Cảnh báo nguy cơ tử vong khi nhiễm tụ cầu vàng

17:58 | 01/06/2018;
Những thực phẩm dễ bị nhiễm tụ cầu vàng là trứng, thịt gia súc, gia cầm, salad, các loại bánh nướng có kem, các sản phẩm từ sữa. Tuy nhiên, hiện chưa có vaccine để phòng tụ cầu vàng. Nên giải pháp đề phòng tốt nhất là rửa tay bằng xà phòng với nước sạch.
Mới đây, gần 40 học sinh tại Quảng Ngãi đã bị ngộ độc thực phẩm phải nhập viện. Cơ quan chức năng đã xác định, các mẫu thực phẩm mà số học sinh trên sử dụng bị nhiễm vi sinh tụ cầu vàng và đây là nguyên nhân dẫn đến vụ ngộ độc thực phẩm nói trên.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tụ cầu vàng hay còn gọi với tên La - tinh là Staphylcocs aureus, có đường kính là khoảng 0.8-1 micromet. Loại vi khuẩn này thường tập trung như chùm nho. Khi vi khuẩn này xâm nhập vào cơ thể qua các lỗ hở như một vết cắt hoặc phát ban, nó có thể gây ra nhiễm trùng sâu bên, trong rất nguy hiểm.
Có rất nhiều nguyên nhân gây nhiễm tụ cầu vàng. Theo đó, người lành chạm vào da hoặc cơ thể người mang tụ cầu vàng. Bệnh nhân có thể nhiễm tụ cầu vàng do tiếp xúc với hơi thở, nước bọt, nước mũi, giọt bắn khi người mang tụ cầu vàng ho, khạc nhổ. Người khỏe mạnh khi chạm vào những vết cắt, vết thương hở trên cơ thể những người nhiễm tụ cầu vàng cũng có thể bị nhiễm bệnh. Ngoài ra, mọi người đều có thể bị ngộ độc khi ăn phải những thức ăn bị nhiễm tụ cầu vàng. Những thực phẩm dễ bị nhiễm tụ cầu vàng nhất là: Trứng, thịt gia súc, gia cầm, salad (có trứng, cá ngừ, thịt gà, khoai tây, mỳ ống), các loại bánh nướng có kem, các sản phẩm từ sữa,…
636240658767747354.jpg
Vi khuẩn tụ cầu vàng thường tập trung như chùm nho

Khi bị nhiễm tụ cầu vàng, bệnh nhân có thể dễ mắc các bệnh nhiễm trùng da. Khi đó, vùng da của bệnh nhân có thể sưng, phát ban, lở loét hoặc đi kèm với các mụn nước, chứa đầy mủ. Nếu như tụ cầu vàng xâm nhập vào máu, bệnh nhân có thể bị sốt cao, kèm theo mệt mỏi, đau đầu. Khi bệnh đã nặng bệnh nhân sẽ có các biểu hiện như chốc lở, viêm mô tế bào trên da; viêm tủy xương, viêm phổi, thậm chí khi chúng xâm nhập vào máu có thể bị nhiễm khuẩn huyết gây sốc hay suy đa phủ tạng và dẫn tới tử vong.

Khi bị tụ cầu vàng, bác sĩ sẽ điều trị bằng cách cho bệnh nhân sử dụng kháng sinh. Tuy nhiên, ngày này do việc sử dụng kháng sinh tùy tiện, không theo chỉ định đã gây nên tình trạng kháng kháng sinh khiến cho việc điều trị các nhiễm trùng gây nên bởi tụ cầu vàng trở nên khó khăn.
Trong trường hợp, bệnh nhân sử dụng kháng sinh nhưng tình trạng bệnh vẫn không cải thiện hoặc cảm thấy ngày càng mệt mỏi, khó chịu hơn, hãy đến khám các bác sĩ, bạn sẽ cần dùng kháng sinh qua đường tĩnh mạch (tiêm, truyền).
Nếu bệnh nhân điều trị tại nhà, cần phải điều trị đúng theo phác đồ của các bác sĩ. Khi bệnh đã đỡ, bệnh nhân vẫn phải dùng đúng và đủ lượng kháng sinh mà không được tự ý bỏ thuốc, bởi có thể sẽ làm các triệu chứng bệnh nhanh chóng tái phát.
Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, hiện chưa có Vaccine phòng bệnh do tụ cầu vàng gây ra. Tuy nhiên, người dân có thể để phòng bằng cách rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch để tránh nhiễm khuẩn. Nếu đang nằm viện, bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ các qui định về rửa tay và điều trị thuốc kháng sinh theo yêu cầu của các bác sĩ hoặc điều dưỡng; tránh tiếp xúc gần với người mắc bênh, cần làm sạch các vết xước, vết cắt và vết thương trên da để giảm thiểu nguy cơ tụ cầu vàng xâm nhập qua những vết thương hở này.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn