Trước đây, phụ nữ La Ha ở huyện Mường La (tỉnh Sơn La) sinh sống chủ yếu bằng nghề làm rẫy theo lối du canh, lấy canh tác nương rẫy làm sản xuất chính. Do cư trú không tập trung ở vùng cách trung tâm huyện khá xa nên cuộc sống sinh hoạt hằng ngày chủ yếu là tự cung tự cấp, chưa có sự giao thương hàng hóa với bên ngoài.
Bà Phạm Thị Thu Hường, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mường La, cho biết, Hội LHPN huyện Mường La đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ nâng cao kiến thức cho hội viên để từng bước thay đổi tập quán sinh hoạt, sản xuất; hỗ trợ dạy nghề, phát triển sản xuất tại địa phương.
Xã Nậm Giôn nằm cách trung tâm huyện Mường La 75km. Nơi đây có 3 dân tộc cùng sinh sống, trong đó phần đông là dân tộc La Ha. Theo bà Quàng Thị Biệt, Chủ tịch UBND xã Nậm Giôn, trước đây, phụ nữ La Ha ở Nậm Giôn còn rụt rè. Trong gia đình, phụ nữ không được quyền quyết định việc chi tiêu mà là người chồng.
Bây giờ đã khác, phụ nữ được quyết định việc chi tiêu hằng ngày của gia đình cũng như việc trao đổi, mua bán vật nuôi, sản phẩm làm ra. Không chỉ quản lý tài chính gia đình, nhiều phụ nữ La Ha giờ đây đã mạnh dạn đứng ra vay vốn làm ăn.
Theo Hội LHPN xã, Nậm Giôn hiện có 160 hội viên phụ nữ, trong đó có 87 hội viên vay vốn ngân hàng, 50 phụ nữ là chủ hộ nghèo đứng lên vay vốn. Thông qua hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế của Hội LHPN xã, từ đầu năm 2023 đến nay, có 4 gia đình trong xã đã thoát nghèo.
Bên cạnh kiến thức phát triển kinh tế gia đình, một vấn đề cần được quan tâm đối với phụ nữ La Ha hiện nay là còn thiếu kỹ năng sử dụng đồng vốn, quản lý tài chính gia đình. Gia đình chị Lò Thị Vân, người La Ha ở Mường La, sống bằng nghề làm nương rẫy và chăn nuôi.
"Tiền bán vật nuôi, ngô, sắn mỗi tháng cũng được 5-6 triệu đồng. Nhưng trước đây, cứ có tiền là tôi mua bất cứ cái gì mình thích, mình thấy "hay hay". Lúc có tiền thì mình không nghĩ ra việc phải mua thêm con giống để mở rộng chăn nuôi, đến lúc cần vốn để mua con giống thì lại hết tiền.
Còn bây giờ, với sự hướng dẫn của Hội, tôi và gia đình đã biết cách chi tiêu hợp lý, biết đầu tư mua con giống, gây được đàn, tìm đầu ra ổn định cho vật nuôi. Có tiền tích lũy, gia đình cũng đầm ấm hơn", chị Vân cho biết.
Trường hợp chị Quàng Thị Uôn ở xã Nậm Giôn cũng tương tự. Chị Uôn chia sẻ: "Thỉnh thoảng mình mới đi chợ xa, cầm theo tiền mua những món đồ mình thích và một số nhu yếu phẩm về dự trữ. Gần đây, được tham gia lớp tập huấn về sử dụng đồng vốn vay, tiết kiệm do Hội LHPN xã tổ chức, mình đang áp dụng, mong phát triển kinh tế hộ gia đình".
Chia sẻ với chúng tôi, bà Quàng Thị Biệt, Chủ tịch UBND xã Nậm Giôn, cho biết, nhiều chị em phụ nữ dân tộc thiểu số chưa biết cách sử dụng đồng tiền, quản lý tài chính gia đình. Điều này đã phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả làm kinh tế của gia đình.
Nắm bắt được vấn đề đó, Hội LHPN xã Nậm Giôn đã mở nhiều lớp tập huấn để hướng dẫn chị em cách sử dụng đồng vốn vay để phát triển kinh tế, khi khởi nghiệp thì biết cách xoay vòng vốn như thế nào cho hiệu quả; đồng thời vận động chị em thực hành tiết kiệm bằng nhiều hình thức như nuôi heo đất...
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn