Cận thị bao nhiêu độ là nặng là thắc mắc của rất nhiều phụ huynh có trẻ bị cận cũng như những người đang bị cận thị.
Cận thị là tật khúc xạ phổ biến nhất hiện nay và có tỷ lệ mắc bệnh ngày càng tăng trên thực tế, đặc trưng bởi tình trạng giảm khả năng nhìn xa của người bệnh. Khi mức độ cận thị càng cao, thị lực của bệnh nhân sẽ càng giảm, mức độ ảnh hưởng đến chất lượng sức khỏe và điều trị cũng càng trở nên khó khăn hơn. Vậy, cận thị bao nhiêu độ là nặng và cận thị nặng nguy hiểm như thế nào?
Có khá nhiều cách phân loại cận thị khác nhau được sử dụng hiện nay để phân nhóm, quản lý và điều trị cho người cận thị dễ dàng hơn, chẳng hạn như cận thị đơn thuần hay thứ phát, tật cận thị hay cận thị bệnh lý, phân loại cận thị theo tuổi,... Trong đó cách được sử dụng phổ biến nhất để phân loại cận thị là phân loại cận thị theo độ cận.
Với cách phân loại cận thị theo độ cận thì mức độ cận thị được chia làm 3 mức độ là nhẹ, trung bình và nặng như sau:
- Cận thị nhẹ: Là cận thị có độ nặng dưới 3,00D (diop)
- Cận thị trung bình: Là cận thị có mức độ từ 3,00D - 6,00D (diop)
- Cận thị nặng: Là cận thị có độ cận 6,00D - 10,00D (diop)
- Cận thị cực đoan: Là những trường hợp cận thị có độ cận lớn hơn 10,00D (diop)
Vì thế, với câu hỏi cận thị bao nhiêu độ là nặng thì câu trả lời chính là cận thị có độ cận trên 6,00D cho đên 10,00D được tính là cận thị mức độ nặng. Và với những bệnh nhân cận thị ở mức độ nặng, người bệnh cần như phải đeo kính suốt ngày trừ khi đi ngủ để duy trì sinh hoạt bình thường do thị lực đã bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng.
Đọc thêm:
Bị cận không đeo kính có tăng độ không? Tác hại khi bị cận thị không đeo kính
Làm sao để mắt cận hết lồi? Những cách khiến mắt hết lồi khi bị cận thị
Những vấn đề mà cận thị nặng có thể gây ra không chỉ dừng lại ở tình trạng giảm thị lực của người bệnh mà nó còn đi cùng nhiều nguy cơ biến chứng khác nhau hết sức nguy hiểm. Một số biến chứng nguy hiểm của cận thị nặng bao gồm:
- Nhược thị: Nhược thị là biến chứng thường gặp phải của cận thị nặng, do tình trạng giảm khả năng nhận biết của não với các tín hiệu thần kinh từ mắt. Chủ yếu gây nên do mắt phải điều tiết quá nhiều, rất thường xảy ra khi bị cận thị nặng. Nếu nhược thị kéo dài liên tục thì rất khó để lấy lại thị lực hoàn toàn 10/10 cho người bệnh dù có được điều trị.
- Bong võng mạc: Sự điều tiết mắt quá mức ở bệnh nhân cận thị nặng khiến nhãn cần có xu hướng lồi ra trước và điều này kéo theo sự ảnh hưởng lên các cấu trúc khác tại mắt, trong đó có võng mạc. Tình trạng kéo căng liên tục võng mạc có thể khiến rìa võng mạc bị kéo dãn, thoái hóa và thậm chí có thể khiến võng mạc bị bong ra, xuất huyết dịch kính,...
- Lác mắt: Khả năng sử dụng các cơ vận nhãn kém ở người bệnh cận thị, nhất là cận thị nặng trong một thời gian kéo dài có thể chuyển thành tình trạng lác mắt. Hậu quả khiến cho người bệnh giảm thị lực nặng nề hơn và rất mất thẩm mỹ.
- Glocom góc mở: Glocom góc mở cũng là một biến chứng rất nguy hiểm mà cận thị nặng có thể gây nên. Glocom góc mở nếu không được can thiệp kịp thời thì có thể dẫn đến mù lòa hoàn toàn.
Chính bởi cận thị nặng có sự ảnh hưởng lớn đến chức năng thị giác, chất lượng sinh hoạt của người bệnh, và đồng thời cũng kèm theo nhiều nguy cơ biến chứng rất nghiêm trọng,... Do đó, làm thế nào để điều trị cận thị nặng là vấn đề được quan tâm rất nhiều.
Hiện nay, có hai lựa chọn điều trị chính cho bệnh nhân cận thị nặng (sử dụng kín cận, kính áp tròng) là điều trị bảo tồn và điều trị bằng phẫu thuật.
Trong đó, điều trị bảo tồn bệnh nhân bằng cách sử dụng các dụng cụ như kính cận, kính áp tròng thường dùng cho các trường hợp người bệnh còn quá trẻ, cận thị chưa ổn định với độ cận tăng nhanh, có chống chỉ định phẫu thuật cận thị,...
Nếu bệnh nhân đã có độ cận ổn định, không có các chống chỉ định với phẫu thuật,... thì có thể lựa chọn phẫu thuật để điều trị cận thị nặng cho bệnh nhân. Các phẫu thuật điều trị cận thị có thể được sử dụng cũng rất đa dạng như phẫu thuật lasik, femto lasik, relex smile,... Ưu điểm của điều trị bằng phẫu thuật là giúp cải thiện thị lực nhanh chóng về mức bình thường hoặc tiệm cận bình thường, hiệu quả kéo dài sau điều trị.
Để phòng chống các tác hại và nguy hiểm do cận thị nặng gây nên, hãy lưu ý một số điều sau đây:
- Giữ thói quen tốt khi làm việc với sách vở, máy vi tính như sử dụng ở môi trường đủ ánh sáng, đủ khoảng cách,... có thể giúp phòng chống cận thị xảy ra và cũng giúp chống tăng độ cận.
- Đeo kính cận đúng độ là phương pháp vừa giúp cải thiện thị lực của người bệnh một cách tốt nhất, vừa là cách để chống tăng độ cận. Đeo kính cận sai độ làm độ cận tăng lên rất nhanh.
- Cho đôi mắt nghỉ ngơi sau mỗi khoảng thời gian làm việc nhất định để giúp mắt được thư giãn, lúc này một số bài tập cho mắt có thể đem lại hiệu quả tích cực trong phòng tránh cận thị nặng.
- Sử dụng các loại thực phẩm tốt cho mắt như các thực phẩm giàu vitamin A, thực phẩm giàu caroten,... góp phần cải thiện sức khỏe đôi mắt để đôi mắt khỏe mạnh hơn.
- Khám mắt thường xuyên: Khi đã bị cận thị, hãy lưu ý kiểm tra mắt định kỳ theo đúng lịch hẹn của bác sĩ để đánh giá được mức độ cận, tình trạng tăng độ, các biến chứng của cận thị,... để có thể đưa ra phương án điều trị thích hợp và kịp thời, ngăn không cho cận thị nặng xảy ra.
Trên đây là giải đáp sơ lược cho vấn đề cận thị bao nhiêu độ là nặng, một số biến chứng nguy hiểm mà cận thị nặng có thể gây nên cũng như các hướng điều trị cơ bản cho người bệnh. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được giải đáp cụ thể và đầy đủ hơn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn