Bộ LĐ-TB&XH vừa tổ chức Phiên họp lần thứ I của Ban soạn thảo xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới, diễn ra ngày 6/7 tại Hà Nội. Phát biểu tại phiên họp, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: Nghị định số 55/2009/NĐ-CP ngày 10/06/2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới đã góp phần bảo đảm các quyền bình đẳng của nam và nữ, nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của người dân về bình đẳng giới.
Tuy nhiên, qua 12 năm thực hiện, theo bà Nguyễn Thị Hà, Nghị định này phát sinh những bất cập, hạn chế nhất định. Cụ thể Nghị định 55 vẫn căn cứ vào những luật cũ, văn bản cũ đã hết hiệu lực thi hành. Một số nội dung của Nghị định này không phù hợp và không đồng nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) như: mức phạt tiền tối đa, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, việc phân định thẩm quyền xử phạt…
Vì vậy, việc tiếp tục áp dụng Nghị định cũ khiến cho việc xử phạt trong lĩnh vực bình đẳng giới bị phức tạp, khó thực thi, gây lúng túng cho người có thẩm quyền xử phạt. Theo bà Nguyễn Thị Hà, việc ban hành Nghị định mới là thực sự cấp thiết, để đồng bộ hóa với Bộ luật Lao động và hệ thống pháp luật hiện hành, đồng thời khắc phục được những tồn tại, cũng như đảm bảo tối đa hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong thực tế cuộc sống.
Trước đó, tại Quyết định số 126/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 26/01/2021, Thủ tướng đã giao Bộ LĐ-TBXH chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới.
Về dự thảo Nghị định mới thay thế cho Nghị định 55/2009/NĐ-CP, theo ông Lê Khánh Lương, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Dự thảo Nghị định mới có 04 Chương, 23 Điều (giảm 01 Chương, 05 Điều so với Nghị định số 55/2009/NĐ-CP) sẽ xác định những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới, những hình thức xử phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả, cũng như quy định rõ thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân và tổ chức trong lĩnh vực bình đẳng giới.
Theo các chuyên gia, dự thảo Nghị định mới được kỳ vọng sẽ khắc phục được những tồn tại, đảm bảo tối đa hiệu lực, hiệu quả của xử phạt vi phạm hành chính trong việc bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới.
Kết luận Phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà yêu cầu Vụ Bình đẳng giới sẽ tiếp tục lấy ý kiến đóng góp từ các bên liên quan và các chuyên gia trong lĩnh vực Bình đẳng giới để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Nghị định và đảm bảo hoàn thành Dự thảo đúng tiến độ được giao.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn