Sáng nay (11/5), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 11. Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng, trong đó phần lớn là các nội dung công tác chuẩn bị cho Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV, khai mạc vào ngày 23/5 tới đây.
Dự kiến chương trình phiên họp kéo dài 3 ngày làm việc (từ 11 - 13/5/2022), xem xét, cho ý kiến trực tiếp về 11 nội dung và 3 nội dung cho ý kiến bằng văn bản.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, chủ động sắp xếp lịch làm việc, dự họp đầy đủ, đúng thành phần, nghiên cứu kỹ lưỡng, có nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng... để Phiên họp đạt hiệu quả cao nhất.
Tại phiên làm việc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe trình bày và cho ý kiến về các báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN những tháng đầu năm 2022.
Theo báo cáo, về tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, theo Chính phủ, nhiều giải pháp đồng bộ đã được triển khai để bảo đảm nguồn cung, ổn định giá xăng dầu, lương thực, thực phẩm, duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, tỷ giá…
Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, là nền tảng để triển khai hiệu quả lộ trình mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế từ giữa tháng 3, mở cửa trường học, dịch vụ vui chơi, giải trí, văn hóa, nghệ thuật…
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2022 đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, GDP Quý I ước tăng 5,03% so với cùng kỳ. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm...
Trình bày báo cáo thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ một số nội dung như: ban hành các văn bản để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn chậm; Áp lực nhập khẩu lạm phát; thị trường chứng khoán đã xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi; tình trạng đẩy giá đất trong đấu giá đất đai để trục lợi...
Đặc biệt, Ủy ban Kinh tế lưu ý cần nhìn nhận, quan tâm thỏa đáng vấn đề tình trạng sức khỏe tâm thần của học sinh, nhất là do ảnh hưởng do dịch COVID-19; áp lực học hành, thiếu các hoạt động vui chơi, giải trí, bệnh thành tích, bạo hành gia đình, vấn đề thông tin mạng…
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về những kết quả đạt được những hạn chế, tồn tại trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, đặc biệt là công tác phòng chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội, sức khỏe người dân; về thực hiện thu chi ngân sách, bội chi nợ công của năm ngân sách 2021; kết quả thực hiện chính sách tài khóa ứng phó với đại dịch COVID-19, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ người dân những bất cập, hạn chế, bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện ngân sách năm 2021 và điều hành chính sách tài khóa ứng phó với dịch bệnh.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các tháng đầu năm 2022 về tốc độ tăng trưởng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Việc thực hiện các lĩnh vực văn hóa xã hội, kiểm soát dịch COVID-19. Việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ; hỗ trợ chương trình hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, việc phục hồi của các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn