Gần đây, chị Trần Phương Lan (ngụ quận Tân Bình, TPHCM) đã phát hoảng khi phát hiện cậu con trai học lớp 9 hút thuốc lá điện tử.
"Tôi hỏi thì cháu nói là nhiều bạn cũng hút thuốc lá điện tử, không gây hại gì cả. Nhưng không phải vậy, tôi được biết thành phần thuốc lá điện tử có chứa nicotine, một chất gây nghiện có thể tác động xấu đến phát triển não bộ của trẻ. Tôi đã giải thích cặn kẽ về tác hại của thuốc lá điện tử và đang làm nhiều cách để mong con tránh xa loại thuốc lá độc hại này", chị Lan chia sẻ.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Hằng (ngụ quận 8, TPHCM) bày tỏ lo ngại trước thực trạng ma túy được pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm chức năng, kẹo, đồ uống như nước xoài, nước tăng lực…
"Con trai tôi năm nay 12 tuổi. Tôi có kiểm soát việc ăn uống, sử dụng các loại thực phẩm, bánh kẹo của con nhưng thật sự khó kiểm soát hết được. Ngay trước cổng trưởng có bán nhiều loại bánh kẹo, đồ uống mà bản thân tôi không biết loại nào có chất cấm. Tôi hy vọng cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý vấn đề này", chị Hằng bày tỏ.
Tại hội thảo cung cấp thông tin về các vấn đề liên quan đến mua bán, sử dụng thuốc lá mới được tổ chức vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, tại Việt Nam trong 3 năm trở lại đây, số lượng người sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, hút thuốc lá điện tử ở trẻ em gái độ tuổi vị thành niên, thanh niên, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản sẽ gây ra các hệ lụy về sức khỏe sinh sản và chất lượng giống nòi. Một số khảo sát trong cộng đồng sử dụng thuốc lá điện tử cho thấy mối liên quan giữa sử dụng thuốc lá điện tử với các tệ nạn xã hội khác như ma túy, hút shisha và các chất gây nghiện khác.
Theo thống kê của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội), hiện nay, khoảng 95% người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp, trong số này có 70%-75% là giới trẻ, học sinh, sinh viên (độ tuổi từ 17 đến 35).
Công an TPHCM cho biết, thời gian gần đây, tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn diễn biến rất phức tạp. Đặc biệt, trên địa bàn cả nước nói chung và TPHCM nói riêng xuất hiện một số dạng ma túy mới, gây ra các tác hại không nhỏ đến sức khỏe của học sinh, sinh viên như chóng mặt, buồn nôn, ngất xỉu…
Tội phạm sử dụng ma túy ngụy trang, núp bóng dưới hai dạng. Dạng thứ nhất là ma túy được pha trộn, tẩm ướp, đóng gói trong các loại hàng hóa (bánh, kẹo, thực phẩm chức năng, dược phẩm...).
Dạng thứ hai, các đối tượng chế biến, sản xuất những loại ma túy mới, chưa có trong danh mục cấm pha, trộn trong dung dịch thuốc lá điện tử rồi buôn bán, lôi kéo người dân sử dụng trái phép.
Đặc biệt, tội phạm ma túy thường sử dụng công nghệ thông tin, internet để trao đổi, mua bán và rút ngắn thời gian giao dịch với độ bảo mật cao.
Bên cạnh đó, các đối tượng này thay đổi phương thức giao dịch, vận chuyển bằng cách sử dụng các đơn vị vận chuyển trung gian như xe công nghệ, từ đó gây nhiều khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra của cơ quan chức năng.
Cá biệt, các đối tượng còn bán tại các cơ sở giáo dục, trường đại học, trung học… nhằm lôi kéo, dụ dỗ học sinh, sinh viên sử dụng chất ma túy.
Công an TPHCM đề nghị các bậc phụ huynh cần khuyến cáo con em trong độ tuổi thanh, thiếu niên không tham gia tàng trữ, sử dụng các chất ma túy, đặc biệt loại ma túy mới như thuốc lá điện tử, các dạng thực phẩm chức năng, thuốc kích thích tinh thần không rõ nguồn gốc hoặc chưa được chính quyền cấp phép lưu hành tại Việt Nam.
Ngoài ra, cha mẹ cần thường xuyên quan tâm, sớm phát hiện những biểu hiện bất thường về giờ giấc sinh hoạt, tâm sinh lý của con để kịp thời có biện pháp động viên, ngăn chặn nếu nhận thấy con sử dụng các thực phẩm, chất kích thích không rõ nguồn gốc.
Một số dấu hiệu nhận biết người sử dụng ma túy
- Thay đổi bất thường về giờ giấc sinh hoạt, thức khuya, đêm ít ngủ, dậy trễ, ngày ngủ nhiều.
- Đi lại có quy luật, mỗi ngày cứ đến một giờ nhất định dù đang bận việc gì cũng tìm cách kiếm cớ để đi. Thường tụ tập nhóm đi bar, vũ trường, thường xuyên sử dụng thuốc lá điện tử; khi ở nhà, ít tiếp xúc với người khác; hay ngáp vặt, người lừ đừ, mệt mỏi, lười lao động, không chăm lo vệ sinh cá nhân, lười tắm. Nếu là học sinh thì đi học muộn, trốn học, học lực giảm sút, ngồi học trong lớp hay ngủ gà ngủ gật.
- Nhu cầu tiêu tiền ngày một nhiều, sử dụng tiền không có lý do chính đáng, thường xuyên xin tiền người thân, hay bán đồ đạc cá nhân và gia đình.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn