Cần thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc

10:29 | 19/04/2018;
Tối 18/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham dự Hội nghị trực tuyến với chủ đề “Những đổi mới trong an toàn thực phẩm vì sự phát triển bền vững” với lãnh đạo Ngân hàng Thế giới (WB), một số chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực này từ Văn phòng WB Việt Nam tại Hà Nội.
ttxvn_vuducdam180419.jpg
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của World Bank Group với chủ đề “Những đổi mới trong an toàn thực phẩm vì sự phát triển bền vững” . (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Nhiều đại biểu nhận định những sự cố về ATTP là nguyên nhân của nhiều vấn đề về sức khỏe trên toàn cầu, gây ra những hệ lụy nghiêm trọng tới phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, việc cải thiện vấn đề ATTP có liên hệ trực tiếp hay gián tiếp đến việc có đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Việt Nam hiện nay là một nước xuất khẩu nông sản với nhiều mặt hàng hàng đầu thế giới như: Gạo, thủy sản, cà phê, hồ tiêu...

Vì vậy, vấn đề ATTP ngày càng được đặc biệt chú ý, để đáp ứng yêu cầu cao về ATTP để xuất khẩu vào các thị trường quốc tế, nhất là các nước phát triển. Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ về bảo đảm ATTP, được thể hiện qua kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đạt trên 36 tỷ USD.

Tuy nhiên, một vấn đề được người dân Việt Nam đặc biệt quan tâm là thực phẩm cho tiêu dùng trong nước chưa được bảo đảm tốt như cho xuất khẩu. Lực lượng chức năng các cấp cần tăng cường năng lực xét nghiệm, xây dựng cơ sở dữ liệu để cung cấp bằng chứng tin cậy cho người tiêu dùng và cả cơ quan quản lý; thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm, trong truy xuất nguồn gốc, kết nối các hộ sản xuất nhỏ lẻ thành các nhóm cộng đồng lớn hơn.
 
Việt Nam hiện có 10 triệu hộ nông dân và khoảng 500.000 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm nhỏ lẻ. Đây cũng là thách thức đối với việc bảo đảm ATTP và nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.
1_64176.jpg
Người dân lo ngại khi mua thực phẩm ở chợ truyền thống
Theo Phó Thủ tướng, người tiêu dùng hiện chưa được trợ giúp nhiều để phân biệt được thực phẩm an toàn với thực phẩm không an toàn. Công tác truyền thông chưa hiệu quả, dẫn tới việc suy diễn, thổi phồng nguy cơ mất ATTP. Một bộ phận người dân thấy sợ khi mua thực phẩm ở các chợ truyền thống.
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ Việt Nam đã tập trung xây dựng khung pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm được ban hành từ năm 2010 đã tiếp cận đúng xu thế của thế giới.
 
Hệ thống quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm được xây dựng theo hướng tập trung vào yếu tố gây nguy cơ, tăng cường năng lực đánh giá nguy cơ, quản lý nguy cơ và truyền thông nguy cơ.
 
Phó Thủ tướng đánh giá, sau một thời gian thực hiện nghiêm túc các giải pháp trên, Chính phủ Việt Nam đã rút ra một số kinh nghiệm trong công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo đó, sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, nhất là nông nghiệp, thương mại, y tế để việc quản lý không bị phân khúc giữa sản xuất, chế biến, phân phối là rất quan trọng. 
 
Phó Thủ tướng khẳng định, để công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được triển khai hiệu quả, Việt Nam cần sự hợp tác, hỗ trợ của các đối tác phát triển như Ngân hàng Thế giới. Việt Nam cam kết cùng phối hợp với Nhóm Ngân hàng Thế giới và các đối tác để cùng nhau giải quyết thách thức quan trọng này.
 
Tại điểm cầu Washington, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới về phát triển bền vững, bà Laura Tuck đã chia sẻ ý kiến xoay quanh vấn đề an toàn thực phẩm trên thế giới hiện nay, nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề an toàn thực phẩm và những việc các quốc gia cần làm để cải thiện, bảo đảm an toàn thực phẩm vì sự phát triển bền vững.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn