Đăng tải thông tin không có thật để kêu gọi từ thiện
Ngày 4/2, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên đã phát đi thông báo, cảnh báo người dân về việc có tình trạng kêu gọi quyên góp tiền chữa bệnh cho bệnh nhân không đúng sự thật.
Bệnh viện cho biết, trước đó, trên một số Fanpage và hội nhóm mạng xã hội facebook đăng tải thông tin kêu gọi sự chung tay của cộng đồng để quyên góp giúp bệnh nhân 8 tuổi ở Điện Biên do bị tai nạn giao thông dẫn đến trong não có máu bầm, phải mổ gấp.
Thậm chí, tài khoản này còn đăng tải hình ảnh giấy "xác nhận nằm viện" thể hiện do Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên cấp với nội dung: Bệnh nhân có tên là: Hoàng Trọng Hiếu, sinh năm 2015; Người thân là: Hoàng Công Trường. Bệnh nhân nhập viện ngày 1/2/2023, được chẩn đoán: Máu bầm trong não, hôn mê lúc nhập viện. Phương pháp điều trị: Phẫu thuật lấy máu bầm; chi phí phẫu thuật: 20 triệu đồng; đã tạm ứng: 15 triệu đồng. Cuối bài viết là số điện thoại gia đình và số tài khoản nhận ủng hộ.
Sau khi nhận được thông tin, Bệnh viện xác minh và xác định toàn bộ nội dung và hình ảnh của bệnh nhân tên Hoàng Trọng Hiếu được đăng tải trên mạng xã hội là không có thật. Bệnh viện cũng không có bác sĩ nào tên là Huỳnh Minh Thu như giấy xác nhận tình trạng bệnh và số tiền còn thiếu để phẫu thuật.
Bệnh viện cho rằng, việc ủng hộ cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn là việc làm rất tốt, mang nhiều tính nhân văn. Tuy nhiên, để lòng tốt đặt đúng chỗ, người dân và các nhà hảo tâm cần thận trọng tìm hiểu, xác minh, kiểm chứng kỹ nội dung thông tin để hỗ trợ đúng người.
Trước đó, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) cũng phát đi thông tin cảnh báo tình trạng mượn danh bệnh viện để lừa gạt qua mạng xã hội. Theo đó, những đối tượng này liên tục đưa thông tin về các trường hợp bệnh nhân đang lâm vào cảnh ngặt nghèo, nhất là trẻ em, đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy để kêu gọi quyên góp. Thậm chí, các bài viết còn kèm hình ảnh bệnh nhi, giấy nhập viện, giấy báo chi phí phẫu thuật, biên lai thu tiền tạm ứng và thông tin cụ thể về số tài khoản nhận tiền hỗ trợ.
Tuy nhiên, qua xác minh của Bệnh viện, toàn bộ nội dung và hình ảnh của bệnh nhân được đăng tải là giả. Đồng thời, hình ảnh các hóa đơn, chứng từ trong bài viết kêu gọi quyên góp cũng không đúng sự thật.
Có thể bị xử lý hình sự
Trước đó, Công an thị xã Thái Hòa (Nghệ An) đã bắt giữ Phan Văn Tài (SN 1996, trú xã Giang Sơn Tây, huyện Đô Lương, Nghệ An) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng xã hội.
Tại cơ quan công an, Phan Văn Tài khai đã sử dụng nhiều tài khoản Facebook để đăng tải các bài viết sai sự thật trong các hội, nhóm từ thiện. Cụ thể là thông tin một cháu bé tại tỉnh Bắc Giang bị bố đẻ chém trọng thương, sau đó kêu gọi mọi người ủng hộ từ thiện. Tiến hành xác minh thông tin này, cơ quan công an đã làm rõ đây là nội dung không đúng sự thật.
Bằng thủ đoạn này, từ tháng 6/2021 đến khi bị bắt, Phan Văn Tài đã lừa đảo được hơn 1.600 người trên cả nước, chiếm đoạt số tiền 255 triệu đồng.
Liên quan đến hành vi này, Công an tỉnh Nam Định đã bắt giữ Cao Thị Hoài (23 tuổi, trú tại xã Giao Nhân, huyện Giao Thủy) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Theo đó, Hoài thường xuyên vào các trang mạng xã hội của những người đang làm thiện nguyện cho trẻ sơ sinh thương vong, tìm những hình ảnh thương tâm về những thai nhi xấu số. Sau đó, Hoài sao chép về Facebook cá nhân và đăng bài kêu gọi từ thiện với lý do được đưa ra là để mua đất, vật tư, phục vụ việc mai táng cho những thai nhi xấu số.
Để tạo niềm tin, Hoài còn đăng tải những hình ảnh đang xây dựng mộ phần cho các bé để tăng mức độ chân thật, lay động lòng trắc ẩn của những nhà hảo tâm. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, sau khi nhận được tiền từ thiện của gần 700 nhà hảo tâm, Hoài không chuyển cho bất cứ cá nhân, gia đình, tổ chức nào mà sử dụng để chi tiêu cá nhân. Tổng số tiền Hoài chiếm đoạt của những nhà hảo tâm là gần 270 triệu đồng.
Luật gia Trần Nhật Minh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, hành vi đăng tải thông tin kêu gọi từ thiện nhưng người bệnh không có thật nhằm mục đích nhận tiền của nhà từ thiện có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm.
Cụ thể: Trường hợp quyên góp tiền của người khác với lý do làm từ thiện nhưng lại không dùng khoản tiền đó cho mục đích từ thiện mà nhằm chiếm đoạt thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, căn cứ Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP "Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác", người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đến 2 triệu đồng; áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu số tiền đã quyên góp được.
Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Trộm cắp tài sản;
+ Công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác;
+ Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác;
+ Sử dụng trái phép tài sản của người khác.
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác;
+ Gây mất mát, hư hỏng hoặc làm thiệt hại tài sản của Nhà nước được giao trực tiếp quản lý;
+ Dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản;
+ Gian lận hoặc lừa đảo trong việc môi giới, hướng dẫn giới thiệu dịch vụ mua, bán nhà, đất hoặc các tài sản khác;
+ Mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó do vi phạm pháp luật mà có.
+ Chiếm giữ trái phép tài sản của người khác.
(Nghị định 167/2013/NĐ-CP)
Ngoài ra, người vi phạm có thể bị xử phạt bổ sung bằng hình thức tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.
Cũng theo Luật gia Trần Nhật Minh, ngoài xử hành chính, người ăn chặn tiền tự thiện nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự 2015.
Tuy nhiên, để có căn cứ xử lý hình sự đối tượng kêu gọi góp tiền từ thiện nhằm mục đích trục lợi, cơ quan chức năng cần có chứng cứ chứng minh người bị lừa đã chuyển tối thiểu 2 triệu đồng vào tài khoản cho đối tượng. Trường hợp số tiền chuyển dưới 2 triệu đồng thì phải xét thuộc những trường hợp được liệt kê tại Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Việc chuyển tiền có thể chứng minh bằng các tin nhắn chuyển tiền điện tử hoặc sao kê của ngân hàng… Người phạm tội sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Như vậy, mức phạt đối với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể lên đến 20 năm tù, thậm chí là tù chung thân. Ngoài ra, tội phạm còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần tài sản hoặc toàn bộ tài sản.
Ngoài ra, người ăn chặn từ thiện cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại điều 175 Bộ luật hình sự 2015 với mức phạt tù cao nhất lên đến 12 năm. Ngoài ra, tội phạm có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Luật gia Trần Nhật Minh khuyến cáo, nếu muốn từ thiện, các nhà hảo tâm nên lựa chọn các quỹ, chương trình từ thiện do Nhà nước, đoàn thể; quỹ từ thiện được cơ quan có thẩm quyền cấp phép để tránh bị kẻ xấu lợi dụng lòng tin để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Nếu phát hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua hoạt động từ thiện, cần báo cho cơ quan công an để kịp thời xử lý.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn