Giáo dục. Ảnh: H.Hòa

Chủ trì hội thảo, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPNVN - PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà và Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam - GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu bày tỏ sự đồng tình, ghi nhận những ý kiến của các đại biểu về các vấn đề đặt ra trong việc lồng ghép giới vào các điều luật sửa đổi, bổ sung.

Trong đó, nhiều đại biểu góp ý dự án luật cần phải thống nhất về mặt quan điểm là coi lồng ghép yếu tố giới vào chính sách là “biện pháp thúc đẩy”; đồng thời cần lồng những biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới vào trong các điều luật cụ thể. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng nêu vấn đề làm rõ Báo cáo đánh giá tác động giới của dự thảo và việc lồng ghép giới là lồng ghép cụ thể thế nào?

Đồng thời, đại biểu kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban soạn thảo dự án luật này nên có cuộc khảo sát thực tế nhằm “nảy” ra được những vấn đề đang tác động đến giới, như chính sách với nữ giáo viên; vấn đề đào tạo, tuyển dụng nữ giáo viên; những bất cập trong luân chuyển, bố trí giáo viên; điều kiện cho các nữ giáo viên ở các địa bàn khác nhau… Trên cơ sở đó mới có những số liệu, luận cứ để đánh giá tác động giới trong dự thảo luật cũng như các chính sách phù hợp để lồng ghép vào các điều luật cụ thể…

ht2.jpg
Các đại biểu tham gia góp ý vào vấn đề lồng ghép giới trong dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục. Ảnh: H.Hòa

Phát biểu kết luận hội thảo, Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục lần này đặt ra những vấn đề khá toàn diện, từ mục tiêu, quan điểm, phạm vi, các nguyên tắc của Luật… Trong đó, những vấn đề giới được đặt ra và cần cơ những “biện pháp thúc đẩy tạm thời” nhằm tạo điều kiện bình đẳng về cơ hội cho nữ giới. Trong trường hợp nữ có những điều kiện thấp hơn thì phải có những “biện pháp thúc đẩy tạm thời” để có sự ngang bằng về cơ hội của 2 giới.

Theo Chủ tịch Nguyễn Thị Thu Hà, còn có nhiều ý kiến khác nhau về cách thức lồng ghép giới, như lồng vào nguyên tắc của luật, hoặc lồng trong nghị định, chỉ thị..., song vẫn phải nhất quan một quan điểm là: “Phải có sự nhạy cảm giới, lồng ghép giới, tinh thần giới trong luật này”. Qua đó đảm bảo được cho lực lượng nữ giáo viên của ngành giáo dục, cũng như thụ hưởng liên quan tới giáo dục.

cg.jpg
Luật cần đảm bảo được cho lực lượng nữ giáo viên của ngành giáo dục, cũng như thụ hưởng liên quan tới giáo dục. Ảnh minh họa: Duy Quang
Theo Dự thảo lần thứ 5, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, có khoảng 30 điều đang được lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung. Cụ thể như: Yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục (Điều 5); Nghiên cứu khoa học (Điều 18); Cơ sở Giáo dục mầm non (Điều 22); Chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa (Điều 29); Giáo dục Đại học, Giáo dục thường xuyên; Nhà giáo (Điều 70); Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ (Điều 80)…

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn