Trong gian bếp của mọi gia đình, các loại gia vị như dầu ăn, mắm, muối không thể nào thiếu. Ngày nay, dầu ăn có rất nhiều loại khác nhau, thông dụng nhất vẫn là dầu đậu phộng, dầu ô liu, dầu hạt cải... Bên cạnh đó, không ít người có xu hướng chọn sử dụng dầu tự ép. Tuy nhiên theo các chuyên gia, loại dầu tự ép lại tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm cho sức khỏe.
Nhiều người nghĩ rằng dầu tự ép hoàn toàn được làm bằng tay và nó rất an toàn. Nhưng trên thực tế, một số loại dầu tự ép giá rẻ, bán trôi nổi trên thị trường thường tiềm ẩn nhiều vấn đề về an toàn thực phẩm.
Năm 2019, Cục Quản lý thị trường Trung Quốc đã công bố 23 lô thực phẩm không đủ tiêu chuẩn, trong đó có hai loại dầu ăn không đạt chất lượng.
Theo kết quả lấy mẫu, cơ quan chức năng phát hiện trong sản phẩm dầu lạc tự ép tại một cơ sở sản xuất dầu ăn tại tỉnh Quý Châu có chứa lượng aflatoxin là 265μg/kg - gấp hơn 12 lần tiêu chuẩn là 20μg/kg.
Ngoài ra, trong xưởng sản xuất dầu mè tại tỉnh An Huy, số benzo(a)pyrene trong dầu mè là 37,0μg/kg, gấp hơn 3 lần so với tiêu chuẩn là 10μg/kg.
Cả aflatoxin và benzo(a)pyrene đều là những chất gây ung thư mạnh nếu liều lượng vượt quá quy định. Hơn nữa, dầu ăn tự ép sẽ đem lại nhiều rủi ro hơn vì:
- Không thể kiểm soát nguyên liệu: Để giảm bớt chi phí, nhiều cơ sở sản xuất đã mua lạc hoặc hạt hướng dương bị mốc. Hoặc, nhiều cơ sở không có quy trình chuyên nghiệp để bảo quản nguyên liệu khiến chúng bị hỏng. Nếu dùng những nguyên liệu bị mốc này để chiết dầu thì chắc chắn sẽ làm cho độc tố aflatoxin trong dầu ăn vượt quá tiêu chuẩn.
- Dầu tự ép không thể bảo quản được lâu, nếu bạn bảo quản không đúng cách thì aflatoxin cũng sẽ sản sinh lúc nào không biết.
- Quá trình tự ép dầu cũng có thể khiến nhiều tạp chất có hại: Ngoài aflatoxin, phospholipid và dư lượng thuốc trừ sâu cũng sẽ xuất hiện trong nguyên liệu và gây bệnh cho người sử dụng.
Theo Tiến sĩ Phan Thế Đồng (Nguyên Trưởng khoa Khoa Công nghệ Thực phẩm, trường Đại học Nông Lâm TPHCM): "Trên thị trường hiện chỉ có dầu ôliu, bơ, mè đen, dầu dừa... là dầu không tinh luyện. Với dầu lạc không thể có nguyên chất, nếu có sẽ rất hôi, ăn thấy khé cuống họng, màu đục, sậm, chế biến dễ bị khét.
Ngoài ra, nếu dùng đậu phộng, đậu tương vẫn còn những hạt thối mốc sẽ sinh độc tố aflatoxin, độc tố này do nấm mốc sinh ra, chúng có khả năng gây ung thư rất cao, khi đã tan vào dầu thì không thể kiểm soát được".
Các chuyên gia cho rằng, loại dầu ăn tốt nhất nên sử dụng là các loại dầu có thương hiệu nổi tiếng, có bao bì rõ ràng và đã được kiểm định chất lượng của cơ quan chức năng.
Theo khuyến cáo của Viện dinh dưỡng lâm sàng (Việt Nam), khi dùng dầu ăn cần ghi nhớ những nguyên tắc sau đây:
- Không nên dùng dầu ở nhiệt độ cao: Khi sử dụng nhiệt độ vượt quá "điểm bốc khói" của dầu ăn, dầu sẽ bị cháy và có mùi khét. Điều này không những phá hủy thành phần dinh dưỡng trong thức ăn mà còn sản sinh ra peroxide và các chất gây hại cho sức khỏe.
- Không tái sử dụng dầu ăn nhiều lần: Khi dầu ăn bị đun nóng nhiều lần, không những chất dinh dưỡng đã mất mà còn xuất hiện một số chất gây hại cho sức khỏe và có thêm cả những cặn thực phẩm sau quá trình đun nấu mà mắt thường không nhìn thấy. Nếu thường xuyên tái sử dụng dầu ăn, sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
- Dùng các loại dầu ăn chứa omega 3, 6, 9 cho người già: Những loại dầu thực vật chứa nhiều hàm lượng omega 3, 6, 9 như dầu đậu nành, dầu oliu… có hoạt tính sinh học cao, đóng vai trò chuyển hóa cholesterol xấu trong máu giúp phòng ngừa được các bệnh tim mạch và cao huyết áp ở người cao tuổi.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn