Cần những quy định “tháo ra” để phụ nữ có năng lực, trình độ tiếp tục được cống hiến

16:05 | 14/05/2020;
Sáng nay 14/5, TƯ Hội LHPNVN tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến góp ý dự thảo Nghị định cụ thể hóa quy định về tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu với một số đối tượng lao động đặc thù.

Ngày 14/5, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Bùi Thị Hòa và ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, chủ trì Hội thảo tham vấn ý kiến góp ý dự thảo Nghị định quy định về tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu. 

Bộ luật Lao động (sửa đổi) được Quốc hội thông qua 20/11/2019, có hiệu lực từ 1/1/2021 đã quy định tăng tuổi nghỉ hưu tại Điều 169. Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình kể từ năm 2021, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi vào năm 2028 và nữ đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Bùi Thị Hòa cho biết: Hội LHPN Việt Nam đã nhiều lần tiến hành khảo sát, nghiên cứu, lấy ý kiến các tầng lớp phụ nữ về tuổi nghỉ hưu. Đặc biệt, tại Bộ luật Lao động, Hội quan tâm đặc biệt tới 2 nhóm lao động: Thứ nhất là người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn; và nhóm thứ 2 là người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn.

Thực hiện phản biện xã hội Dự thảo Nghị định này, lãnh đạo Hội LHPNVN đưa ra 4 nhóm nội dung chính như: Phạm vi điều chỉnh của Nghị định, điều kiện hưởng lương hưu của lao động nữ là cán bộ, công chức cấp xã hoặc là người hoạt động không chuyên trách; về đối tượng có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn; đối tượng có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn…

Cần quy định đảm bảo bình đẳng giới về tuổi nghỉ hưu cao hơn - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Bùi Thị Hòa phát biểu tại Hội thảo tham vấn ý kiến góp ý dự thảo Nghị định quy định về tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu

 

Về đối tượng lao động có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn, Phó Chủ tịch Bùi Thị Hòa cho rằng, hiện nay nhóm làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ LĐ-TB&XH ban hành danh mục. Còn vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được quy định rải rác ở các văn bản pháp luật khách nhau. Vì thế, có cần hợp nhất giữa các văn bản quy định về người lao động trong nhóm ngành nặng nhọc, độc hại và làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn, để việc áp dụng pháp luật được thuận tiện?

Về đối tượng lao động có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, Phó Chủ tịch Bùi Thị Hòa cho rằng, cần làm rõ các cụm từ "trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt" trong khoản 4 Điều 169 để có thể phiên chiếu các đối tượng cụ thể.

Còn về đối tượng, dự thảo Nghị định này kế thừa Nghị Nghị định số 53 quy định tuổi cao hơn đối với nữ cán bộ, công chức có chức danh cụ thể và đối tượng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Như vậy mới chỉ hướng tới đối tượng cán bộ, công chức thì liệu đã đúng tinh thần của Bộ luật Lao động là "Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt" không?

Cùng với đó, nên quy định đảm bảo bình đẳng giới về tuổi nghỉ hưu cao hơn và lộ trình điều chỉnh đối với cán bộ, công chức nam và nữ có chức danh tương đương cán bộ, công chức nữ theo quy định hiện hành có thể nghỉ hưu ở tuổi 60 bằng tuổi nghỉ hưu của lao động nam (Nghị định 53) như thế nào? 

Theo Phó Chủ tịch Bùi Thị Hòa, vấn đề đặt ra là, theo Bộ luật Lao động, nữ có thể kéo dài đến 65 tuổi. Còn theo dự thảo Nghị định thì một số đối tượng nữ cán bộ, công chức có thể nâng tuổi nghỉ hưu đến 65 tuổi trong khi đó các đối tượng nam cùng chức danh thì chỉ đến 62 tuổi. "Vì vậy đối với các chức danh này kéo dài nữ đến 62 bằng nam hay cả nam và nữ kéo dài đến 65 tuổi? Cần cân nhắc vấn đề này song hành với việc một số đối tượng cán bộ, công chức nam có thể kéo dài đến 67 tuổi".

Cần quy định đảm bảo bình đẳng giới về tuổi nghỉ hưu cao hơn - Ảnh 2.

Các đại biểu phát biểu tại buổi hội thảo

Về lộ trình, Hội LHPNVN đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu xác định mốc tuổi xuất phát để tính lộ trình cho các nhóm lao động có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn. Dự thảo quy định mốc tuổi tính từ năm 2021 đối với nhóm lao động trong điều kiện bình thường nữ 55 tuổi, nam 60 tuổi; và nhóm lao động có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp nữ 50 tuổi, nam là 55 tuổi, tuy nhiên đối với lao động có thể nghỉ hưu tuổi cao hơn lại tính theo mốc nghỉ hưu của tuổi nghỉ hưu theo điều kiện bình thường nữ 55 tuổi, nam 60 tuổi. Như vậy chưa phù hợp vì theo quy định hiện hành đến năm 2021 các đối tượng thuộc nhóm này tuổi nghỉ hưu nữ 60 và nam là 65 vì vậy điều chỉnh các đối tượng thuộc nhóm này bắt đầu từ nữ phải sinh năm 1961, nam sinh năm 1956.

Phát biểu tại hội nghị, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng những vấn đề Hội LHPNVN đặt ra như trên là "rất chính xác" cho ban soạn thảo xây dựng Nghị định hướng dẫn về tuổi nghỉ hưu. Nghị định này chỉ cần hướng dẫn Điều 169 và Điều 219 của Bộ luật Lao động. 

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cùng chung quan điểm về quy định cụ thể hóa các đối tượng lao động suy giảm sức lao động, làm công việc nặng nhọc độc hại, cần phải cụ thể hóa những đối tượng nào thuộc trong các nhóm này.

Với lao động có trình độ, chuyên môn, Nghị định hướng dẫn cũng cần "tháo ra" để những phụ nữ có năng lực, trình độ tiếp tục được cống hiến theo nguyện vọng…

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn