Cẩn thận với uốn ván, thời gian ủ bệnh càng ngắn càng dễ tử vong

09:00 | 30/12/2021;
Ngày 30/12, BV Đa khoa Tuyên Quang cho biết, chỉ trong 2 ngày cuối năm, BV đã tiếp nhận và điều trị cho 2 trường hợp bị uốn ván, cứng hàm. 

Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân Nguyễn Trung K. (57 tuổi, trú tại phường Mỹ Lâm, TP. Tuyên Quang). Gia đình cho biết, trước khi nhập viện 20 ngày, bệnh nhân có dẵm vào chiếc đinh (khoảng 5cm) tại công trường xây dựng. Bệnh nhân đã sát khuẩn bằng cồn và băng vết thương nhưng không dùng thuốc gì. Khoảng 5 ngày gần đây xuất hiện cứng khớp hàm, không há miệng, tê bì 2 chân. Vì vậy, ngày 28/12, bệnh nhân được đưa đến BV điều trị. Hiện tại, bệnh nhân đang được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực và chống độc của BV.

Trường hợp thứ hai là bệnh nhân Ma Thị P. (65 tuổi, trú tại xã Bình An, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang). Cách đây gần một tháng, bệnh nhân có đi chặt phát cây rừng, bị 1 cành cây cứa vào kẽ giữa ngón cái và ngón trỏ gây chảy máu. Bệnh nhân đã rửa tay với nước và tự băng bó sơ cứu ở nhà. Nghĩ vết thương không nghiêm trọng, bệnh nhân ở nhà không điều trị gì (đến nay vết thương đã khô liền sẹo). Trước khi nhập viện 2 ngày, bệnh nhân xuất hiện cứng hàm, khó nói, đau vai gáy, thỉnh thoảng có cơn co cứng cơ toàn thân. Ngày 29/12, bệnh nhân được đưa đến BV cấp cứu. Hiện tại, bệnh nhân đang được điều trị tại khoa Cấp cứu của BV.

Bác sĩ Đào Ngọc Việt, Trưởng khoa Cấp cứu (BV Đa khoa tỉnh Tuyên Quang) cho biết, uốn ván là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván Clostridium tetani phát triển tại vết thương gây ra, bệnh có nguy cơ tử vong rất cao.

Thông thường, trực khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương bị nhiễm đất bẩn, bụi đường, phân người hoặc súc vật, qua các vết rách, vết bỏng, vết thương dập nát, vết thương nhẹ, các vết chó cắn, mèo cào,… Một số trường hợp do phẫu thuật hay nạo phá thai trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh hoặc các trẻ sơ sinh khi đẻ thường, đẻ mổ hoặc do cắt rốn bằng dụng cụ không được sát khuẩn cũng có nguy cơ mắc bệnh.

Các triệu chứng của bệnh uốn ván được biểu hiện là những cơn co cứng cơ kèm theo đau, trước tiên là các cơ nhai, cơ mặt, cơ gáy và sau đó là cơ thân mình như ngực, cổ, lưng, bụng và mông. Co các cơ thắt lưng tạo ra tư thế uốn cong lưng đặc trưng (như hình tấm ván bị cong). Co thắt các cơ hô hấp ảnh hưởng đến việc hô hấp. Việc co cơ mạnh, đột ngột, kéo dài gây đau cơ, có thể rách cả cơ và gãy xương. Các triệu chứng khác bao gồm sốt, nhức đầu, bồn chồn, khó chịu, bí tiểu, nóng rát khi đi tiểu và đại tiện mất kiểm soát.

Thời gian ủ bệnh thường trong khoảng 3-10 ngày nhưng cũng có thể tới 3 tuần. Thời gian ủ bệnh càng ngắn thì nguy cơ tử vong càng cao. Nếu không được điều trị kịp thời, uốn ván sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: Gãy xương (do những cơn co cứng gồng mình); Co thắt thanh quản: gây khó thở, ngạt thở, suy hô hấp; Động kinh (nếu nhiễm trùng lan đến não); Viêm phổi: do hít vào dịch tiết của dạ dày, dẫn đến viêm phổi; Thuyên tắc phổi; Suy thận….

Bác sĩ Việt khuyến cáo, để tránh bị uốn ván, tất cả người dân (từ trẻ sơ sinh đến người lớn) nên chủ động tiêm phòng uốn ván theo hướng dẫn. Phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ (có thai hoặc không có thai) đều cần được tiêm phòng uốn ván để tạo ra kháng thể giúp cả mẹ và trẻ sơ sinh được bảo vệ trong trường hợp không may bị vi khuẩn uốn ván xâm nhập. Nếu sơ ý bị vết thương nên đến các cơ sở y tế để tiêm huyết thanh kháng độc tố uốn ván kịp thời. Các thủ thuật, phẫu thuật phải được tiến hành ở các cơ sở đủ điều kiện vô trùng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn