Chỉ còn vài ngày nữa là bước sang năm mới nhưng công việc của chị Hà Anh (phố Chùa Láng, Hà Nội) - một kế toán trưởng - vẫn còn bộn bề. Đã vậy, bác giúp việc lại gọi điện liên tục báo cô con gái 2 tuổi của chị bị sốt và quấy. "Tôi phải bỏ công việc lại để đưa con đi khám. Bác sĩ nói con bị viêm tai giữa. Chẳng thế mà suốt đêm qua con quấy khóc" - chị Hà Anh mệt mỏi chia sẻ.
Những ngày qua, số lượng bệnh nhân tới khám vì viêm tai giữa tăng hơn so với bình thường, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Chia sẻ về điều này, PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An - nguyên Trưởng khoa Tai mũi họng Trẻ em, BV Tai mũi họng Trung ương - cho biết, những ngày này, thời tiết trở lạnh, mọi người bận rộn chuẩn bị cho Tết nên việc chú ý chăm sóc sức khoẻ cho bản thân và đặc biệt là trẻ nhỏ nhiều khi bị lơ là. Chính vì thế, đây là cơ hội cho các bệnh về đường hô hấpm điển hình là viêm tai giữa phát triển.
Ở trẻ nhỏ, viêm tai giữa thường phát sinh sau những đợt viêm mũi họng, gây ra tình trạng bội nhiễm tạo dịch mủ trong tai giữa.
Chất dịch mủ có thể làm thủng màng nhĩ chảy ra ngoài tai hoặc tích tụ trong vùng tai giữa gây đau tai và giảm một phần khả năng nghe. Viêm tai giữa ban đầu là thể cấp tính, nếu không được điều trị kịp thời lâu ngày sẽ làm tổn thương niêm mạc tai và trở thành viêm tai giữa mạn tính.
Theo PGS.TS Hoài An, có nhiều nguyên nhân gây viêm tai giữa, trong đó viêm tai giữa ở trẻ em là do cấu tạo vòi nhĩ lúc này phát triển chưa đầy đủ, kích thước ngắn. Vì thế, các loại vi khuẩn, dịch tiết ở họng, mũi dễ lan đến tai và gây bệnh.
Những trẻ đang mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm họng, viêm amidan, viêm mũi… cũng có nguy cơ mắc viêm tai giữa nhiều hơn.
Cháu Phạm Anh Khoa (14 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) được bố mẹ đưa đến viện khám vì kêu đau tai. Sau khi thăm khám, bác sĩ phát hiện con bị viêm tai mà nguyên nhân là do con đã tự ý dùng bông để ngoáy tai rất nhiều. Mẹ của Khoa lúc ấy mới giật mình nhớ ra, cách đây 2 hôm, chị không hiểu sao gói bông tăm chị mới mua mà đã hết. Sau khi bác sĩ thăm khám và kết luận nguyên nhân, lúc này Khoa mới cho mẹ hay: "Con xem trên tivi, thấy người ta cứ tắm xong là ngoáy tai, nên con cũng làm vậy". Cậu bé vô tình đã làm cho chính mình bị viêm tai giữa vì cách vệ sinh tai chưa đúng.
Theo PGS.TS Hoài An, ở người lớn, viêm tai giữa là do cách vệ sinh tai chưa đúng cách, như việc dùng vật nhọn để ngoáy và khiến vùng tai giữa bị tổn thương hoặc do bị nhiễm khuẩn từ một số bệnh khác như viêm tai ngoài, viêm mũi, viêm xoang, viêm phổi…
Những người làm việc trong các môi trường bụi bẩn, tắm ở nguồn nước không đảm bảo, hay bị nước vào tai khi đi bơi cũng sẽ có nguy cơ bị viêm tai giữa cao.
Một số triệu chứng của viêm tai giữa có thể kể đến:
- Đau trong tai và nhiều khi đau rất nặng.
- Giảm khả năng nghe, cảm giác ù tai, nặng tai khó chịu.
- Người bệnh bị sốt, trẻ nhỏ có thể bị sốt cao trên 39 độ C.
- Trẻ nhỏ có thể quấy khóc, khó ăn uống, tiêu chảy, buồn nôn, ói mửa, khó ngủ…
- Nếu bị thủng màng nhĩ thì sẽ có triệu chứng chảy mủ tai và sẽ giúp giảm đau một phần.
Viêm tai giữa có thể để lại nhiều biến chứng, vì thế khi bị viêm tai giữa, cần nhanh chóng tới gặp các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được điều trị.
PGS.TS Hoài An lưu ý, khi bị viêm tai giữa, đặc biệt là trẻ nhỏ cần được điều trị kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Hiện giờ việc điều trị này cũng không khó khăn và tốn thời gian nhưng cần được điều trị ở cơ sở y tế uy tín.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn