Chị Nguyễn Thị Tố Uyên (Thăng Bình, Quảng Nam) đã sang Nhật Bản cùng chồng làm việc được 3 năm nay. Cũng là 3 năm vợ chồng chị không về Việt Nam đón Tết cổ truyền cùng gia đình do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Chị Tố Uyên cho biết, năm đầu tiên chị mới sang Nhật Bản nên không về vì muốn tiết kiệm chi phí.
Năm 2021 và 2022 thì tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, vợ chồng chị không thể về Việt Nam. Chị Uyên chia sẻ: "Vợ chồng tôi làm việc ở tỉnh Shizuoka, Nhật Bản. Mấy năm ăn Tết trên đất nước bạn luôn có cảm giác buồn, chạnh lòng vì nhớ ba mẹ, nhớ nhà. Bên này Tết âm lịch, mọi người vẫn đi làm bình thường, người ta chỉ ăn Tết dương lịch.
Vào những ngày Tết cổ truyền, gia đình tôi cùng một số bạn bè thân thiết người Việt cùng làm việc ở đây tổ chức ăn Tết với nhau. Mọi người cùng nhau làm các món ăn truyền thống như bánh chưng, giò lụa, hạt dưa, bánh mứt… Ngoài ra, chúng tôi cũng thực hiện chúc Tết, lì xì, nói chung là tự tạo không khí đón Tết, động viên nhau nơi xứ người".
Tết Nguyên đán 2023, chị Tố Uyên sẽ cùng con trai về Việt Nam ăn Tết với ông bà. Chị đã mua vé để về từ ngày 26/12/2022. Chia sẻ cảm xúc hân hoan khi trở lại đón Tết quê hương, chị Uyên xúc động cho biết: "Càng đi xa, càng tiếp cận với thế giới bên ngoài thì tôi càng yêu hơn những điều giản dị của quê nhà. Tự nhiên tôi thấy yêu hơn mùi Tết tỏa khắp nhà, từ gian bếp đơn sơ của nhà mình, mùi thơm quen thuộc của các loại rau mùi, gia vị và hoa từ khu vườn quê, thích nhìn xà lách, cải bẹ xanh mơn mởn. Về quê cũng là cách dạy cho con tôi biết được Tết cổ truyền của người Việt, biết yêu hơn cội nguồn. Tôi cũng hiểu, khi con cái về đông đủ với ba mẹ, đó mới là Tết".
Anh Nguyễn Tiến Quân (quê ở Mê Linh, Hà Nội) sang tỉnh Toyama, Nhật Bản, làm thợ cơ khí từ năm 2016. Ba năm qua, anh Quân chưa về quê đón Tết. Tết năm nay anh đã mua vé máy bay về Việt Nam vào ngày 12/1/2022 để sum họp với gia đình.
"Ngày trước, khi chưa có điện thoại thông minh thì việc trò chuyện cùng với người thân rất khó khăn. Còn bây giờ, vợ chồng tôi gọi điện thoại hằng ngày. Các con cũng nhìn thấy bố thường xuyên, mọi thông tin của nhau đều biết hết. Thế nhưng được gặp trực tiếp luôn có cảm giác háo hức khó tả. Đợt này, tôi về quê 1 tháng để ăn Tết với bố mẹ, vợ con. Tết quê hương với tôi là mong muốn gặp mặt bạn bè, sum họp với gia đình, cùng hít thở không khí Tết".
Cùng chung tâm trạng như bao người con xa xứ khác khi được trở về quê hương, Cao Nguyên Thảo Huyền (Hội An, Quảng Nam) chia sẻ: "Hai năm du học ở Úc cũng là 2 năm dịch Covid-19 bùng phát dữ dội. Thành phố Melbourne nơi Huyền học cũng áp dụng lệnh phong tỏa rất lâu. Vậy nên Huyền đã lỡ dịp ăn Tết 2 năm trước. Lúc đó, Huyền cùng các chị hàng xóm người Việt tụ tập làm tất niên rồi ghé chùa nhưng dư vị hẳn nhiên không bằng ở quê nhà. Huyền háo hức đón Tết năm nay, để được tận hưởng mùi Tết, không khí của chợ hoa, mùi nhang trầm phố cổ.
Huyền thích nhất là dịp Tết mọi người tụ tập ăn tất niên, gặp gỡ chúc nhau. Đơn giản hơn, chỉ cần được về bên gia đình trong những ngày đầu năm cũng là một niềm vui không kể xiết với những đứa con xa nhà".
Những ai mang trong mình dòng máu Việt, đều ít nhiều thấy lòng rung lên khi nghĩ về Tết cổ truyền và thôi thúc bước chân trở về. Trở về quê hương là về với gia đình, với cội rễ. Ở đó, mỗi người con đất Việt sẽ không còn thấy những xô bồ giữa cuộc sống mưu sinh, chỉ thấy mình được yêu thương, sống với nếp quê hiền hòa, ấm áp.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn