Cẩn trọng với thực phẩm "bẩn" dịp cuối năm

09:37 | 20/12/2017;
Thực phẩm mất vệ sinh vẫn lộng hành và tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc cho người tiêu dùng. Để bảo vệ mình và cộng đồng, người tiêu dùng cần lên tiếng, tố cáo những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm.
Thời gian gần đây, cơ quan chức năng liên tục phát hiện các vụ vận chuyển, tiêu thụ thực phẩm "bẩn".

Mới đây nhất, ngày 19/12, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Hà Nam) phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm đông lạnh của chị Vũ Thị Hường (xã Hoàng Tây, huyện Kim Bảng, Hà Nam).

Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện hơn 200kg thực phẩm đông lạnh không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Cụ thể, Đoàn đã phát hiện 234kg thực phẩm đông lạnh không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm gồm: 12,5kg xúc xích Vealz quá hạn sử dụng; 62,5kg chân, cánh, đùi gà và 133kg nem thịt không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Hiện Công an Hà Nam đã lập biên bản, tiến hành lấy mẫu giám định, niêm phong số thực phẩm trên, bàn giao cho cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết theo quy định.
anh-1426590155202.JPG
Cơ quan chức năng phát hiện thịt ôi thiu đang vận chuyển đi tiêu thụ

Trước đó, đêm ngày 13/12, tổ công tác của Trạm Cảnh sát giao thông Quảng Xương Quốc lộ 1A (Công an tỉnh Thanh Hóa) đã phát hiện xe ô tô tải BKS 79C – 082.36 vi phạm Luật An toàn giao thông nên đã ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra hành chính. Trong quá trình kiểm tra, tổ công tác đã phát hiện trên xe đang vận chuyển số lượng lớn thực phẩm đã bốc mùi ôi thiu.

Tại thời điểm kiểm tra, công an phát hiện có hơn 300kg thực phẩm được đựng trong các thùng xốp. Lái xe Phan Ngọc Sông (quê ở Khánh Hòa) không xuất trình được giấy tờ liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ của số thực phẩm nói trên. Cơ quan chức năng đã lập biên bản, tạm giữ người và phương tiện để xử lý theo quy định.
 
Trước thực trạng thực phẩm "bẩn" liên tục được phát hiện, nhất là hiện nay thời điểm Tết Nguyên đán đã cận kề khiến người tiêu dùng lo lắng. Để hạn chế thực phẩm không an toàn, cơ quan chức năng cần phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nặng các hành vi buôn bán, vận chuyển thực phẩm "bẩn" để tăng sức răn đe. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về sự nguy hại đến sức khỏe của thực phẩm bẩn; vận động người dân đứng ra tố cáo, tố giác khi phát hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm “bẩn”, thực phẩm không an toàn.

Với người tiêu dùng, nhiều người khi sử dụng, phát hiện thực phẩm "bản", ôi thiu hoặc kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái thì lại chọn cách im lặng, cho qua. Vì vậy, để tự bảo vệ mình và cộng đồng, mỗi người tiêu dùng cần tẩy chay hàng kém chất lượng, thực phẩm không rõ nguồn gốc; đồng thời tố giác những địa chỉ sản xuất, tàng trữ, kinh doanh hàng giả, hàng lậu; tăng giá không hợp lý, góp phần làm trong sạch và bình ổn thị trường dịp cuối năm.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn