Số lượng sinh viên quốc tế tại Canada đã bùng nổ trong những năm gần đây. Vào năm ngoái, quốc gia này cấp gần một triệu giấy phép học tập (loại giấy tờ cấp cho sinh viên quốc tế để cho phép họ theo học tại Canada), gấp khoảng 3 lần con số một thập kỷ trước, theo dữ liệu từ chính phủ. Kế hoạch cắt giảm dự kiến sẽ làm số giấy phép học tập được cấp giảm 35%.
Các biện pháp cắt giảm được thông báo vào hôm thứ hai bởi Bộ trưởng Bộ Di trú, Tị nạn và Quốc tịch Canada Marc Miller. Ông cho biết chính phủ sẽ áp dụng một con số trần tạm thời trong vòng hai năm đối với giấy phép học tập mới, với mục tiêu cấp khoảng 364.000 giấy phép vào năm 2024.
Theo kế hoạch này, mỗi địa phương sẽ được phân bổ một phần trong tổng số giấy phép học tập, tuỳ thuộc vào dân số và lượng sinh viên địa phương đó đang có. Sau đó, các địa phương tiếp tục đặt ra giới hạn cho các trường đại học (university) và cao đẳng (college) trên địa bàn.
Một nội dung nữa trong kế hoạch cắt giảm lượng sinh viên quốc tế là chính phủ sẽ không cho phép sinh viên quốc tế theo học tại các trường cao đẳng hoạt động theo mô hình hợp tác công tư được ở lại Canada làm việc kể từ tháng 9/2024. Đây là mô hình phát triển khá mạnh trong thời gian qua ở tỉnh Ontario. Giấy phép được ở lại làm việc kiểu này được coi là con đường dễ dàng để lấy thẻ thường trú nhân (permanent residency - thị thực cho phép người sở hữu thẻ được cư trú).
Mức giới hạn này chỉ áp dụng cho sinh viên theo học chương trình cao đẳng hoặc cử nhân và sẽ không ảnh hưởng đến sinh viên tiếp tục gia hạn giấy phép học tập. Người theo học chương trình thạc sĩ hoặc tiến sĩ vẫn sẽ đủ điều kiện nhận giấy phép làm việc 3 năm.
Bộ trưởng Bộ Di trú, Tị nạn và Quốc tịch Canada Marc Miller cũng cho biết, vợ/chồng của sinh viên quốc tế theo học các bậc học khác, bao gồm đại học và cao đẳng, sẽ không còn đủ điều kiện được cấp giấy phép làm việc.
Canada đã trở thành một điểm đến phổ biến cho sinh viên quốc tế do việc xin giấy phép làm việc sau khi hoàn thành việc học tương đối dễ dàng. Tuy nhiên, chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau đang phải đối mặt với áp lực trong việc giải quyết vấn đề thị trường nhà đất ngày càng đắt đỏ. Giá một căn nhà trung bình ở Canada hiện là 750.000 đôla Canada (15,6 tỷ đồng) và tiền thuê nhà đã tăng 22% trong 2 năm qua.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng có sự liên quan giữa tình trạng giá nhà cao với sự tăng đột biến về lượng người nhập cư, vì việc xây dựng nhà ở hiện đang không theo kịp tốc độ tăng trưởng dân số chưa từng có của Canada. Trong năm 2022, dân số nước này lần đầu tiên tăng hơn một triệu người trong một năm. Mức tăng chủ yếu là tăng dân số cơ học đến từ số lượng người nhập cư. Năm ngoái, dân số Canada đạt mức kỷ lục 40 triệu người (điều tra năm 2016 dân số Canada chỉ hơn 35 triệu người).
Theo thông tin từ CMHC, một cơ quan nhà nước của Canada trong lĩnh vực nhà ở, ước tính rằng nước này cần thêm 3,5 triệu đơn vị nhà ở cho đến năm 2030 để giá nhà ở trở về mức có thể chi trả. Trong khi gia tăng dân số là một phần của vấn đề, các chuyên gia đã chỉ ra những áp lực khác khiến số lượng nhà được khởi công giảm, bao gồm việc lãi suất vẫn đang ở mức cao.
Ngoài khủng hoảng về nhà ở, chính phủ cũng lo ngại về chất lượng giáo dục của một số cơ sở đào tạo. Bộ trưởng Miller cho biết các biện pháp mới "không nhắm vào cá nhân các sinh viên quốc tế" mà để nhằm đảm bảo các sinh viên sẽ nhận được "chất lượng giáo dục tương xứng".
Sự giới hạn số lượng sinh viên quốc tế này cho thấy sự thay đổi đáng kể trong chính sách của Canada, quốc gia vốn đã từ lâu dựa vào các quy định nhập cư cởi mở để lấp đầy các vị trí làm việc và giải quyết vấn đề già hoá nhanh chóng của lực lượng lao động. Vì vây, những biện pháp này được nhiều chuyên gia đánh giá là sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nước này.
Sinh viên quốc tế đóng góp khoảng 22 tỷ đô la Canada (400 nghìn tỷ đồng) hàng năm cho Canada. Một số doanh nghiệp, bao gồm nhà hàng và cửa hàng bán lẻ, đã cảnh báo rằng hạn chế đối với sinh viên nước ngoài sẽ tạo ra tình trạng thiếu lao động.
Các nhà hàng trên khắp Canada đang vật lộn với tình trạng thiếu lao động với gần 100.000 vị trí cần tuyển. Trong khi đó, sinh viên quốc tế chiếm 4,6% trong số 1,1 triệu lao động trong ngành dịch vụ ăn uống vào năm 2023.
Các ngân hàng Canada cũng đã được hưởng lợi từ sinh viên quốc tế, vì mỗi sinh viên được yêu cầu phải sở hữu Chứng nhận Đầu tư Bảo đảm (GIC) bằng cách gửi hơn 20.000 đô la Canada (365 triệu đồng) vào các ngân hàng để đủ điều kiện học tập.
Cần lưu ý là chính sách mới này sẽ không ảnh hưởng đến cho sinh viên theo học bằng thạc sĩ và tiến sĩ, cũng như những sinh viên đang học tại bậc tiểu học và trung học. Ngoài ra, sinh viên hiện đã sở hữu giấy phép học tập sẽ không nằm trong diện bị áp dụng hạn chế.
Phản hồi quyết định này của chính phủ, Universities Canada, tổ chức đại diện cho các cơ sở giáo dục đại học và sau đại học tại Canada, cho biết họ lo ngại rằng một số biện pháp sẽ khiến các sinh viên quốc tế lựa chọn địa điểm khác thay vì Canada. Việc này sẽ ảnh hưởng đến nhiều cơ sở giáo dục đã thực hiện mở rộng khuôn viên trường để đón thêm nhiều sinh viên đến học.
Đại diện của CICan, một mạng lưới liên kết các trường cao đẳng và học viện tại Canada, cho biết: "Cách tiếp cận này sẽ gây ra những hậu quả sâu rộng trên toàn ngành, đặc biệt là ở các khu vực quan trọng, bao gồm nguy cơ sa thải, đóng cửa và tăng học phí – tất cả những điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cả sinh viên Canada và sinh viên quốc tế". Hiệp hội cho biết chính phủ khi áp dụng biện pháp này nên tăng tài trợ cho các trường cao đẳng để bù đắp cho sự thiếu hụt sinh viên quốc tế.
Ontario, tỉnh đông dân nhất Canada, sẽ được đón tiếp nhiều sinh viên quốc tế nhất. Đại học Toronto, một trong những cơ sở giáo dục hàng đầu thế giới, toạ lạc tại Ontario, cho biết họ mong muốn hợp tác với tất cả các cấp chính phủ để đảm bảo các khó khăn của Đại học được giải quyết. Vào niên khoá 2022-23, sinh viên quốc tế chiếm gần 30% trong số 86.297 sinh viên của đại học này.
Hiệu trưởng Đại học McMaster David Farrar, một ngôi trường ở gần thành phố Toronto, cho biết việc áp dụng hạn chế sẽ đồng nghĩa với "mất mát" dưới góc độ môi trường học tập. Ông nói thêm rằng tiền đóng học phí của sinh viên quốc tế giúp giảm chi phí cho một số sinh viên trong nước, trong bối cảnh các trường đại học đang phải vật lộn với nguồn tài trợ và ngân sách hạn chế của chính phủ. Ông cho biết hạn chế sinh viên quốc tế cũng sẽ buộc các trường đại học phải cắt giảm số lượng sinh viên trong nước.
Đại diện của CICan cho rằng: "Việc thiếu đầu tư công trầm trọng vào giáo dục bậc cao khiến hệ thống giáo dục đẳng cấp thế giới của Canada đối mặt với nhiều mối nguy. Nếu không có sự tái đầu tư đáng kể, chúng ta có nguy cơ làm trầm trọng thêm những thách thức mà nền kinh tế và xã hội Canada đang phải đối mặt, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu gay gắt".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn