Cẩn thận khi dùng thuốc long đờm nếu không muốn bệnh lâu khỏi

10:58 | 15/12/2023;
Thuốc long đờm có tác dụng làm tiêu/loãng đờm và chất nhầy thường được sử dụng trong kiểm soát tình trạng tắc nghẽn ngực, đặc biệt là khi các triệu chứng do việc nhiều đờm/chất nhầy gây ra. Tuy nhiên sử dụng thuốc long đờm không đúng cách có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe.

Thuốc long đờm có nhiều dạng khác nhau, bao gồm dạng lỏng, thuốc viên và viên nén không kê đơn (OTC). Có hai loại thuốc long đờm chính là:

- Thuốc long đờm tác dụng lên đường hô hấp còn gọi là thuốc loãng đờm. Thuốc thường chứa các hoạt chất như guaifenesin, ipecacuanha, muối amoni, muối iod, natri benzoat, terpin hydrate...

- Thuốc long đờm tác dụng trực tiếp lên đờm còn gọi là thuốc tiêu đờm. Nhóm thường chứa các hoạt chất như acetylcystein, ambroxol, bromhexin, carbocysteine...

Bài viết dưới đây đề cập tới những thông tin chung về thuốc long đờm. Khi sử dụng một loại thuốc long đờm nhất định, bệnh nhân cần đọc kĩ hướng dẫn sử dụng trên nhãn thuốc và tuân thủ tuyệt đối theo chỉ định của bác sĩ về liều lượng, tần suất cũng như thời gian sử dụng bởi mỗi hoạt chất khác nhau sẽ có những tác dụng phụ, chống chỉ định và thận trọng khi dùng thuốc khác nhau.

1. Công dụng của thuốc long đờm

Thuốc long đờm thường được sử dụng cho các triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính chẳng hạn như cảm lạnh thông thường, viêm phổi hoặc viêm phế quản. Những bệnh nhiễm trùng này khiến đờm/chất nhầy tích tụ lại trong cổ họng hoặc trong phổi. Việc tống thải đờm hay chất nhầy dạng đặc sẽ gặp nhiều khó khăn dẫn tới cơn ho có đờm dai dẳng mãi không dứt ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống người bệnh.

Thuốc long đờm làm loãng đờm nhờ làm tăng sự tiết dịch, tăng thể tích, khối lượng đờm, làm cho đờm loãng ra, dễ tống ra ngoài nhờ phản xạ ho hoặc khạc đờm. Hoặc thuốc tác dụng trực tiếp lên đờm (tiêu đờm), làm thay đổi cấu trúc đờm bằng cách bẻ gãy các cấu trúc hóa học liên kết trong đờm (cầu nối disulphure, cầu nối oligo sacharid) nhưng không làm tăng thể tích, khối lượng đờm, khiến cho đờm giảm độ nhớt, độ quách, dễ tống ra ngoài khi ho khạc.

Cẩn thận khi dùng thuốc long đờm nếu không muốn bệnh lâu khỏi- Ảnh 1.

Cơn ho có đờm khiến nhiều người mệt mỏi (Ảnh: ST)

Thuốc long đờm sẽ không làm dịu cơn ho mà ngược lại - nó sẽ giúp việc ho của bạn hiệu quả hơn. Ho ra đờm giúp giảm sự khó chịu do tắc nghẽn ở ngực. Giúp loại bỏ các mảnh vụn và chất lây nhiễm như vi khuẩn và virus và cũng có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Ngoài ra, thuốc long đờm mặc dù có tác dụng giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn nhưng không giúp bạn điều trị được nguyên nhân cơ bản gây ra tình trạng tắc nghẽn ngực. Vì thế mà ngoài thuốc long đờm, tùy vào tình trạng bệnh mà bạn cần kết hợp với các loại thuốc điều trị khác chẳng hạn như thuốc kháng sinh hoặc steroid. Tuy nhiên việc kết hợp loại thuốc nào với liều lượng ra sao cần có chỉ định từ bác sĩ.

Off-Label của thuốc long đờm (Tạm dịch: Mục đích sử dụng khác ngoài nhãn)

Đôi khi thuốc long đờm được sử dụng để kiểm soát tắc nghẽn có liên quan tới tình trạng hô hấp mãn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hoặc khí phế thũng. Tuy nhiên bạn không nên tự ý sử dụng thuốc long đờm nếu bạn đang có tình trạng hô hấp mãn tính trừ khi có chỉ định của bác sĩ chủ trị.

Thuốc long đờm có chứa thành phần Guaifenesin đang được nghiên cứu về tác dụng trong kiểm soát chứng đau cơ xơ hóa, nhưng các nhà nghiên cứu vẫn chưa giải thích được cơ chế tác động ở đây là gì.

Riêng thuốc acetylcystein còn được dùng làm thuốc giải độc khi dùng quá liều paracetamol. Còn bromhexin, ambroxol (là chuyển hóa chất của bromhexin) thường được dùng điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp đi kèm với ho có đờm, bromhexin làm tăng sự xâm nhập của một số kháng sinh vào dịch bài tiết phế quản, tăng sự đáp ứng tốt với kháng sinh trị nhiễm khuẩn.

2. Thuốc long đờm tự nhiên là gì?

Ngoài thuốc long đờm như thuốc không kê đơn hay thuốc kê đơn thì có một số biện pháp điều trị tại nhà hay còn gọi là thuốc long đờm tự nhiên có thể hoạt động hỗ trợ giống như các loại thuốc long đờm kể trên. Những biện pháp này cũng giảm các triệu chứng ho có đờm nhưng không điều trị được nguyên nhân cơ bản của triệu chứng.

Các thuốc long đờm tự nhiên có thể kể đến như:

- Mật ong

Mật ong là một phương thuốc chữa đau họng phổ biến và cũng có tác dụng giảm ho. Mật ong có thể uống trực tiếp hoặc pha cùng với trà. Lưu ý rằng không dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi.

- Gừng

Gừng có thể giúp giảm nghẹt mũi và ho khan. Bạn có thể dùng viên ngậm làm từ gừng hoặc dùng gừng để pha trà giảm ho. Thêm một chút mật ong vào trà gừng sẽ giúp trà của bạn dễ uống hơn.

Cẩn thận khi dùng thuốc long đờm nếu không muốn bệnh lâu khỏi- Ảnh 2.

Có nhiều biện pháp tự nhiên giúp long đờm giảm ho (Ảnh: ST)

- Tỏi

Tỏi có thể giúp giảm các triệu chứng cảm lạnh thông thường, bao gồm cả ho. Mặc dù bạn có thể thêm tỏi tươi vào nước nóng để tạo thành một thức uống dễ chịu nhưng hương vị từ loại nước uống này có thể quá nồng và khó uống với một số người.

Thay vào đó, bạn hãy thử thêm tỏi vào nước nóng và xông hơi với hỗn hợp này bằng cách hít sâu vào để làm dịu cơn ho. Chú ý về nhiệt độ nước để không bị bỏng niêm mạc mũi.

- Bạch đàn

Có nhiều biện pháp trị ho có đờm tự nhiên, trong đó có bạch đàn và bạch đàn cũng được thêm vào làm thành phần trong một số sản phẩm trị ho và cảm lạnh.

- Tinh dầu bạc hà

Tinh dầu bạc hà mát lạnh là một thành phần tự nhiên phổ biến khác trong các sản phẩm trị ho và cảm lạnh. Bạn có thể sử dụng nó để giúp giảm ho cũng như làm dịu cơn đau họng.

- Nước

Dù bạn có tin hay không thì người bị ho chỉ cần uống đủ nước đã có thể góp phần loại bỏ chất nhầy nhanh hơn cũng như làm dịu cổ họng và giảm các cơn kích ứng gây ho.

3. Thận trọng và chống chỉ định của thuốc long đờm

Nếu bạn từng xuất hiện các phản ứng dị ứng khi dùng thuốc long đờm trước đây hoặc có tình trạng không dung nạp với thuốc long đờm thì bạn không nên dùng loại thuốc này.

Cẩn thận khi sử dụng thuốc long đờm nếu lái xe hoặc sử dụng máy móc vì một số loại thuốc long đờm có tác dụng phụ gây buồn ngủ hoặc chóng mặt.

Bên cạnh đó, do thuốc long đờm thường được sử dụng ở dạng kết hợp với các loại thuốc khác. Vì thế mà điều quan trọng chính là đọc kỹ nhãn trên lọ thuốc và nắm được các thành phần là gì bởi có những thành phần khác trong thuốc long đờm có thể không an toàn với bạn.

Một số loại thuốc kết hợp với thuốc long đờm cũng có thành phần giảm đau. Nếu bạn đang dùng các loại thuốc giảm đau khác như Tylenol, hãy kiểm tra xem sản phẩm thuốc mà có chứa thuốc giảm đau trong đó hay không để đảm bảo bạn không dùng quá liều.

Cẩn thận khi dùng thuốc long đờm nếu không muốn bệnh lâu khỏi- Ảnh 3.

Cần thận trọng khi sử dụng thuốc long đờm (Ảnh: ST)

Phenylephrine (có trong Mucaphed - sự kết hợp của guaifenesin và phenylephrine), có thể gây tăng huyết áp và chậm nhịp tim. Thuốc cũng có thể tương tác với thuốc chống trầm cảm và thuốc tim mạch.

Người bị loét dạ dày nên thận trọng sử dụng thuốc long đờm chứa bromhexin do thuốc có thể gây tổn thương hàng rào niêm mạc dạ dày.

Nhóm thuốc này cũng cần lưu ý khi dùng cho người bệnh hen (vì thuốc có thể gây co thắt phế quản ở một số người dễ mẫn cảm), người cao tuổi hoặc suy nhược quá yếu không có khả năng khạc đờm có hiệu quả (sẽ càng gây tăng ứ đờm). Thời gian điều trị không được kéo dài quá 8-10 ngày nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.

4. Liều lượng sử dụng

Liều lượng thuốc long đờm cần sử dụng theo chỉ định của bác sĩ và hướng dẫn trên nhãn thuốc. Thời gian dùng thuốc tùy thuộc vào loại thuốc long đờm mà bạn sử dụng là loại thuốc dùng trong thời gian dài hay không. Thông thường thời gian dùng thuốc từ 8 – 10 ngày. Hãy chắc chắn rằng bạn sử dụng đúng liều và đúng số lần trong ngày.

Cẩn thận khi dùng thuốc long đờm nếu không muốn bệnh lâu khỏi- Ảnh 4.

Liều dùng khuyến cáo của một số thuốc long đờm (Nguồn: ST)

Nên uống nhiều nước nếu sử dụng thuốc long đờm. Khi uống các thuốc long đờm, có thể phối hợp vỗ rung hoặc hút đờm (nếu cần thiết) để đờm có thể thoát ra ngoài dễ dàng hơn, đặc biệt là ở trẻ em chưa hình thành phản xạ nhả (khạc) đờm.

5. Tác dụng phụ của thuốc long đờm

Thuốc long đờm thường không gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng. Các tác dụng phụ thường gặp nhất của thuốc long đờm bao gồm chóng mặt, buồn ngủ và phát ban.

Thuốc long đờm kết hợp có nhiều khả năng gây ra tác dụng phụ. Dextromethorphan (thành phần chính trong Robitussin DM và Mucinex DM) có thể gây buồn ngủ, chóng mặt, hồi hộp, bồn chồn, buồn nôn và nôn mửa.

Thuốc long đờm cũng có thể làm lỏng chất nhầy bảo vệ dạ dày, vì vậy dễ gây hại làm loét dạ dày, rối loạn tiêu hoá, tăng nhẹ men gan,...

Khởi phát cơn co thắt phế quản ở bệnh nhân hen suyễn nên cần tránh sử dụng thuốc long đờm cho nhóm bệnh nhân này.

Nếu gặp các tác dụng phụ này, bạn nên nói chuyện với bác sĩ để được hướng dẫn đối phó hoặc thay đổi loại thuốc tương đương. Tuyệt đối không được tự ý dừng thuốc hay giảm liều khi chưa có chỉ định của bác sĩ chủ trị.

6. Câu hỏi thường gặp về thuốc long đờm

Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp về thuốc long đờm:

- Phụ nữ mang thai dùng thuốc long đờm được không?

Nếu bạn đang mang thai hoặc đang cho con bú, hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi sử dụng thuốc long đờm.

Theo Healthline, bạn không nên dùng thuốc long đờm chứa Guaifenesin trong ba tháng đầu thai kỳ. Dextromethorphan là một loại thuốc giảm ho khác dường như an toàn khi sử dụng trong thai kì nhưng chỉ nên dùng nếu thực sự cần thiết. Pseudoephedrin là một loại thuốc thông mũi có thể gây ra một số dị tật bẩm sinh nếu sử dụng trong 3 tháng đầu của thai kì.

Thay vào đó bà bầu bị ho có đờm nên sử dụng chanh, mật ong, gừng, nước muối sinh lý, viên ngậm ho thảo dược để an toàn.

- Đang cho con bú dùng thuốc long đờm được không?

Theo Healthline, chưa có nghiên cứu đáng tin cậy nào được thực hiện về sự an toàn của việc sử dụng thuốc long đờm chứa guaifenesin khi đang cho con bú. Vì thế, tốt hơn hết hãy tránh dùng thuốc long đờm nếu bạn đang cho con bú cho tới khi có khuyến nghị chính xác.

Thuốc ho chứa thành phần Dextromethorphan cũng chưa được nghiên cứu nhiều, tuy nhiên người ta cho rằng chỉ có một lượng thuốc rất thấp đi vào sữa mẹ nếu người mẹ dùng Dextromethorphan khi đang cho con bú nên có thể xem như an toàn nếu trẻ hơn hai tháng tuổi. Tuy vậy vẫn không nên dùng khi không có chỉ định của bác sĩ.

Thuốc thông mũi có chứa Pseudoephedrin được nghiên cứu nhiều hơn so với hai nhóm trên ở nhóm đang cho con bú và nhìn chung loại thuốc này được cho là an toàn. Nhưng theo Healthline, một nghiên cứu nhỏ đã phát hiện rằng, loại thuốc này có thể làm giảm lượng sữa ở mẹ và có tác dụng phụ khiến trẻ bú mẹ dễ cáu kỉnh hơn bình thường.

Nhìn chung, mỗi một loại thuốc long đờm khác nhau sẽ có những chống chỉ định khác nhau nên người bệnh cần đặc biệt chú ý đọc kỹ trước khi uống. Ngay cả khi thuốc long đờm mà bạn sử dụng là thuốc không kê đơn bạn cũng không nên quá lạm dụng và cần liên hệ với bác sĩ khi có những dấu hiệu bất thường hoặc cơn ho đờm nghiêm trọng hơn, gây khó thở hay cản trở tới sinh hoạt.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn