Viêm là cơ chế cơ thể bạn tự bảo vệ khỏi các nhiễm trùng và tổn thương. Nhưng mặt khác viêm mãn tính có thể dẫn tới nhiều nguy cơ bệnh tật. Đặc biệt, một số tình trạng viêm trong cơ thể không được kiểm soát, khi để lâu dài có thể phát triển thành ung thư.
Dưới đây là 6 chứng viêm có thể phát triển thành ung thư nếu không điều trị và kiểm soát sớm.
Viêm gan mãn tính thường do: Virus viêm gan C, virus viêm gan B, bệnh gan do rượu, viêm gan nhiễm mỡ không do rượu. Một số nguyên nhân ít phổ biến hơn của viêm gan mãn tính bao gồm: Virus viêm gan D, virus viêm gan E, viêm gan tự miễn, bệnh celiac, một số rối loạn tuyến giáp,... Virus viêm gan A không gây viêm gan mạn tính.
Ở khoảng 2/3 số người, bệnh viêm gan mãn tính phát triển dần dần, thường không gây ra bất kỳ triệu chứng rối loạn gan nào cho đến khi xơ gan xảy ra. Trong 1/3 còn lại, bệnh phát triển sau một đợt viêm gan siêu vi cấp tính dai dẳng hoặc tái phát.
Viêm gan mãn tính thường gây ra các triệu chứng chung, chẳng hạn như cảm giác khó chịu, chán ăn và mệt mỏi. Đôi khi những người bị bệnh còn bị sốt nhẹ và cảm thấy khó chịu ở vùng bụng trên. Vàng da rất hiếm gặp trừ khi suy gan phát triển.
Khi viêm gan mãn tính không được kiểm soát, tình trạng viêm tiếp tục làm tổn thương gan từ từ, cuối cùng dẫn đến xơ gan, suy gan và đôi khi là ung thư gan.
Điều trị viêm gan mạn tính tập trung vào việc điều trị nguyên nhân và kiểm soát các biến chứng, chẳng hạn như cổ trướng và bệnh não gan ở những người bị xơ gan.
Nếu nguyên nhân là do thuốc thì ngừng thuốc. Nếu một rối loạn khác là nguyên nhân thì sẽ tập trung điều trị sự rối loạn đó. Nếu nguyên nhân là do bệnh gan do rượu, các bác sĩ khuyên nên thay đổi lối sống, chủ yếu là kiêng rượu. Nếu nguyên nhân do virus thì sử dụng thuốc kháng virus.
Nhìn chung, bạn cần tuân thủ phác đồ điều trị từ bác sĩ và có lối sống khoa học, chế độ ăn uống lành mạnh để phòng ngừa viêm gan tiến triển thành ung thư.
Viêm loét dạ dày mãn tính là tình trạng phổ biến. Loét dạ dày xảy ra khi axit dạ dày ăn qua lớp niêm mạc bảo vệ dạ dày, tạo ra vết loét hở. Các dấu hiệu và triệu chứng điển hình bao gồm:
- Đau rát dạ dày: nằm ở vùng bụng trên, giữa xương ức và rốn, chếch sang trái một chút.
- Khó tiêu: trào ngược, buồn nôn, đầy hơi,...
Hai nguyên nhân phổ biến nhất gây loét dạ dày là nhiễm vi khuẩn H. pylori và lạm dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Ngoài ra, hút thuốc, uống rượu, căng thẳng, ăn uống không lành mạnh cũng là những nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Viêm loét dạ dày có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như chảy máu dạ dày, có lỗ thủng trong dạ dày. Đặc biệt, khi bị viêm loét dạ dày mãn tính do vi khuẩn helicobacter pylori (HP) có thể phát triển thành ung thư nếu không được điều trị.
Loại vi khuẩn này gây đột biến DNA và làm tổn thương các tế bào của niêm mạc dạ dày. Các mô dạ dày bị tổn thương được thay thế bằng mô ruột hoặc mô sợi một cách tự nhiên. Sự biến đổi này là một trong những triệu chứng đầu tiên của ung thư dạ dày vì nó làm tăng nguy cơ xảy ra bệnh.
Hơn nữa, nếu khi viêm loét dạ dày nhưng bạn vẫn uống rượu, hút thuốc, sử dụng aspirin và các thuốc chống viêm khác thì sẽ làm tăng sản xuất axit trong dạ dày, giảm khả năng sản xuất chất nhầy bảo vệ của dạ dày, giảm khả năng chữa lành của cơ thể, từ đó làm gia tăng nguy cơ ung thư.
Để điều trị viêm loét dạ dày, người bệnh cần sử dụng thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Bên cạnh đó, người bệnh nên duy trì lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh như không uống rượu hay hút thuốc, bổ sung nhiều rau củ quả, vận động thường xuyên. Hạn chế sử dụng Ibuprofen, aspirin và naproxen (NSAID) hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ về việc chuyển sang sử dụng các loại thuốc khác có tác dụng tương tự
Viêm loét đại tràng là một loại bệnh ruột kích thích (IBD). Nó có thể gây đau, viêm (sưng) và lở loét ở lớp lót bên trong ruột và trực tràng của bạn.
Các triệu chứng của viêm loét đại tràng như đau bụng, có máu trong phân, tiêu chảy (có thể xảy ra từng đợt và dần trở nên thường xuyên), sốt, cảm giác cần đi đại tiện dù ruột đã trống rỗng, giảm cân.
Viêm loét đại tràng mãn tính cũng có thể có nguy cơ phát triển thành ung thư. Theo Tổ chức Crohn's & Colitis Foundation, nguy cơ mắc bệnh ung thư ruột kết (ung thư đại tràng) của bạn thường bắt đầu tăng lên sau khi bạn bị viêm loét đại tràng trong 8 năm. Viêm loét đại tràng để càng lâu mà không kiểm soát thì nguy cơ ung thư càng cao.
Viêm đại tràng mãn tính làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng là do tình trạng viêm làm tổn thương tế bào và tạo ra đột biến ở những tế bào có thể gây ung thư, làm tăng mức độ của một số phân tử có thể giúp khối u ung thư phát triển, làm cho nhiễm trùng do virus và vi khuẩn dễ xảy ra hơn - từ đó làm giảm hệ miễn dịch và tạo điều kiện cho ung thư tấn công.
Không có cách chữa trị khỏi hoàn toàn viêm loét đại tràng, nhưng thuốc và thay đổi lối sống có thể làm giảm tình trạng viêm và các triệu chứng. Kiểm soát tốt các đợt bùng phát và các triệu chứng viêm loét đại tràng giúp giảm nguy cơ phát triển ung thư đại trực tràng.
Viêm cổ tử cung là tình trạng viêm cổ tử cung - phần cuối của tử cung mở vào âm đạo. Các triệu chứng của viêm cổ tử cung bao gồm chảy máu giữa chu kỳ kinh nguyệt, đau khi giao hợp, tiết dịch âm đạo bất thường. Tuy nhiên, viêm cổ tử cung cũng có thể không gây ra bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào.
Thông thường, viêm cổ tử cung là do nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, chẳng hạn như chlamydia hoặc lậu. Tuy nhiên, HPV cũng là nguyên nhân phổ biến gây viêm cổ tử cung mãn tính, thường do các chủng 16, 18, 31, 33, 58.
Điều đáng lưu ý là nhiễm trùng HPV khiến các tế bào trải qua những thay đổi. Nếu không được điều trị, những tế bào này theo thời gian có thể trở thành tế bào ung thư.
Không có phương pháp điều trị tiêu chuẩn nào cho bệnh viêm cổ tử cung. Bạn nên điều trị theo những chỉ định từ bác sĩ. Đặc biệt, bạn nên theo dõi định kỳ để có thể kiểm soát các nguy cơ, nhất là khi bạn bị nhiễm chủng HPV nguy cơ cao.
Viêm tụy là tình trạng sưng (viêm) tuyến tụy. Điều này có thể xảy ra khi dịch tiêu hóa hoặc enzym tấn công tuyến tụy.
Triệu chứng chính của viêm tuỵ là đau bụng. Nếu bị viêm tuỵ cấp, người bệnh còn cảm thấy buồn nôn hoặc ói mửa, nhịp tim nhanh, sốt, thở nhanh và nông. Nếu bị viêm tuỵ mãn tính, các triệu chứng khác ngoài đau bụng bao gồm: khó tiêu và đau sau khi ăn, chán ăn và sụt cân ngoài ý muốn, phân có màng dầu, chóng mặt (do huyết áp thấp ).
Khi tình trạng viêm xảy ra, các tế bào viêm sẽ tiết ra các yếu tố tăng trưởng và độc tố. Sau nhiều năm tuyến tụy bị viêm mãn tính, các yếu tố tăng trưởng và độc tố này gây ra tổn thương di truyền và khiến tế bào tuyến tụy phát triển không kiểm soát được. Điều này có thể dẫn đến ung thư tuyến tụy.
Tuy nhiên, phải mất nhiều năm viêm tụy mãn tính mới làm tăng nguy cơ phát triển ung thư tuyến tụy. Do vậy, bạn có thể theo dõi định kì và kiểm soát tình trạng, như vậy có thể giảm được nguy cơ ung thư.
Mục tiêu điều trị viêm tuyến tuỵ là để tuyến tụy được nghỉ ngơi và để nó lành lại. Bạn nên đến bệnh viện để được kiểm tra mức độ và điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Nếu bạn bị viêm tuỵ mãn tính, ngoài các chỉ định từ bác sĩ, bạn nên có những thay đổi trong lối sống và chế độ ăn uống như: không uống rượu và hút thuốc, nên ăn nhiều bữa nhỏ giàu protein và ít béo, vận động thường xuyên,...
Viêm nha chu là một bệnh nhiễm trùng nướu nghiêm trọng làm tổn thương mô mềm xung quanh răng. Nếu không điều trị, viêm nha chu có thể phá hủy xương nâng đỡ răng của bạn. Điều này có thể khiến răng lung lay hoặc dẫn đến mất răng.
Các triệu chứng viêm nha chu bao gồm:
- Nướu sưng và có màu đỏ hoặc tía
- Nướu dễ chảy máu và mềm
- Hơi thở hôi
- Mủ (nhiễm trùng) xung quanh đường nướu
- Răng lung lay.
- Tụt nướu
- Đau khi nhai
- Có khoảng trống giữa các răng
Viêm nha chu không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ răng miệng mà trong một nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu tại Trường Y tế Công cộng Harvard (HSPH) và Viện Ung thư Dana-Farber phát hiện ra rằng bệnh nha chu có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư tuyến tụy.
Để giải thích tại sao viêm nha chu làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tuỵ, một số giả thuyết được đưa ra:
- Thứ nhất, những người mắc bệnh nha chu có dấu hiệu sinh học trong huyết thanh của tình trạng viêm toàn thân tăng cao, chẳng hạn như protein phản ứng C, và những dấu hiệu này bằng cách nào đó có thể góp phần thúc đẩy các tế bào ung thư.
- Thứ hai, những người mắc bệnh nha chu có lượng vi khuẩn đường miệng cao hơn và hàm lượng nitrosamine cao hơn - đây là chất gây ung thư.
Điều trị bệnh viêm nha chu phụ thuộc vào mức độ của tình trạng viêm. Các phương pháp điều trị có thể bao gồm sử dụng kháng sinh, cạo vôi và bào chân răng, phẫu thuật.
Cách tốt nhất để ngăn ngừa viêm nha chu là vệ sinh răng miệng thường xuyên và thực hành vệ sinh răng miệng tốt.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn