Theo UNICEF, sởi là bệnh có nguy cơ truyền nhiễm cao. Bệnh cũng có thể lây lan nếu như một người nào đó chạm vào một bề mặt hoặc một vật nào đó đã bị nhiễm virus, sau đó chạm vào miệng hoặc mũi của chính họ hoặc ăn uống khi chưa rửa tay. Tuy nhiên, có thể dễ dàng phòng ngừa bệnh sởi bằng cách tiêm chủng.
Bác sĩ Mary Ramsay, Trưởng khoa Miễn dịch của tổ chức Y tế Công cộng Anh (PHE), cho biết, các chương trình tiêm chủng quốc gia rất thành công trong việc ngăn ngừa các bệnh nghiêm trọng và có thể đe dọa đến tính mạng như viêm phổi, viêm màng não, ho gà, bạch hầu và sởi.
Hiện nay, vaccine MMR (là loại vaccine tổng hợp ngừa bệnh sởi, quai bị và rubbela) đang được sử dụng rộng rãi trong các chương trình tiêm chủng sởi quốc gia và hoàn toàn miễn phí cho tất cả trẻ em ở Anh. Với khả năng phòng bệnh cao (lên đến 95%) và số mũi tiêm ít – 2 mũi, vaccine MMR được khuyến cáo tiêm cho người lớn và tất cả trẻ em từ một tuổi trở lên.
Châu Âu từng ghi nhận những đợt dịch sởi lớn ở các quốc gia có tỉ lệ sử dụng MMR thấp. Các trường hợp nhiễm bệnh có khả năng dẫn đến tử vong và lây lan rộng trong cộng đồng khiến nước Anh bị tái nhiễm virus sởi vào năm 2019 sau 3 năm công bố chiến thắng hoàn toàn căn bệnh này.
Theo UNICEF, khoảng 117 triệu trẻ em ở 37 quốc gia có thể không được tiêm chủng vaccine sởi đúng hạn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Ở Anh, 95% trẻ em đã được tiêm mũi đầu tiên nhưng chỉ 87,4% có mũi thứ hai.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, nếu cần thiết, các quốc gia không có nguy cơ bùng phát dịch sởi có thể tạm hoãn các chương trình tiêm chủng. Hiện nay, đã có 24 quốc gia quyết định hoãn các chương trình này, trong đó gồm các quốc gia từng đối mặt những trận dịch sởi lớn như Brazil, Nepal, Mexico, Ukraine, Chile…
Joanna Rea, phát ngôn viên của UNICEF, cho biết, sẽ có nhiều hơn 24 quốc gia trên phải hoãn các chương trình tiêm chủng vaccine sởi. Ngoài ra, UNICEF kêu gọi các nhà chức trách ở mỗi quốc gia thống kê và tăng cường theo dõi những trẻ em chưa được tiêm vaccine phòng bệnh để có những phương án kịp thời sau khi các chương trình tiêm chủng hoạt động trở lại.
Phát ngôn viên Rea cũng nói thêm, trì hoãn tiêm phòng có thể làm bùng phát những bệnh nguy hiểm như sởi hoặc rubella, tạo ra áp lực đối với ngành y tế và có nguy cơ làm xuất hiện đại dịch thứ hai về bệnh truyền nhiễm sau Covid-19.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn