Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, chiều 27/5, Quốc hội xem xét tờ trình dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết: việc tiếp tục quy định về các hành vi bạo lực gia đình theo hướng cụ thể sẽ góp phần bảo đảm tính minh bạch, khắc phục tình trạng luật khung và thuận tiện trong hướng dẫn thi hành Luật.
Đồng thời, Ủy ban Xã hội đề nghị: Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung để các hành vi bạo lực gia đình phản ánh được thực tiễn cuộc sống và tránh bỏ sót hành vi. Việc quy định các hành vi bạo lực gia đình cần có mối liên hệ với các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình, biện pháp xử lý người có hành vi bạo lực gia đình.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Xã hội, một số nội dung tư vấn quy định tại khoản 1 Điều 17 còn chưa phù hợp; cụ thể như quy định nội dung tư vấn là "các biện pháp cai nghiện cờ bạc, game bạo lực, văn hóa phẩm đồi trụy, rượu, bia, ma túy và các chất gây nghiện khác" có nội hàm chưa được quy định trong các văn bản có liên quan; yêu cầu người thực hiện tư vấn "phải được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tư vấn về phòng chống bạo lực gia đình" như quy định tại khoản 2 Điều 19 khó khả thi trên thực tế, đặc biệt đối với các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Về biện pháp tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình (các điều 17, 18 và 19), theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, việc sửa đổi, bổ sung quy định về tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình hướng tới mục tiêu tư vấn diện rộng, chuyên nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình mà còn tham gia điều trị, hỗ trợ điều trị các sang chấn tâm lý do bạo lực gia đình gây ra.
Về biện pháp yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình (Điều 32), Ủy ban Xã hội nhận thấy, biện pháp yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình quy định tại khoản 1 Điều 30 là một trong các biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 32 lại quy định chỉ khi được phân công giải quyết vụ việc bạo lực gia đình Công an cấp xã mới có quyền yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở để làm rõ thông tin và giải quyết vụ việc gia đình. Ủy ban Xã hội thấy rằng, để mang tính răn đe cao, nên quy định theo hướng khi nhận được tin báo tố giác về bạo lực gia đình thì Công an cấp xã có quyền yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình phải đến trụ sở Công an cấp xã để làm rõ thông tin và giải quyết vụ việc bạo lực gia đình.
Về trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng chống bạo lực gia đình, thực tiễn hiện nay cho thấy, công tác phòng, chống bạo lực gia đình vẫn tập trung trách nhiệm cho ngành chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực này, mà thiếu cơ chế phối hợp rõ ràng và tham gia tích cực của cơ quan, tổ chức khác trong khi đặc thù của công tác phòng, chống bạo lực gia đình đòi hỏi sự phối hợp, trách nhiệm của nhiều bộ, ngành, địa phương. Do vậy, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu mô hình quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình để có sự gắn kết chặt chẽ với hoạt động của các lĩnh vực bình đẳng giới, gia đình, trẻ em và bảo trợ xã hội.
Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) gồm 6 chương, 62 Điều, trong đó, sửa đổi, bổ sung nội dung 42 Điều trong Luật hiện hành; xây dựng mới hoàn toàn 17 Điều; bỏ 3 Điều, so với Luật hiện hành tăng 16 Điều.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn