Chiều 2/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Việc sửa đổi Luật này nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế của luật hiện hành, đồng thời cụ thể hóa các nhóm chính sách được Chính phủ thông qua trong đề nghị xây dựng dự án Luật.
Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy. Quá trình triển khai thi hành Luật đã thu được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực phòng, chống ma túy.
Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành, Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Một số quy định của Luật hiện hành không thống nhất, đồng bộ với quy định của một số luật khác, do vậy đã ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng, chống ma túy. Bên cạnh đó, do sự thay đổi tình hình, một số quan hệ xã hội mới xuất hiện liên quan đến công tác phòng, chống ma túy nhưng chưa có quy định của luật để điều chỉnh.
Phát biểu tại tổ thảo luận, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đánh giá, tình hình ma túy diễn biến phức tạp. Thời gian qua, lực lượng chức năng đã phá những vụ án có đến hàng tấn ma túy. Hầu hết các địa bàn trên cả nước đều bị ma túy xâm nhập, trong khi công tác đấu tranh gặp nhiều khó khăn.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, ma túy là "tội phạm của các loại tội phạm" và người nghiện có nguy cơ phạm tội ở mức độ cao hơn vì không nhận thức được về pháp luật, đạo đức, phong tục xã hội... Trên 50% đối tượng phạm tội bị giam giữ hiện nay có liên quan đến ma túy.
Trong khi đó, Luật Phòng, chống ma túy hiện hành có nhiều bất cập. Quy định pháp luật hiện nay không xử lý hình sự với người nghiện ma túy, nên số người nghiện tăng lên nhiều, nhu cầu trong nước rất lớn. Từ đó khiến nguồn cung trong và ngoài nước, tội phạm liên quan hoạt động phức tạp.
Tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị là sớm sửa đổi luật, có chế tài nghiêm khắc hơn đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.
"Do đó, trong quá trình sửa đổi luật, cơ quan soạn thảo có quan điểm chung là nâng cao xử lý về vấn đề này. Nếu coi người nghiện ma túy là người bệnh thì cần xem xét lại và cần biện pháp (xử lý) nghiêm khắc hơn," Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Vấn đề quan trọng nữa là xác định, quy định về các tiền chất ma túy, tinh chất, danh mục các chất ma túy. Thời gian qua, công tác xử lý tội phạm ma túy rất khó khăn bởi việc xác định tinh chất, tiền chất, danh mục chất ma túy còn nhiều khó khăn, bất cập. Nhiều đối tượng phạm tội pha trộn những chất khác cùng chất ma túy, khiến không thể xử lý được.
Góp ý về dự án Luật, nhiều đại biểu cũng cho ý kiến, cần thống nhất quan niệm rằng người sử dụng trái phép chất ma túy có phải là người bệnh thuần túy không, hay là đang vi phạm pháp luật. Nếu không rõ điều này thì khó định hình quan điểm xử lý.
Theo đại biểu Ngô Minh Châu (Thành phố Hồ Chí Minh), cần xác định người nghiện ma tuý là bệnh nhân đặc biệt. “Tương tự như bệnh tâm thần, người nghiện ma túy cần được quản lý đặc biệt và có giải pháp điều trị riêng.”
Có đến 70% tội phạm cướp giật là người nghiện ma tuý; bên cạnh đó nghiện ma tuý cũng là một trong những nguyên nhân làm phát sinh tội phạm, thậm chí là phạm tội rất nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị cần kịp thời bổ sung danh mục ma tuý, kể cả các giải pháp chữa bệnh; từ đó mới có cơ sở phòng chống hiệu quả, vì các dạng ma túy mới đang phát triển rất nhanh.
Nhiều trường hợp sử dụng ma túy, nhất là ma túy tổng hợp, ngay trong lần sử dụng đầu tiên đã gây ra nguy hiểm cho người dùng, gây mất an ninh, trật tự; đặc biệt người sử dụng ma túy tổng hợp bị loạn thần (ngáo đá), không kiểm soát được hành vi gây ra các vụ thảm án...
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn