Mới đây, hai rapper Coldzy và Tlinh đã cho ra mắt sản phẩm âm nhạc có tên "Fever" trên nền tảng YouTube. Ca khúc bị đa số khán giả chỉ trích vì ca từ phản cảm, mô tả chuyện tình dục một cách trần trụi. Không ít ý kiến đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc và gỡ bỏ sản phẩm này, tránh gây ảnh hưởng tới lớp trẻ.
Trước đó, vào tháng 12/2022, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định xử phạt đơn vị tổ chức đêm diễn Spacespeakers live concert - The Kosmic 110 triệu đồng do mắc nhiều vi phạm và đình chỉ hoạt động trong 18 tháng. Tại chương trình, trong tiết mục "They said" của rapper Binz, vũ công mặc đồ tương tự quần áo lót. Người này có tư thế ngả người, ưỡn ngực, biểu diễn cùng nam rapper trên giường.
Tháng 10/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với rapper Chị Cả vì bản rap "Censored" có ca từ cổ súy hành động loạn luân. Quyết định trên được căn cứ theo khoản 3 Điều 13 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.
Nội dung 18+ cũng xuất hiện trong một loạt ca khúc khác như "Mẩy thật mẩy", "Hâm nóng" (Bid Daddy), "Krazy" (Binz, Andree), "Sashimi" (Chi Pu)... Không chỉ ở phần ca từ, ngay tại tên ca khúc, một số ca sĩ, nhạc sĩ còn đặt theo cách nói lái, gây phản cảm.
Cần luật hóa chặt chẽ hơn nữa hoạt động sáng tạo âm nhạc
Chia sẻ với Báo PNVN, Tiến sĩ Hồ Lâm Giang, chuyên gia về tâm lý, giáo dục, tác giả cuốn sách Diễn ngôn về giới trên truyền thông, cho biết, bà không khỏi ngỡ ngàng khi nghe ca khúc mới của Coldzy và tlinh.
"Nhìn tổng thể về khía cạnh ngôn từ của tác phẩm, nhẹ thì có thể đánh giá rằng ca khúc không phù hợp, với tư cách là ấn phẩm được truyền thông đại chúng, nặng thì có thể coi là một văn hoá phẩm độc hại với giới trẻ - đối tượng chính đang theo dõi và ủng hộ hai nghệ sĩ này", Tiến sĩ Hồ Lâm Giang khẳng định.
Nói về các ca khúc liên quan tới chủ đề tình dục, Tiến sĩ Hồ Lâm Giang bày tỏ sự tán thành với việc nghệ sĩ được tự do sáng tạo nghệ thuật, được thể hiện quan điểm của bản thân trong tác phẩm của mình, nhưng theo bà, khi sản phẩm đưa ra công chúng, có nguy cơ ảnh hưởng tới thế hệ trẻ, bản thân nghệ sĩ cần có sự kiểm soát, đồng thời cũng cần sự giám sát của xã hội.
"Có thể, trong nhận thức và thế giới quan của bạn là bình thường (vì bạn đang có sự chủ quan nhất định trong việc nhìn nhận vấn đề), nhưng như vậy không có nghĩa là bạn có quyền vô tư phạm lỗi", bà Giang nói.
Đồng tình với quan điểm của Tiến sĩ Hồ Lâm Giang, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang cho rằng: "Những tác phẩm như "Fever" cần bị cấm phát hành, tránh để ảnh hưởng tới tâm lý giới trẻ". Ông cũng đưa ra các giải pháp để giải quyết hiện trạng này.
Theo đó, cần luật hóa chặt chẽ hơn nữa hoạt động sáng tạo, đăng tải những nội dung xấu độc trên mạng xã hội, trong đó có sản xuất, phát tán các MV có nội dung dung tục. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý thông tin và văn hóa cần "cấm sóng" vĩnh viễn những tài khoản mạng xã hội, hoặc ca sĩ, nghệ sĩ cố ý sản xuất, phát tán các sản phẩm nghệ thuật xấu độc, vi phạm thuần phong mỹ tục trên không gian mạng.
Trong khi đó, rapper Hà Lê bày tỏ cái nhìn thông cảm hơn với các đồng nghiệp. Theo anh, những gì họ đang làm cũng nằm trong xu hướng chung của thế giới, đặc biệt là các nước phương Tây.
"Các nghệ sĩ nên hiểu rằng, ta đang sống tại một đất nước có nhiều quy củ và nề nếp văn hóa truyền thống. Những điều họ đang làm có thể không mới với thế giới, nhưng lại lạ lẫm và khó chấp nhận với người Việt.
Bên cạnh đó, khi tung ra một ca khúc mang yếu tố "sex", họ cũng phải có ý thức với những khán giả nhỏ tuổi. Tôi nghĩ, cách giải quyết đơn giản là dán nhãn 18+ vào sản phẩm, tránh sự tiếp cận của đối tượng chưa trưởng thành".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn