Ngày 4/12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Quốc gia về Tình dục, Sức khỏe và Xã hội lần thứ tư với chủ đề "Kết nối để xoá khoảng trống trong phòng, chống bạo lực tình dục". Hội nghị năm nay là sáng kiến của Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam (GBVNet) bao gồm 17 tổ chức xã hội Việt Nam. Đây là diễn đàn nhằm xác định những khoảng trống trong thông tin về thực trạng bạo lực tình dục, trong pháp luật, thực thi pháp luật và dịch vụ phòng chống bạo lực tình dục.
Trưởng mạng lưới GBVNet Khuất Thu Hồng chia sẻ, mỗi lần nghĩ đến vấn đề bạo lực tình dục, tôi lại nhớ đến những cái chết oan ức của bé gái ở Cà Mau 13 tuổi hay bé gái ở Đồng Nai đã phải tự tử vì bị bạn trai tung ảnh nóng. Tôi đau đớn khi nghĩ về những bé trai bị thầy hiệu trưởng ở Phú Thọ lạm dụng tình dục trong thời gian dài. "Chúng ta đã cố gắng nhưng chưa đủ để chấm dứt nạn bạo hành tình dục, chưa đủ để xoá bỏ tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em, chưa đủ để không còn cháu gái hay người phụ nữ nào phải sống trong sợ hãi, tủi nhục, thậm chí phải tìm đến cái chết vì hình ảnh nhạy cảm của họ bị phát tán… Tôi tin rằng chính nỗi đau, sự bức xúc... đã đưa chúng ta đến đây cùng nhau hôm nay. Đây là cơ hội để chúng ta kết nối với nhau nêu lên các sáng kiến và xây dựng kế hoạch hợp tác nhằm chấm dứt những nỗi đau và mang lại bình yên cho tất cả phụ nữ và trẻ em trên đất nước này", bà Hồng nói.
Bạo lực giới chống lại phụ nữ và các em gái vẫn là một trong những sự vi phạm nghiêm trọng nhất về quyền con người trên thế giới một trong những tội ác ít bị xét xử nhất và một trong mối đe dọa lớn nhẩt đối với hoà bình và phát triển. Theo Trưởng đại diện UNWOMEN Elisa Fernandez, những nạn nhân của bạo lực tình dục bị mất đi phẩm giá của mình. Họ phải sống trong sợ hãi và đau đớn và trong những trường hợp xấu nhất, bạo lực tình dục thậm chí có thể tước đi mạng sống của họ. Bạo lực gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các quyền tự do mà tất cả chúng ta nên có: An toàn trên đường phố, ở trường, tại nơi làm việc hoặc bất cứ nơi nào, cho dù đó là công cộng hay riêng tư...
Đã đến lúc chấm dứt nạn bạo lực tình dục và tạo ra một xã hội quan tâm, tôn trọng tất cả mọi người. Một ứng phó riêng lẻ hoặc một cách thức độc lập là không đủ. Để thành công, phải hợp lực phá vỡ các rào cản xã hội, đồng thời giải quyết các lỗ hổng trong luật pháp, nâng cao năng lực cho các đơn vị cung cấp dịch vụ để dịch vụ dành cho nạn nhân bị bạo lực nhạy cảm về giới, làm cho các dịch vụ dễ dàng đến được với những nạn nhân và đảm bảo hệ thống tư pháp chịu trách nhiệm xử lý triệt để và nghiêm minh các trường hợp bạo lực tình dục.
Hội nghị có 4 phiên toàn thể và 8 phiên thảo luận song song đề cập tới nhiều góc độ của vấn đề bạo lực tình dục, bao gồm nhận diện các khoảng trống trong nhận thức, thực thi pháp luật và cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực tình dục. Các thảo luận cũng tập trung vào nhiều nhóm nạn nhân của bạo lực tình dục như trẻ em, vị thành niên, người đồng tính, song tính và chuyển giới, người dân tộc thiểu số, lao động di cư, người khuyết tật và người cao tuổi.
Về thực trạng bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam, các chuyên gia tại hội nghị đều cho rằng, việc thiếu số liệu chính thức đầy đủ, chi tiết về tình trạng bạo lực tình dục khiến chúng ta không thể hình dung quy mô và mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Thiếu số liệu đầy đủ, chi tiết cũng sẽ không giúp cho việc thiết kế các chương trình can thiệp hiệu quả. Bạo lực tình dục với các nhóm đặc thù như người lao động di cư, người cao tuổi, hay với các nhóm thiểu số như cộng đồng LGBT và các nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội còn ít được biết đến và do vậy ít được giải quyết. Vẫn còn nhiều nạn nhân chưa thể tiếp cận đến những hỗ trợ về y tế, tâm lý, pháp lý và kinh tế cần thiết để vượt qua khủng hoảng và hậu quả của bạo lực tình dục mà họ phải trải qua.
Nội dung được quan tâm rất lớn là xâm hại và bạo lực tình dục trong không gian ảo. Loại xâm hại và bạo lực này có thể len lỏi vào bất kỳ đâu, không có giới hạn, thường gây ám ảnh nặng nề về cảm xúc, tâm lý, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về sức khoẻ thể chất, tinh thần cho nạn nhân. Vấn đề này được thảo luận ở nhiều góc độ khác nhau, trong đó bao gồm cả quản lý nhà nước cũng như đạo đức truyền thông trong phòng, chống bạo lực tình dục trên mạng xã hội và trên các phương tiện báo chí truyền thông.
* Từ năm 2014-2017, trung bình mỗi năm Tòa án Nhân dân Tối cao thụ lý 1,638 vụ xâm hại tình dục; Trung bình hai ngày phát hiện ít nhất 9 cháu bé bị xâm hại tình dục (Tòa án Nhân dân Tối cao 2019)
* 17% ứng viên nhân sự cấp trung được phỏng vấn cho biết từng nhận được những đề nghị liên quan đến tình dục từ cấp trên để đổi lấy các lợi ích tại nơi làm việc.
* Trẻ em khuyết tật có nguy cơ bị bạo lực và lạm dụng tình dục nhiều hơn 4 đến 5 lần so với trẻ em không khuyết tật.
* Cứ 10 phụ nữ khuyết tật thì có 4 người trải qua bạo lực tình dục
* Từ 2016-6/2019: Phát hiện 2.600 người bị bán qua biên giới, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.
(Theo GBVNet)
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn