Theo thiết kế của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, môn Lịch sử nằm trong nhóm môn học tự chọn. Nhìn lại lịch sử lựa chọn ban, theo chương trình giáo dục phổ thông phân ban hiện hành, ban C (học nâng cao môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý) cũng đã không "đắt hàng". Hằng năm, số thí sinh chọn tổ hợp môn thi có Lịch sử (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý) để thi đại học không nhiều.
Thực tế này là một trong những cơ sở để nhiều người lo ngại môn Lịch sử sẽ ít học sinh lựa chọn nếu như nó trở thành môn học không bắt buộc. Theo thầy Phạm Văn Châu, Hiệu trưởng trường THPT Xuân Trường A (Nam Định), thì trong nhiều năm, số học sinh đăng ký học ban A (các môn Khoa học tự nhiên) chiếm đa số. Cũng vì thế số giáo viên dạy các môn Khoa học tự nhiên của trường đông gần gấp đôi giáo viên các môn Khoa học xã hội.
Nhiều trường THPT tại Hà Nội cũng trong tình trạng tương tự. Cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), cho biết, nhiều năm nay, học sinh chọn ban A trong các mùa tuyển sinh lớp 10 đều chiếm 2/3 so với xu thế chọn ban có các môn Khoa học xã hội.
Môn Lịch sử theo chương trình cũ vốn nặng về sự kiện, con số, lại không được chăm sóc, đổi mới phương pháp nên vốn không hấp dẫn lại càng khó thu hút học sinh. Nỗi sợ "học sinh quay lưng với môn Lịch sử" không phải chỉ xảy ra khi triển khai chương trình mới và môn Lịch sử trở thành môn tự chọn mà nó tồn tại từ lâu. "Tôi cũng hoang mang vì nếu để học sinh lựa chọn đúng theo nhu cầu, sẽ có nhiều em không chọn tổ hợp có môn Lịch sử", cô Nguyễn Thu Hà, một giáo viên THPT ở Kiến An (Hải Phòng), chia sẻ.
Từ khi xây dựng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, trong thời gian trưng cầu ý kiến rộng rãi, giới sử học, nhiều chuyên gia giáo dục đã phản ứng rất dữ dội với việc đưa Lịch sử trở thành môn học tự chọn ở bậc THPT.
GS Phạm Tất Dong, nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cho biết: "Lịch sử là môn học quan trọng, không chỉ học sinh phổ thông mà cả những người trưởng thành cũng cần hiểu. Học Lịch sử để hiểu về sự sinh tồn, phát triển văn hoá, văn minh của dân tộc mình và thế giới. Thế nên nó cần trở thành một môn học bắt buộc ở các cấp học phổ thông".
Trao đổi về điều này, ông Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giải thích: Theo thiết kế chương trình, giai đoạn giáo dục cơ bản là 9 năm tính từ bậc tiểu học đến THCS. Cụ thể, ở cấp tiểu học, nội dung giáo dục lịch sử được thực hiện trong các môn học Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lý, liên tục từ lớp 1 đến lớp 5, giúp học sinh làm quen với một số nội dung cơ bản của lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới.
Ở cấp THCS, nội dung giáo dục lịch sử được thực hiện trong môn Lịch sử và Địa lý liên tục từ lớp 6 đến lớp 9, giúp học sinh có được nền tảng kiến thức thông sử của lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới, từ khởi nguyên cho tới ngày nay.
"Học sinh đã được học Lịch sử ở 9 năm học cơ bản, còn ở bậc THPT, việc giáo dục học sinh về lòng yêu nước, ý thức dân tộc, hiểu biết về những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, niềm tự hào dân tộc… vẫn được coi trọng thể hiện ở nhiều môn học thuộc nhóm Khoa học xã hội và Nhân văn, môn Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Hoạt động trải nghiệm…", ông Nguyễn Minh Thuyết giải thích.
Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho phép các trường căn cứ vào chương trình đã ban hành và điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên, để xây dựng các tổ hợp môn học phù hợp với khả năng đáp ứng và công bố công khai để học sinh đã tốt nghiệp lớp 9 có thể lựa chọn trường có tổ hợp phù hợp với nhu cầu đăng ký xét tuyển.
"Tôi tính toán theo 2 hướng chính. Hướng thứ nhất có 3 tổ hợp đều lấy các môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) làm gốc, sau đó chọn thêm Tin học và 1 trong 3 môn ở nhóm Khoa học xã hội. Theo hướng này đã có 3 nhánh lựa chọn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Lịch sử; Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Địa lý và Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Giáo dục Kinh tế pháp luật. Tương tự, hướng thứ 2 cũng có 3 tổ hợp đều lấy các môn Khoa học xã hội làm gốc, thêm môn Tin học và 1 trong 3 môn Khoa học tự nhiên. Với cách tính trên, có 4/6 tổ hợp đều xuất hiện môn Lịch sử. Các môn học khác cũng xuất hiện ở các tổ hợp"- cô Nguyễn Thị Nhiếp cho biết.
Theo một hiệu trưởng ở quận Thủ Đức, TPHCM, thì cách làm của trường này lại theo hướng đưa môn Lịch sử vào tất cả các tổ hợp môn lựa chọn. Vì "chúng tôi quan niệm Lịch sử là môn học cần thiết". Nhiều giáo viên dạy Lịch sử cũng cho rằng "thay vì ép, bắt buộc thì đã đến lúc môn Lịch sử cần đủ hấp dẫn để học sinh thích học, thích chọn".
* Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Trong tháng 4/2022, các Sở GD&ĐT phải triển khai việc lấy phiếu khảo sát sơ bộ nhu cầu chọn môn học ở lớp 10 đối với học sinh lớp 9. Đây là một căn cứ để các trường THPT xây dựng các tổ hợp môn học khác nhau cho lớp 10.
* Học sinh lớp 10 năm học tới sẽ chỉ bắt buộc học 7 môn gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Giáo dục Quốc phòng-An ninh, Hoạt động trải nghiệm-Hướng nghiệp, Giáo dục địa phương, Giáo dục thể chất. Bên cạnh đó, học sinh sẽ chọn 5 trong số 9 môn học thuộc 3 nhóm môn học lựa chọn và 3 cụm chuyên đề trong số các cụm chuyên đề tương ứng với các môn học.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn