Đề cập đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) cho rằng, khâu quy hoạch của chúng ta trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là hệ thống mầm non, còn kém. Những năm gần đây, các khu công nghiệp mọc lên ngày càng nhiều, không chỉ ở Hà Nội mà còn ở hầu khắp các địa phương trong cả nước.
Thế nhưng khi quy hoạch khu, cụm công nghiệp, vấn đề nhà ở cho công nhân và trường mầm non cho con công nhân dường như hay bị lãng quên hoặc nếu có cũng chưa tương xứng với nhu cầu. Chúng ta đã có nhiều nỗ lực xây dựng các chính sách hỗ trợ công nhân nhưng trong những điều thiết thực với mỗi gia đình công nhân trẻ là nơi gửi con thì chưa làm được một cách thực sự hiệu quả.
Bởi vậy, một thực trạng khá phổ biến với các gia đình công nhân có con trong độ tuổi mầm non là phải gửi con về quê cho ông bà nuôi dưỡng và chăm sóc. Điều này tưởng hợp lý và an toàn nhưng thực chất lại dẫn đến những hệ luỵ không tốt khi trẻ không được ở cùng bố mẹ.
Một số khác thì phải tính đến chuyện gửi con ở khu vực ngoài công lập. Người lao động có thu nhập thấp không thể chọn trường chất lượng cao mà buộc lòng phải gửi con ở nhóm trẻ tự phát, ở các cơ sở mầm non chất lượng chưa cao…
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, chúng ta chưa quan tâm đúng mực đến bậc học mầm non, nhất là với nhóm trẻ dưới 2 tuổi. Theo Luật Giáo dục 2019, giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam, có vai trò quan trọng trong việc phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, thẩm mĩ... ban đầu của trẻ.
Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và là quốc gia thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em vào ngày 20/2/1990. Vậy mà chúng ta còn nhiều cơ sở giáo dục mầm non thiếu an toàn, thậm chí có những em bị đe doạ đến tính mạng, bị tước đoạt mạng sống bởi các cơ sở mầm non kém chất lượng.
Đây là điều quá đau xót! Vì vậy, cần phải nghiêm túc rà soát, chấn chỉnh các cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt là khu vực ngoài công lập; cần có những chính sách thiết thực để phát triển hệ thống trường mầm non ở các khu, cụm công nghiệp, nơi có đông công nhân.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cũng cho rằng, giải pháp mang tính lâu dài là cần xem xét lại quy hoạch hạ tầng xã hội ở các khu đô thị lớn, khu công nghiệp, khu chế xuất.
"Tình trạng kéo dài nhiều năm là hạ tầng xã hội không đi liền với sự phát triển ở các khu công nghiệp, khu kinh tế. Chính vì thiếu hạ tầng xã hội, trong đó có cơ sở mầm non, nên người lao động, đặc biệt là những lao động thu nhập thấp không biết gửi con ở đâu. Địa phương cần có trách nhiệm kiểm tra lại các hạ tầng xã hội, đặc biệt là các điều kiện để chăm sóc con của người lao động", ông Nam cho hay.
Thực tế, thời gian qua, đã có những đề án, với sự tham gia của các cơ quan, tổ chức nhằm giải quyết vấn đề nhà trẻ cho con công nhân, người lao động có thu nhập thấp. Trong đó có Đề án "Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến 2020" do Hội LHPN Việt Nam đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 404 ngày 20/3/2014.
Theo đánh giá, Đề án cơ bản đã tạo mạng lưới gắn kết các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương trong việc hỗ trợ phát triển các nhóm trẻ độc lập tư thục nói chung, ở khu công nghiệp, khu chế xuất nói riêng. Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nhóm trẻ độc lập tư thục đã được UBND các tỉnh/thành ban hành và bố trí kinh phí thực hiện phối hợp với vận động nguồn lực xã hội hóa để triển khai đề án.
Tại Hà Nội, sau 5 năm thực hiện Đề án, có 43 nhóm trẻ hoạt động, đạt tỷ lệ 125% chỉ tiêu giao ban đầu. Tổng số trẻ dưới 60 tháng tuổi được gửi tại các nhóm trẻ là 1.083 trẻ, trong đó, số trẻ dưới 36 tháng tuổi được gửi tại các nhóm trẻ là 772 cháu (đạt tỷ lệ 71,2%).
Hội LHPN 12 đơn vị có khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp đã phân công cán bộ thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động để hỗ trợ kịp thời các nhóm trẻ với nhiều biện pháp cụ thể như: Hướng dẫn hoàn thiện thủ tục thành lập; hỗ trợ kinh phí mua sắm, nâng cấp trang thiết bị phục vụ giảng dạy, vui chơi…; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành tổ chức hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em trong nhóm, lớp đảm bảo các chương trình giáo dục mầm non…
Đại diện Ban Gia đình – Xã hội, Hội LHPN TP. Hà Nội, đề xuất, 1.000 ngày đầu đời của trẻ là vô cùng quan trọng và Đề án này cần tiếp tục được duy trì, nhân rộng, hỗ trợ kiện toàn, phát triển các nhóm trẻ độc lập tư thục tại địa bàn khu công nghiệp, khu chế xuất.
Cần có thêm chính sách hỗ trợ đội ngũ giáo viên, người chăm sóc trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập (về chế độ đóng BHXH, tiền lương…) để động viên, khuyến khích họ yên tâm làm việc và cống hiến.
Đề cập ở góc độ đạo đức nghề nghiệp của người trông trẻ, TS. Chu Thị Hồng Nhung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng, việc giáo viên bạo hành trẻ thuộc về vấn đề đạo đức nghề nghiệp chứ không phải do áp lực như nhiều người lý giải.
Theo bà Nhung, hiện nay ở hầu hết cơ sở đào tạo giáo viên mầm non, sinh viên được đào tạo về đạo đức nghề nghiệp, xử lý tình huống và những vấn đề đảm bảo quyền trẻ em, phòng, chống bạo hành trẻ. Tuy nhiên, hầu hết các vụ bạo hành trẻ lại xảy ra ở nhóm trẻ tự phát, bảo mẫu không được đào tạo bài bản, thiếu hiểu biết và kỹ năng nghề nghiệp.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, cho rằng, để giảm thiểu những vụ việc đau lòng xảy ra trong môi trường học đường mà đối tượng gây án là giáo viên, nạn nhân là học sinh, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như:
Hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non, tiểu học. Tạo môi trường thực sự trong sạch, lành mạnh, để người thực hiện hoạt động nghề nghiệp giáo viên có điều kiện làm việc tốt nhất và có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, các chế tài hành chính, chế tài kỷ luật trong môi trường giáo dục để người thầy nhận thức được trách nhiệm của mình trong công tác giáo dục.
Cần làm tốt công tác đào tạo, tuyển dụng, bồi dưỡng giáo viên sao cho những người làm nghề giáo, không chỉ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ mà còn có đạo đức tốt, yêu thương, quý trọng học sinh.
Phải có những tiêu chí để phân loại, đánh giá trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức và các kỹ năng của giáo viên để kịp thời phát hiện, loại bỏ những giáo viên không đủ năng lực phẩm chất ra khỏi bộ máy giáo dục…
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn