Cẩn trọng khi ăn thịt bò để không rước sán vào người

08:34 | 13/04/2023;
Mới đây, một chuỗi nhà hàng khá có tiếng tại Việt Nam bị khách hàng tố có sán trong món thịt bò. Tuy chưa rõ thực hư nhưng thông tin này đã khiến nhiều người hoang mang, lo sợ. Không ít người cũng coi đây là lời nhắc nhở để cẩn trọng hơn khi ăn thịt bò.

Thịt bò là thực phẩm được nhiều người yêu thích, không chỉ bởi ngon miệng, đa dạng cách chế biến mà còn nhiều dinh dưỡng. Loại thịt này giàu protein chất lượng cao, vitamin và chất khoáng đa dạng như vitamin B12, kẽm, sắt, đồng, canxi... cũng như một số hoạt chất tính sinh học như taurine, creatine... Nhờ đó, thịt bò cung cấp nhiều năng lượng, giúp phát triển cơ bắp, tăng cường miễn dịch và ngăn ngừa một số bệnh tật.

Thịt bò ngon và giàu dinh dưỡng nhưng khi ăn cần cẩn trọng kẻo rước sán vào người - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, giống như bất kỳ thực phẩm nào khác, thịt bò cũng cần ăn đúng cách mới tận dụng được giá trị dinh dưỡng. Chưa kể tới, nó còn tiềm ẩn nguy cơ nhiễm sán nguy hiểm cho con người nên cần lưu ý khi ăn.

Các loại sán dễ nhiễm phải khi ăn thịt bò

Trong chương trình y tế nổi tiếng tại Trung Quốc “The Doctor is hot”, Bác sĩ gan mật và tiêu hóa Ye Bingwei đã từng nhiều lần cảnh báo về nguy cơ nhiễm các loại giun sán khi ăn thịt bò. Trong đó, phổ biến nhất là các loại sán dây và sán lá gan. Loại sán dây thường gặp nhất khi ăn thịt bò là sán dây bò hay còn gọi là sán xơ mít.

Sán dây bò có tên khoa học là Taenia saginata, thuộc chi Taenia. Nó là loại ký sinh trùng lưỡng tính, sống ký sinh ở ruột người. Về hình thể, sán dây bò có thể ở dạng trứng, nang ấu trùng hoặc sán dây với thân dẹp, màu trắng đục, nhiều đốt nhưng không có bộ phận tiêu hóa.

Khi trâu, bò ăn phải trứng sán, nó sẽ đi vào ruột, nở ra ấu trùng, sau đó xâm nhập vào hệ tuần hoàn để về tim. Ấu trùng theo máu đi đến các cơ vân để hình thành nang ấu trùng ở bắp cơ của trâu, bò và thường được gọi là “Gạo bò” (cysticercus bovis). Nang ấu trùng sán dây bò thường hay xuất hiện nhiều ở cơ lưỡi, cơ hoành, cơ tim, cơ mông... của trâu, bò.

Bác sĩ Ye cũng nhấn mạnh rằng, không phải tất cả các loại thịt bò đều chứa sán dây. Ngoài tập trung ở các bộ phận đã kể trên của con bò, sán dây bò cũng như các loại giun sán nói chung thường chỉ gây hại cho thể khi chúng ta ăn thịt bò chưa chín. Bao gồm thịt bò sống, bò tái, nhúng lẩu, gỏi bò… Nhưng ngay cả khi nấu chín hoàn toàn, sán trong thịt bò dù không thể gây hại cũng có thể gây ra tâm lý sợ hãi, ảnh hưởng đến mùi vị, gây ra rối loạn tiêu hóa ở một số người.

Mức độ nguy hại và triệu chứng khi nhiễm sán từ thịt bò

Các loại sán thường tồn tại trong thịt bò sống, tái ở dạng nang ấu trùng nhiều hơn là con sán đã thành hình. Với sán dây bò cũng vậy, nang ấu trùng sẽ xâm nhập qua ăn uống vào trong ruột người, sau đó ấu trùng thoát ra khỏi nang và đầu lộn ra ngoài, nhờ giác hút mà sán bám vào niêm mạc ruột thường ở phần trên hỗng tràng.

Tại đây, sán hút các chất bổ dưỡng và phát triển, chúng tồn tại lâu dài vì thân sán có khả năng đề kháng với các men tiêu protein có trong ruột non. Nhờ đó chúng  sinh trưởng và gây hại cho cơ thể. Ví dụ như đối với sán dây bò, chúng có thể trưởng thành với chiều dài 4 -10m và sống tới 50 - 70 năm trong cơ thể người.

Các loại sán chiếm thức ăn làm suy yếu cơ thể, đồng thời gây tổn thương tại ruột, viêm ruột, rối loạn tiêu hóa… Vì chúng bò lung tung trong dạ dày nên gây ra đau bụng, rối loạn tiêu hóa, ăn không ngon. Một số trường hợp còn có các triệu chứng như sụt cân, chóng mặt, đau đầu, thiếu máu hoặc thậm chí là hạ huyết áp…

Thịt bò ngon và giàu dinh dưỡng nhưng khi ăn cần cẩn trọng kẻo rước sán vào người - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Đặc biệt, sán dây gây ra cảm giác ghê sợ khi đốt sán già có thể tự động bò ra ngoài, thường tìm thấy ở mền, chiếu, áo quần. Một số loại sán dây khi phát triển đến một mức độ nhất định, bị thiếu chất dinh dưỡng sẽ ngày càng dẹt lại và có thể chui ra khỏi hậu môn khi đại tiện.

Sán dây ký sinh ở người thường gây bệnh nhẹ, dễ điều trị nhưng để lâu ngày ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và cuộc sống, có khi ảnh hưởng đến cả tính mạng. Bác sĩ Ye chia sẻ thêm, điều đáng sợ ở sán dây là phần đầu của chúng có thể tiếp tục tách ra để tạo ra các phân đoạn mới. Vì vậy, mất nhiều thời gian điều trị dứt điểm vì buộc phải tìm ra cái đầu của nó. Nhiều bệnh nhân phải liên tục mang các đoạn sán đến cho bác sĩ để kiểm tra dưới kính hiển vi xem đã đào thải được phần đầu chưa.

Cách nhận biết và phòng tránh nhiễm sán khi ăn thịt bò

Để phòng tránh nhiễm sán khi ăn thịt bò, điều quan trọng nhất là chúng ta cần quan sát kỹ để nhận biết thịt bò có bị nhiễm sán hay không. Cách đơn giản nhất là cắt thịt theo thớ dọc để quan sát dễ dàng hơn.

Nếu xuất hiện các đốm trắng li ti hoặc các cụm nhỏ màu trắng nổi lên như mụn nước thì rất có thể thịt bò đó đã nhiễm các loại giun sán. Thớ thịt có những hình sợi hay hình bầu dục lớn bằng hạt gạo, có màu trắng, xám cũng là dấu hiệu có chứa giun sán, tuyệt đối không ăn. Nên lưu ý rằng cách nhận biết này sẽ hiệu quả nhất với thịt bò sống, còn thịt bò tái hoặc chín màu sắc có thể thay đổi. Thậm chí con sán rất dễ bị nhầm lẫn với gân hoặc mỡ bò khi đã tiếp xúc nhiệt. Vì vậy càng cần phải kiểm tra tỉ mỉ hơn.

Thịt bò ngon và giàu dinh dưỡng nhưng khi ăn cần cẩn trọng kẻo rước sán vào người - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Để phòng tránh nhiễm sán từ thịt bò, bác sĩ Ye khuyến cáo không nên ăn thịt bò chưa chín kỹ hoàn toàn. Tốt nhất là tránh xa các món bò sống, bò tái… Khi nấu thịt bò hãy đảm bảo chúng chín ở nhiệt độ 100 độ C trong 10 phút để đảm bảo an toàn sức khỏe.

Tuy nhiên, một trường hợp ấu trùng sán có thể vẫn còn sống và sản sinh ngay cả khi đã nấu chín thịt bò ở nhiệt độ cao nên việc kiểm tra trước khi ăn đã nhắc đến ở trên là vô cùng quan trọng. Cũng vì vậy mà bạn nên ưu tiên tự chọn mua và chế biến thịt bò thay vì ăn ngoài hàng quán, thực phẩm chế biến sẵn. Ngoài ra, cũng cần nhớ không dùng chung dụng cụ nhà bếp giữa thịt sống và thịt chín, rửa tay sạch trước và sau khi nấu ăn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn