Cần nhiều hơn sự tham gia phản biện của nhân dân trong quá trình xây dựng pháp luật

06:06 | 20/02/2020;
Ngày 19/2/2020 tại Hà Nội, UB TWMTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị phản biện Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (BHVBQPPL) sửa đổi. Tham dự hội nghị có nhiều chuyên gia pháp lý và đại diện các tổ chức chính trị xã hội.

Phát biểu tại Hội nghị, đông đảo các chuyên gia pháp lý đều có chung một quan điểm trong dự thảo sửa đổi lần này cần phải đưa hoạt động giám sát của Mặt trận và các tổ chức thành viên như là một nguyên tắc một thủ tục mang tính bắt buộc trong hoạt động xây dựng pháp luật nói chung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nói riêng.

Cần nhiều hơn sự tham gia phản biện của nhân dân trong quá trình xây dựng pháp luật - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UB TWMTTQVN Ngô Sách Thực chủ trì hội thảo

TS Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, theo quy định của pháp luật hiện hành thì hoạt động xét xử, hoạt động thanh tra, hoạt động giám sát đều có sự tham gia của nhân dân, MTTQ Việt Nam. Do đó, việc bổ sung nguyên tắc đảm bảo sự tham gia của nhân dân và MTTQ Việt Nam trong quá trình xây dựng VBQPPL là cần thiết, nhất là trong quá trình hiện nay, mặc dù đã qua các khâu thẩm định, thẩm tra cho ý kiến hoạt động ban hành chính sách, pháp luật vẫn đang tồn tại vấn đề lợi ích nhóm, lợi ích ngành.

Đề cập đến vai trò phản biện của MTTQ Việt Nam trong quy trình, thủ tục xây dựng, ban hành VBQPPL, TS Nguyễn Đình Quyền cho rằng, việc quy định trong Luật ban hành VBQPPL quy trình thủ tục phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam như một trình tự bắt buộc như hoạt động thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội là một yêu cầu tất yếu khách quan để thực hiện chức năng của MTTQ Việt Nam do hiến định, bảo đảm tính khách quan, khả thi, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân, tránh lợi ích nhóm, xa rời thực tiễn với những VBQPPL ban hành kiểu "trên giời" là một yêu cầu cần thiết cần phải được đặt ra thực hiện.

Cần nhiều hơn sự tham gia phản biện của nhân dân trong quá trình xây dựng pháp luật - Ảnh 2.

Các đại biểu tham gia hội thảo

Đồng quan điểm với TS. Nguyễn Đình Quyền, PGS.TS Bùi Xuân Đức, thành viên Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, Luật sửa đổi phải thể hiện rõ tinh thần đổi mới của Hiến pháp năm 2013, phải nêu rõ vai trò của Mặt trận trong quá trình tham gia phản biện đối với các văn bản quy phạm pháp luật trước khi ban hành. Bên cạnh đó phải nêu rõ việc yêu cầu các cơ quan tiếp thu có văn bản giải trình việc tiếp thu những ý kiến góp ý của Mặt trận đối với các văn bản quy phạm pháp luật.

Đóng góp ý kiến với tư cách là đại diện cho tổ chức chính trị xã hội, Phó Chủ tịch Hội LHPN VN Bùi Thị Hòa cho rằng, quyền tham gia xây dựng pháp luật là nhóm quyền thể hiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của người dân. Trong thực tế, chúng ta đã có tổ chức việc lấy ý kiến nhân dân thông qua cổng Thông tin điện tử của các ban ngành, ủy ban của Quốc hội... Tuy nhiên cũng có những dự Luật khi đăng tải trên các cổng thông tin điện tử nhưng người dân không có ý kiến nào. Do đó, cần làm sao để thực chất hơn, người dân quan tâm và có nhiều ý kiến đóng góp hơn. MTTQ Việt Nam tổng hợp ý kiến của người dân thông qua các tổ chức thành viên của mặt trận cũng như việc tập hợp ý kiến nhân dân thông qua ý kiến của cử tri nhưng việc tiếp thu cần được chú trọng và bài bản hơn.

"Đối với những vấn đề liên quan đến bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật, chúng ta chưa thực sự thống nhất trong xây dựng luật. Việc này cũng liên quan rất lớn đến Ban soạn thảo. Cơ quan soạn thảo rất dễ bỏ qua đánh giá tác động giới trong xây dựng quy phạm pháp luật vì đánh giá vấn đề giới là một quá trình khó khăn, không dễ nhận diện", bà Hòa chia sẻ.

Cụ thể, Luật Bình đẳng giới năm 2006 quy định các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật đều phải có trách nhiệm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới và Ủy ban của Quốc hội phụ trách lĩnh vực giới có trách nhiệm tham gia thẩm tra lồng ghép giới đối với các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trước khi trình Quốc hội. Trong khi đó, Luật BHVBQPPL năm 2015 quy định Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội chỉ tham gia thẩm tra khi dự án, dự thảo đó có quy định liên quan đến vấn đề bình đẳng giới. 

Đồng thời Luật BHVBQPPL chỉ quy định việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các giai đoạn xây dựng văn bản QPPL của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm định, thẩm tra nếu trong dự án, dự thảo có nội dung liên quan đến vấn đề bình đẳng giới.

Cần nhiều hơn sự tham gia phản biện của nhân dân trong quá trình xây dựng pháp luật - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch Hội LHPN VN Bùi Thị Hòa phát biểu tại hội thảo

Theo Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, xuất phát  từ những quy định trên, việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phụ thuộc rất nhiều vào năng lực, trình độ, trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo. Do đó, cơ quan soạn thảo rất dễ "bỏ qua" đánh giá tác động giới, không thực hiện lồng ghép vấn đề giới trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. 

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực nhấn mạnh, thời gian qua, vai trò phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam đối với việc xây dựng VBQPPL ngày càng được quan tâm, lần đầu tiên trong Hiến pháp năm 2013 quy định chức năng, nhiệm vụ phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, quy định này cũng đã được cụ thể hóa thành một Chương riêng trong Luật MTTQ Việt Nam năm 2015.

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho biết, những ý kiến phát biểu tại Hội nghị sẽ được tiếp thu và được chỉnh sửa để gửi đến Ban Soạn thảo, để khi Luật ban hành tạo được sự đồng thuận của các cơ quan liên quan và nhân dân.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn