Hiện nay, rất nhiều người sợ bị thừa cân - béo phì và cho rằng dầu mỡ là nguyên nhân dẫn tới việc tăng cân, vì thế họ cố gắng loại bỏ chất béo ra khỏi phần ăn hàng ngày. Thay vào đó, họ sử dụng nhiều đồ hấp luộc, nhất là các loại rau củ, thịt ít chất béo vì cho rằng các thực phầm chế biến theo cách này sẽ nhiều dinh dưỡng và không sợ béo.
TS.BS Trương Hồng Sơn - Viện Y học ứng dụng Việt Nam, chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, quan điểm ăn đồ hấp luộc, loại bỏ chất béo để giúp bảo vệ sức khỏe, không bị tăng cân, không bị tăng cholesterol là hoàn toàn sai lầm. Thậm chí, nếu thực hiện chế độ ăn này trong một thời gian dài sẽ gây nên nhiều hệ lụy với sức khỏe.
Bác sĩ Sơn cho rằng, chất béo có vai trò rất quan trọng với cơ thể, đây là thành phần không thể thiếu cấu tạo nên màng tế bào và nhiều hoóc môn quan trọng. Nếu không có chất béo thì các vitamin như A, D, E, K sẽ khó hòa tan và cơ thể không hấp thu được. Trong đó, đây đều là những vitamin rất cần thiết cho cơ thể trong việc tăng trưởng, tăng miễn dịch, thị lực, chống oxy hóa, phát triển chiều cao…
TS Trương Hồng Sơn cảnh báo, việc bỏ chất béo, chỉ ăn đồ hấp luộc là vô cùng nguy hiểm. Ảnh: Lê Phương.
Dưới góc độ dinh dưỡng, chất béo còn là nhóm chất cung cấp nhiều năng lượng nhất cho cơ thể, gấp đôi so với hai nhóm chất protein và chất đường bột. Theo đó, 1 gam lipid (chất béo) tạo ra 9 kcal, trong khi 1 gam protein (chất đạm) và 1 gam carbohydrate (chất đường bột) chỉ cho 4 kcal. Đây là lý do ăn thực phẩm nhiều chất béo cho cảm giác no lâu hơn. Các nghiên cứu cũng chỉ ra, một bữa ăn khoa học, cơ thể sẽ cần 20-25% năng lượng từ chất béo, càng trẻ nhỏ thì càng cần nhiều hơn.
TS.BS Từ Ngữ - Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam thừa nhận rằng, việc hấp luộc thực phẩm, nhất là hấp, sẽ giữ lại được nhiều dinh dưỡng nhất và thực phẩm ít bị biến chất. Tuy nhiên, ăn đồ hấp sẽ không kích thích được vị giác nhiều như đồ xào, chiên rán. Do vậy, cũng không nên sử dụng đồ hấp luộc trường diễn, hoặc chế biến tất cả thực phẩm theo cách này.
Đồ hấp sẽ giữ lại được nhiều dinh dưỡng nhưng món ăn sẽ đơn điệu, không kích thích vị giác. (Ảnh minh họa)
Riêng việc loại bỏ chất béo ra khỏi chế độ ăn, TS Từ Ngữ cho rằng điều này là không nên. Thay vào đó, việc lựa chọn chất béo phù hợp là rất quan trọng, trong đó có chất béo từ thực vật và động vật. Chất béo thực vật không thể thay thế được chất béo động vật.
“Với chất béo động vật, mọi người có thể ưu tiên từ các loài không chân như các loại cá, đến con hai chân như gà, vịt và cuối cùng là mỡ từ các loại động vật 4 chân như bò lợn”, ông Ngữ tư vấn.
Đặc biệt, với trẻ nhỏ, chất béo động vật rất quan trọng, vì nó có vai trò rất lớn cho sự phát triển và hoàn thiện của não, nhất là trong giai đoạn dậy thì. “Tôi vẫn nhớ ngày xưa khi các con đến tuổi dậy thì, bố tôi (GS Từ Giấy) luôn ưu tiên cho ăn mỡ lợn. Thậm chí là tưới mỡ lợn vào cơm để ăn, bởi nguồn chất béo ấy có vai trò cho sự phát triển não bộ và tăng trưởng, phát triển của cơ thể”, TS Từ Ngữ chia sẻ.
Lựa chọn chất béo từ các nguồn lành mạnh như cá là rất tốt và cần thiết cho cơ thể. (Ảnh minh họa)
Từ những phân tích trên, cả hai chuyên gia cho rằng, thay vì loại bỏ hoàn toàn chất béo ra khỏi chế độ ăn, mọi người cần trang bị kiến thức để bổ sung nguồn chất béo hợp lý với cơ thể.
Cụ thể, TS Trương Hồng Sơn tư vấn, khi sử dụng chất béo nên hạn chế nguồn chất béo có hại từ phủ tạng động vật, không sử dụng thức ăn nhanh, đồ đóng hộp. Thay vào đó, cần tăng cường bổ sung nguồn chất béo có lợi trong các loại cá biển sâu (cá hồi, cá trích, cá thu, cá mòi...) vì chứa nhiều axit béo omega-3 có lợi cho tim mạch. Ngoài ra, có thể dùng nguồn chất béo từ thực vật như các loại dầu được chiết xuất từ các loại hạt.
“Điều cần lưu ý đó là khi chế biến với dầu thực vật, lưu ý không để nhiệt độ quá cao vì nếu đun lâu ở nhiệt độ cao, các axít béo không no sẽ bị oxy hóa làm mất tác dụng có ích với cơ thể, đồng thời tạo thành các sản phẩm trung gian có hại như peroxit, aldehyt... Lưu ý, không nên tái sử dụng dầu đã rán ở nhiệt độ cao”, TS Hồng Sơn tư vấn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn