Có loại rau rửa từng kẽ lá cũng không hết được ký sinh trùng?
GS.TS.BS Nguyễn Văn Đề - nguyên Trưởng Bộ môn Ký sinh trùng (Đại học Y Hà Nội), chuyên gia đầu ngành về ký sinh trùng tại Việt Nam - cho biết, một bệnh có thể do nhiều nguyên nhân gây nên và ngược lại một nguyên nhân có thể gây ra nhiều biểu hiện bệnh lý khác nhau. Do vậy, bệnh do ký sinh trùng gây ra có thể có rất nhiều triệu chứng khác nhau làm chúng ta dễ bị chẩn đoán nhầm với bệnh khác.
Chuyên gia lấy ví dụ tổn thương gan do ký sinh trùng sán lá gan lớn dễ nhầm với ung thư gan. U phổi hay tràn dịch màng phổi do lại ký sinh trùng này cũng dễ nhầm với lao. Ký sinh trùng giun đũa chó mèo, ấu trùng sán lợn lên não dễ nhầm với u não…
“Thực tế tôi đã gặp rất nhiều trường hợp bị cắt một phần lá gan vì nghĩ đó là ung thư, sau khi mổ xong mới biết đó là do ký sinh trùng sán lá gan lớn. Thậm chí có 2 trường hợp (ở Vinh và Hà Tĩnh) bị chẩn đoán ung thư gan đa ổ trả về nhà chờ chết nhưng gia đình thuê xe cứu thương chở đến nhờ tôi cứu chữa thì phát hiện do sán lá gan lớn và chữa khỏi.
Đã có trường hợp ăn rau thủy sinh nhiễm sán lá gan lớn và bị cắt nhầm lá gan. (Ảnh minh họa)
Hay có trường hợp ở Thái Nguyên bị chẩn đoán u não, bệnh viện trung ương mổ lấy khối u và được xác định là ấu trùng giun đũa chó. Hoặc bệnh nhân khác qua chẩn đoán hình ảnh phát hiện u trong não, đã làm bệnh án chuẩn bị mổ thì hội chẩn lần nữa, khi đó tôi xác định bị ký sinh trùng giun đũa chó mèo và ấu trùng sán lợn. Bệnh nhân này được điều trị nội khoa bằng thuốc đặc hiệu, kết quả khỏi bệnh, không phải mổ, sau 3 tháng kiểm tra thấy hết u”, GS Đề chia sẻ.
Ngoài bị ký sinh ở não và gan, GS Đề còn gặp trường hợp bệnh nhân bị ký sinh trùng làm tổ trong mắt, được chẩn đoán là u trong nhãn cầu mắt. Đến khi mổ ra thì phát hiện do giun đũa chó mèo. “Với giun đũa chó mèo Toxocara khi vào cơ thể người (người ăn phải trứng) nó bị lạc chủ, nên sẽ chạy lung tung khắp cơ thể, có thể chạy vào gan, tim, phổi, lên não, vào mắt, vào các cơ… Tóm lại chúng có thể đi khắp nơi và ký sinh ở bất cứ bộ phận nào chúng muốn. Bản thân giun đũa chó mèo có thể gây tới trên chục bệnh khác nhau, trong đó có sẩn ngứa chiếm trên 50%, đặc biệt nó có thể gây rối loạn chức năng tiểu cầu”, GS Để cảnh báo.
Về nguyên nhân mắc ký sinh trùng, GS Đề cho biết có thể nhiễm từ rất nhiều đường, tuy nhiên hay gặp nhất đó là qua ăn uống. Cụ thể với sán lá gan lớn và giun đũa chó mèo thì chủ yếu nhiễm thông qua việc ăn rau sống. Trong đó, có hai loại chính là rau thủy sinh và rau trên cạn. Cụ thể:
- Đối với rau thủy sinh: Đây là các loại rau ở dưới nước và bùn lầy như rau ngổ, rau muống nước, rau cải xoong, rau cần nước… Trong các loại rau thủy sinh thì có hai loại ký sinh trùng chính đó là sán lá gan lớn Fasciola và sán lá ruột lớn Fasciolopsis. Hai loại sán này đi vào cơ thể qua đường ăn uống, cụ thể là ăn các loại rau thủy sinh sống và tái, làm nộm, gỏi…ấu trùng 2 loài sán này chui vào trong gọng rau nên rửa không sạch ấu trùng được, chú ý khi ăn lẩu mà chỉ nhúng qua thì ấu trùng vẫn sống và gây bệnh.
Sán lá ruột lớn chỉ sống ở ruột nhưng sán lá gan lớn thường ký sinh ở gan nhưng chúng có thể ký sinh nhiều nơi khác như phổi, màng phổi, tuyến vú, khớp, dưới da hay tinh hoàn, buồng trứng …tạo nên các ổ tổn thương ở đó.
“Tôi đi qua các hàng quán và nhìn thấy những rổ rau muống chẻ, rau ngổ xanh non, bắt mắt và chắc chắn ăn cũng rất thơm ngon. Tuy nhiên, tôi dám khẳng định rằng, việc ăn sống trực tiếp những loại rau đó thì nguy cơ nhiễm ký sinh trùng là rất cao”, GS Đề nói.
Không chỉ hàng quán, ngay tại các gia đình dù đã dùng các loại dung dịch, hóa chất hay rửa kỹ từng ngọn rau muống, rau cần hay từng lá rau ngổ trước khi ăn, nhưng điều đó chỉ yên tâm về mặt tâm lý. Còn thực tế với các loại rau thủy sinh dù có rửa thế nào cũng không thể sạch được ký sinh trùng.
Ăn rau sống dù thơm ngon nhưng nguy cơ nhiễm ký sinh trùng là rất cao. (Ảnh minh họa)
“Bản chất sán lá gan lớn không ký sinh trên lá rau, mà chúng ký sinh ở thành thân rau, hoặc ở bên trong các thân cây rau. Do vậy, chúng ta có rửa sạch đến mấy cũng không hết được ký sinh trùng”, GS Để nhận định.
- Đối với rau trên cạn: Loại rau này hầu hết là nhiễm trứng giun đũa chó mèo, nguyên nhân là do khi chó mèo đi ngoài chúng ta không thể quản lý được. Đáng lưu ý, trứng loại ký sinh trùng này còn bay cả trong bụi chứ không phải chỉ có ở trong đất, trong rau. Đó là lý do vì sao nhiều gia đình dù không nuôi chó mèo nhưng vẫn bị nhiễm loại ký sinh trùng này.
“Một nghiên cứu của tôi cùng làm với các đồng nghiệp ở Nhật Bản cho thấy, bụi ở Hà Nội có rất nhiều trứng giun đũa chó mèo. Đôi khi chỉ một cơn gió đi qua, hay xe chạy qua đường cũng sẽ cuốn theo bụi và bụi đó sẽ dính vào rau”, GS Đề chia sẻ.
Một vấn đề nữa với rau trên cạn, ngoài mầm bệnh giun đũa chó mèo còn nhiều mầm bệnh giun sán khác như trứng sán dây lợn gây bệnh ấu trùng sán lợn, trứng giun đũa, giun tóc, ấu trùng giun lươn ruột Strongyloides và ấu trùng giun lươn não Angiostrongylus. Loại ấu trùng Angiostrongylus này có nhiều trong ốc sên, khi ốc sên bò vào rau thơm hay rau lá các loại chúng dải nhựa trên lá rau, nếu chúng ta không rửa sạch, ăn sống sẽ bị nhiễm loại ký sinh trùng này.
Có trường hợp không ăn rau sống nhưng vẫn nhiễm ký sinh trùng trong quá trình nhặt rau. Ảnh minh họa.
Không bao giờ ăn rau sống nhưng vẫn nhiễm ký sinh trùng
Qua thực tế khám chữa bệnh, GS Nguyễn Văn Đề đã từng gặp trường hợp khẳng định không bao giờ ăn sống, nhất là rau sống nhưng vẫn bị nhiễm ký sinh trùng. Đó là một nữ bệnh nhân 37 tuổi, ở Hà Nội bị đau thượng vị âm ỉ trong một thời gian dài, sau khi được bạn giới thiệu đến khám GS Đề và cho làm xét nghiệm mới phát hiện, ngoài dương tính với giun thông thường như giun móc/mỏ, chị còn dương tính với giun lươn ở ruột Strongyloides, 2 loài này đều nhiễm vào người qua da, không do ăn uống.
Nữ bệnh nhân chia sẻ, bản thân không bao giờ ăn đồ sống, kể cả là các loại rau sống thông thường. Do công việc làm chuyên về chế biến thực phẩm (bếp ăn công ty nước ngoài) nên nữ bệnh nhân thường xuyên phải tiếp xúc với nguồn rau tươi mới được nhập về và hàng ngày phải cùng các đồng nghiệp phân loại, nhặt rau, chế biến thực phẩm để nấu suất ăn.
“Giun lươn có thể lây qua da, vì thế nếu rau có ấu trùng giun lươn khi nhặt không có đồ bảo hộ (găng tay) thì rất dễ bị lây nhiễm. Ngoài ra, giun lươn còn có ở trong đất, quá trình tiếp xúc đất không có bảo hộ thì chúng cũng có thể lây qua da. Đó là lý do vì sao có người ăn uống sạch, không bao giờ ăn rau sống nhưng vẫn nhiếm ký sinh trùng”, GS Đề phân tích.
Đối với thuốc tẩy giun, GS Đề cho rằng thuốc tẩy giun thông thường chỉ có tác dụng với giun đũa, giun móc, giun tóc, giun kim chứ không diệt được giun sán trong mô/tạng. Đương nhiên là kháng sinh không chữa được bệnh giun sán. Do đó, việc đi khám phát hiện chính xác loại ký sinh trùng nào minh bị nhiễm từ đó điều trị đúng thuốc là rất quan trọng.
Đối với phòng bệnh, GS Đề khuyến cáo người dân nên ăn chín, uống sôi, quá trình lao động làm việc nên có đồ bảo hộ. Ngoài ra, nên đi khám sức khỏe trong đó có kiểm tra, làm xét nghiệm về ký sinh trùng để được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn