Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khóa XV, các đại biểu đã thảo luận dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (sửa đổi) trong đó có quy định về xử lý vi phạm nồng độ cồn khi lái xe.
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, các ĐBQH đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với Cơ quan soạn thảo, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và xây dựng dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý.
Tiếp đó, ngày 15/3/2024, tại Phiên họp thứ 31 (tháng 3/2024), UBTVQH đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Thực hiện kết luận của UBTVQH, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và an ninh đã phối hợp với Cơ quan soạn thảo, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật; hoàn thiện dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Theo đó, so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý có 9 chương, 88 điều, số chương giữ nguyên và tăng 07 điều do bổ sung 04 điều mới; gộp 04 điều thành 02 điều; tách nội dung của một số điều thành 05 điều khác.
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại biểu Thái Thị An Chung - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An nhận định: Dự thảo Luật cơ bản đã được tiếp thu, chỉnh lý kỹ lưỡng, đầy đủ. Tuy nhiên, đại biểu đóng góp thêm một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, về cấm hành vi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong máu, hơi thở có nồng độ cồn, đại biểu Thái Thị An Chung đồng tình với quy định cấm tuyệt đối bởi các lý do mà Chính phủ, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đưa ra trong báo cáo rất đầy đủ và rất thuyết phục.
Thực tế quy định này đã được Quốc hội khóa XIV thảo luận kỹ lưỡng và thống nhất thông qua tại Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và được thực hiện kể từ ngày 01/01/2020. Thời gian thực hiện chưa được nhiều do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Tuy nhiên, khi triển khai quyết liệt việc kiểm tra và xử lý nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện thì người dân đã nâng cao hơn ý thức trong việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.
Điều này không chỉ góp phần đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông mà còn góp phần thay đổi thói quen lạm dụng rượu, bia trong điều kiện hiện nay; không chỉ có ý nghĩa trước mắt mà còn có ý nghĩa lâu dài trong việc nâng cao sức khỏe của người dân.
Mặc dù việc thực hiện cấm tuyệt đối nồng độ cồn sẽ ảnh hưởng một phần đến phát triển kinh tế nhưng đại biểu Thái Thị An Chung đồng ý cho rằng, cần tiếp tục thực hiện quy định này trong thời gian khoảng 5 năm nữa để thay đổi thói quen, hành vi sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, sau đó sẽ đánh giá, tổng kết và cân nhắc có cần quy định giới hạn nồng độ cồn hay không.
Tuy nhiên, đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị trong dự thảo luật cần giải thích từ ngữ “điều khiển phương tiện” là như thế nào, hành vi dắt xe có phải là điều khiển không? Nhiều cử tri băn khoăn việc dắt xe máy hay xe đạp sau khi uống rượu, bia có bị cảnh sát giao thông xử phạt không? Vì vậy, cần giải thích rõ ràng trong thực hiện để thực hiện dễ hơn.
Thứ hai, về bổ sung quy định đấu giá biển số xe (Điều 37), đại biểu Thái Thị An Chung đồng tình với việc đưa các nội dung của Nghị quyết 73 năm 2022 vào dự thảo luật.
Tuy nhiên, có một điều đại biểu Thái Thị An Chung thấy băn khoăn đó là quy định tại Khoản 7 về người trúng đấu giá là được quyền nhượng trao đổi, tặng cho, kế thừa xe gắn với biển số xe trúng đấu giá.
Bởi vì tại Khoản 3, Điều 36 dự thảo luật quy định biển số xe được quản lý theo mã định danh của chủ xe là cá nhân, tổ chức. Do đó, đại biểu đề nghị cần rà soát để đảm bảo tính thống nhất.
Thứ ba, về độ tuổi của người lái xe: Quy định người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy tại Khoản 1, Điều 58 dự thảo Luật kế thừa quy định của Luật an toàn giao thông đường bộ năm 2008 và 2001.
So với 20 năm trước, hiện nay, các em đã có sự thay đổi nhiều về nhận thức và thể chất. Thực tế hiện nay, học sinh cấp Trung học phổ thông đa số đều sử dụng xe gắn máy để đi học. Trong khi đó các em lớp 10 hầu hết mới 15 tuổi, chưa đủ 16 tuổi. Mặt khác, theo quy định của Bộ Luật lao động thì độ tuổi được tham gia quan hệ lao động là đủ 15 tuổi.
Do đó, đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị nghiên cứu sửa quy định này như sau: “Người đủ 15 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy”.
Cùng với việc bổ sung quy định tại Điều 7 về giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ thì việc hạ độ tuổi của người điều khiển xe máy, xe gắn máy là hoàn toàn phù hợp với mong muốn của cử tri.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn