Chiều 26/10, Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV đã dành thời gian thảo luận về Dự án Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) đã góp ý về việc áp dụng biện pháp ngăn ngừa bạo lực gia đình bằng việc "thực hiện công việc phục vụ cộng đồng" đối với người có hành vi bạo lực.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 22 thì "Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng" là 1 trong số 8 biện pháp ngăn chặn, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình. Tiếp đó, tại khoản 1 Điều 33 quy định: "Công việc phục vụ cộng đồng là công việc có quy mô nhỏ trực tiếp phục vụ cho lợi ích của cộng đồng nơi người có hành vi bạo lực gia đình sinh sống".
Thực tế cho thấy, trong nhiều trường hợp người gây bạo lực và người bị bạo lực không cùng chung sống tại một địa bàn dân cư, nhất là những trường hợp đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, người là cha mẹ, cong riêng…, anh chị em của người đã ly hôn hay của người chung sống với nhau như vợ chồng, người đã từng có quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi…
Đồng thời, hành vi bạo lực của các đối tượng này thường xảy ra tại nơi người bị bạo lực cư trú, chứ không phải nơi người gây bạo lực cư trú.
Theo đó, quy định Chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình quyết định, tổ chức việc người có hành vi bạo lực gia đình tự nguyện thực hiện công việc phục vụ cộng đồng tại nơi người đó sinh sống như quy định tại khoản 3 Điều 33 là không phù hợp.
Mặt khác, việc thực hiện hành vi bạo lực ở một nơi nhưng thực hiện công việc phục vụ cộng đồng ở một nơi khác sẽ không đủ sức răn đe, giáo dục, phòng ngừa bạo lực gia đình như trong báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đại biểu Lê Thanh Hoàn (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa) góp ý, Luật Phòng chống bạo lực gia đình lấy người bị bạo lực làm trung tâm, đề nghị bổ sung, chỉnh sửa bởi tinh thần của Luật là lấy phòng ngừa là chính, nên phải lấy người có nguy cơ bị bạo lực gia đình và người có xu hướng thực hiện hành vi bạo lực gia đình làm trung tâm.
Tiếp đó, theo quy định tại khoản 3, Điều 20, chỉ khi có tin báo tố giác về bạo lực gia đình mà người bị bạo lực là phụ nữ mang thai, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật… thì Chủ tịch UBND cấp xã mới phân công công an cấp xã xử lý.
Trong khi đó, tại khoản 1, Điều 20 quy định công an cấp xã, đồn biên phòng khi nhận tin báo tố giác về người bị bạo lực gia đình thì trong phạm vi, quyền hạn của mình kịp thời xử lý, ngăn chặn hành vi, đồng thời thông báo cho Chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra bạo lực gia đình…
Do đó để ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình, đại biểu này đề nghị quy định cơ quan công an cấp xã có quyền yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an. Trường hợp không chấp hành thì có quyền tạm giữ người theo quy định của pháp luật.
Về nội dung cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm cung cấp bằng chứng xác nhận tình trạng thương tật theo đề nghị của người bị bạo lực gia đình hoặc cơ quan chức năng có thẩm quyền tại Điều 29. Đại biểu này cho rằng, nội dung này đề nghị cần rà soát và quy định cho thống nhất với Luật Giám định tư pháp và để tránh nhầm lẫn với việc xác định tỷ lệ thương tật.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn