“Tôi là một nạn nhân của rất nhiều vụ quấy rối tình dục từ khi còn chưa nhận thức được vấn đề cho tới khi đã có những nhận thức rõ ràng. Nó đến cả từ những người xa lạ cho đến những người thân quen.
Khi còn nhỏ, tôi từng bị những người họ hành xâm hại mà không hề nhận thức được việc đó. Đó là người chú họ ‘ngoan ngoãn của họ hàng’ lên Hà Nội thi đại học, người anh họ…, những kẻ chẳng ai ngờ đến sẽ làm những việc ghe tởm ấy.
Đến cả đi học thêm, tôi cũng bị xâm hại. Đối tượng chẳng phải ai xa lạ mà chính là người thầy mẫu mực ai cũng kính nể.
Rồi trên đường đi học vắng vẻ, tôi bị những kẻ lạ mặt động chạm, dung những lời nói quấy rối dơ bẩn, còn phơi bày cả bộ phận sinh dục…
… Tôi muốn đặt ra cái nhìn trực diện, dù vẫn phải giấu kín trong tâm tưởng nhưng vẫn luôn khát khao có thể để "lộ" để giúp những người khác thay đổi nhận thức. Họ sẽ không còn phải che giấu, không cần né tránh những thứ đáng ra cần được thẳng thắn".
Đây là chia sẻ của một trong những nạn nhân của những vụ quấy rối tình dục khi còn là học sinh. Cô ở ngay Hà Nội, gia đình khá giả, chứ không phải đến từ những miền quê nghèo khó, nhận thức hạn hẹp.
Đó là một trong số những câu chuyện từ chính những người trong cuộc được chia sẻ tại triển lãm “Phơi những vết thương hở miệng” đang diễn ra tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội). Triển lãm nằm trong khuôn khổ dự án do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) và đối tác Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số tổ chức ngày 17/12.
Triển lãm gồm 20 câu chuyện từ chính người trong cuộc, được kể lại bằng các hình thức nghệ thuật đa phương tiện với sự hỗ trợ của nghệ sĩ Thế Sơn. Không dễ để phơi bày những trải nghiệm đau lòng nhưng những người trong cuộc, với sự dũng cảm và nỗ lực, với mong muốn thay đổi cái nhìn của cộng đồng đã làm được điều ấy. Hy vọng các câu chuyện sẽ khiến cộng đồng có thể nhìn thấy trách nhiệm của mỗi người trong việc chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái nói riêng, thúc đẩy môi trường sống an toàn nói chung.
Bàn về vấn đề này, bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm CSAGA, chia sẻ: “Mới đây, hiệu trưởng của một trường phổ thông dân tộc nội trú đã bị tạm giam vì những cáo buộc liên quan xâm hại tình dục học sinh nam trong nhiều năm. Ngày hôm kia, hôm kìa và trước đó nữa, những vụ án nghiêm trọng khác vẫn cứ liên tục xảy ra. Làm sao để vấn đề này được giải quyết ở tầm quốc gia chứ không đơn thuần là giải quyết những vụ việc”.
Có thể thấy rõ bạo lực tình dục là loại bạo lực ẩn giấu sâu nhất trong các dạng bạo lực. Nạn nhân cảm thấy khó khăn khi đối diện với câu chuyện của chính mình. Một mặt, có thể họ không đủ thông tin, kiến thức để nhận diện vấn đề; mặt khác, các định kiến xã hội và sự thiếu hụt dịch vụ hỗ trợ cũng là một lý do đáng kể. Tỷ lệ bỏ cuộc trong các vụ kiện liên quan đến bạo lực tình dục cho thấy đây là vấn đề không mấy dễ dàng. 87% phụ nữ bị bạo lực trong khảo sát quốc gia đã không tìm kiếm bất kỳ sự giúp đỡ nào từ các dịch vụ hoặc các cơ quan có trách nhiệm.
Theo UN Women, khoảng 3/4 số vụ tội phạm tình dục được trình báo có liên quan đến nạn nhân trẻ em và chỉ khoảng 25% số vụ liên quan đến hiếp dâm phụ nữ trưởng thành. Mặt khác, các hình thức bạo lực ít được nhận diện như quấy rối tình dục, tấn công tình dục hầu như chưa được ghi nhận trong các báo cáo quốc gia. Các vụ việc nghiêm trọng được công chúng biết tới thông qua các cơ quan truyền thông trong một vài năm trở lại đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Đằng sau đó, còn rất nhiều câu chuyện về thực trạng, nhu cầu hỗ trợ, công lý cho nạn nhân bạo lực tình dục,... vẫn chưa được nhắc tới.