Can thiệp mạch máu não ngoạn mục giúp bé gái hồi sinh

10:48 | 09/08/2018;
Cuộc đời bé gái 15 tuổi đã hồi sinh khi được các bác sĩ điều trị thành công túi phình mạch máu não phức tạp bằng phương pháp can thiệp nội mạch không cần gây mê.
Hơn 1 năm trước, bé K.M (15 tuổi, ngụ Q.9, TP.HCM) bị đau đầu dữ dội. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, kết quả kiểm tra ghi nhận bé bị phình mạch khổng lồ của 2 động mạch đốt sống ngay tại vị trí hợp lưu tạo thành động mạch thân nền. Đây là vị trí cực kì nguy hiểm và nhạy cảm, cung cấp máu cho vùng thân não - khu vực chỉ huy cao cấp của não bộ.
 
Sau đó, bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp can thiệp nội mạch. Kết quả điều trị lúc đó được đánh giá rất thành công cả về mặt lâm sàng và hình ảnh học, túi phình gần như được tắc hoàn toàn, máu lưu thông tốt và bệnh nhân không có biến chứng gì.
 
Tuy nhiên, mới đây, khi đến bệnh viện để kiểm tra lại cho thấy túi phình ngày xưa chẳng thể lành được mà ngày càng lớn hơn, chèn ép vào thân não và chỉ chực chờ vỡ ra.
 
Đây thực sự là một ca bệnh cực kỳ khó khăn đối với các bác sĩ bởi dường như chỉ có phép màu mới cứu được bé gái. Sau khi quan sát kĩ lưỡng tất cả từng chi tiết, từng cấu trúc mạch máu, TS.BS  Trần Chí Cường đưa ra ý kiến vẫn có thể làm được, bằng cách tắc luôn động mạch đốt sống đoạn mang túi phình bên còn lại. Có nghĩa là tắc luôn nguồn cung cấp máu cho tuần hoàn sau còn lại. Tuy nhiên nguy cơ rất cao, bởi những thông nối từ mạch máu tuần hoàn phía trước có thể sẽ không đủ.
 
5.jpg
Nếu không được phẫu thuật kịp thời, bệnh nhi sẽ bị đe dọa tính mạng
khi túi phình vỡ - Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

 

“Những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thực hiện, thậm chí có thể đe doạ tính mạng bệnh nhân hoặc bệnh nhân phải sống thực vật”, bác sĩ cho hay.
 
Sau khi bàn bạc, ê-kíp thực hiện gồm các bác sĩ khoa Ngoại Thần kinh- Bệnh viện Nhi Đồng 2 với sự hỗ trợ của TS. BS  Trần Chí Cường quyết định sẽ tiến hành mọi can thiệp trong khi bé vẫn tỉnh táo, chỉ gây tê tại chỗ vị trí bẹn 2 bên, vị trí đặt ống thông vào động mạch đùi.
 
Quá trình can thiệp kết thúc sau 1 giờ thực hiện, bệnh nhân vẫn tỉnh táo, vẫn cử động, nói chuyện được. Lúc đó, cả ê-kíp mới thở phào nhẹ nhõm. Sau hơn 1 tuần theo dõi, bệnh nhân phục hồi tốt, không yếu liệt tay chân.
 
Đây là lần đầu tiên một bệnh nhi được can thiệp mạch máu khi đang hoàn toàn tỉnh táo tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Theo bác sĩ, việc để bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo giúp ê-kíp có thể theo dõi và đánh giá các chức năng thần kinh của cháu trong suốt quá trình can thiệp. Nhờ đó, có thể đưa ra những phương án can thiệp tối ưu nhất. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi sự phối hợp của ê-kíp gây mê cũng như sự hợp tác của bệnh nhi.
 
 
 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn