Khuyến khích giao dịch trực tuyến thời Covid-19
Thời gian qua đã có nhiều ngân hàng miễn, giảm phí giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng cũng như đưa ra nhiều ưu đãi với giao dịch online nhằm khuyến khích giao dịch trực tuyến và hạn chế việc người dân tiếp xúc với tiền mặt có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19.
Cụ thể, ngân hàng MSB thông báo, những tài khoản M1, M-Money, M-Business, được miễn 100% phí chuyển khoản nhanh 24/7, hạn mức chuyển khoản liên ngân hàng lên tới 6 tỷ đồng/ngày; miễn hoàn toàn phí thanh toán các loại hóa đơn điện thoại, điện, nước internet…qua ngân hàng điện tử M-Banking; gửi tiết kiệm online sẽ hưởng mức lãi suất cao hơn tới 0.5%/năm so với lãi suất tại quầy; hoàn tiền lên đến 20% khi thanh toán online với thẻ tín dụng Visa Online.
Tiếp đó, VietinBank áp dụng mức thu 7.000 đồng/giao dịch chuyển tiền (mức phí cũ là 9.000 đồng/giao dịch), Agribank áp dụng mức thu 5.000 đồng/giao dịch trên kênh Agribank E-mobile banking, ATM (mức phí cũ là 8.000 đồng/giao dịch) và thu 8.000 đồng/giao dịch trên kênh internet banking (mức phí cũ là 10.000 đồng/giao dịch); Shinhan Bank áp dụng mức thu 5.000 đồng/giao dịch (mức phí cũ 10.000 đồng) trên kênh mobile banking và internet banking…
Rủi ro tiềm ẩn
Mới đây, khách hàng tên Định (ở Tây Ninh) bị kẻ gian thực hiện 35 giao dịch chuyển tiền và rút hơn 100 triệu đồng trong tài khoản ở ngân hàng Sacombank. Phía ngân hàng cho biết tài khoản khách hàng này mất tiền là do chuyển bằng Sacombank Pay (app của ngân hàng). ông Định thừa nhận trước đó ông đã chụp hình chiếc thẻ ngân hàng của mình và gửi cho một đối tác trong khi giao dịch.
Đại diện Sacombank cho rằng, việc ông chụp hình chiếc thẻ đã khiến kẻ gian dễ dàng lấy cắp được thông tin cá nhân và các mã xác thực OTP để đăng ký và liên kết tài khoản thành công trên ứng dụng Sacombank Pay và thực hiện chuyển tiền trực tuyến. Hiện sự việc đang được cơ quan chức năng điều tra.
Chị Hoàng Ninh (34 tuổi, Đại La, Hà Nội) rất quan tâm đến thông tin phòng tránh dịch Covid-19 nhằm bảo vệ bản thân và gia đình. Mỗi ngày, chị thường xuyên nhận từ 4-5 tin nhắn liên quan đến dịch Covid-19 từ nhiều nguồn tin khác nhau.
Trong một lần không để ý, chị đã suýt khai báo thông tin đăng nhập Internet Banking từ một đường link được gắn kèm theo tin nhắn cảnh báo phòng dịch. Rất may, ông xã chị đã kịp thời ngăn chặn và cảnh báo chị. "Ngay sau đó, tôi gọi điện đến ngân hàng thì phía ngân hàng xác nhận là không cung cấp dịch vụ nào như vậy cả"– chị Hoàng Ninh kể lại.
Làm gì để không bị mất tiền?
Trước tình hình này, đại diện ngân hàng MSB cảnh báo, hiện nay, các thông tin cập nhật về dịch bệnh và cách phòng tránh virus Covid-19 thường xuyên được gửi tới người tiêu dùng thông qua Email, SMS hoặc các ứng dụng mạng xã hội. Một số đối tượng đã lợi dụng hoạt động này để gửi email phát tán mã độc (emotet,…) hoặc lừa người dùng cung cấp thông tin bằng phishing email.
Các email/tin nhắn lừa đảo có tiêu đề và nội dung liên quan đến dịch bệnh, sau đó yêu cầu người dùng click vào đường link đính kèm trong email. Khi truy cập vào link hoặc đơn giản chỉ click mở email/tin nhắn, thiết bị của người dùng có khả năng cao bị mã độc xâm nhập và đánh cắp thông tin. Một vài trường hợp khác, đối tượng yêu cầu người dùng cung cấp thông tin đăng nhập Internet Banking để chiếm đoạt tiền từ tài khoản.
Vì vậy, để đảm bảo an toàn và bảo mật, MSB lưu ý khách hàng, MSB cũng như các ngân hàng và tổ chức tín dụng khác không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp mật khẩu trong bất kỳ trường hợp nào; Không mở email được gửi từ những địa chỉ email lạ; Không truy cập, không cung cấp thông tin Ngân hàng điện tử (tên đăng nhập, mật khẩu, OTP) hoặc thẻ vào đường link lạ được đính kèm trong email; tuyệt đối không để lộ thông tin cá nhân, mã OTP cũng như chụp thẻ ATM và gửi hình ảnh cho người khác.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn