Dựa trên kết quả của các nghiên cứu dịch tễ lớn, nhiều cơ quan và tổ chức y tế trên thế giới cho rằng việc sử dụng đường hóa học (chất tạo ngọt nhân tạo) là an toàn đối với con người. Chẳng hạn, có tới 6 loại đường hóa học khác nhau đã được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ chấp thuận sử dụng bởi tính an toàn nếu tiêu thụ hằng ngày ở mức độ vừa phải.
Chính những điều này đã khiến việc sử dụng đường hóa học với vai trò là một thành phần trong các loại thực phẩm ngày càng trở nên phổ biến hơn. Người ta thống kê rằng, khoảng 41,4 % số người trưởng thành và khoảng 25,1% trẻ em ở Mỹ có sử dụng đường hóa học trong chế độ ăn hằng ngày.
Tuy nhiên một nghiên cứu quan sát lớn mới đây cho thấy có mối liên hệ giữa các bệnh lý ung thư và việc sử dụng đường hóa học. Cụ thể, nguy cơ mắc ung thư trung bình có thể tăng lên đến 13% ở những người sử dụng đường hóa học. Trong đó chiếm tỷ lệ cao nhất thường là các loại ung thư liên quan đến béo phì hoặc ung thư vú.
Theo Tiến sĩ Philip Landrigan đến từ Viện Khoa học Tổng hợp Schiller, những nghiên cứu trên động vật đã cung cấp các bằng chứng chắc chắn về khả năng gây ung thư của aspartame. Chẳng hạn khi một con chuột cái đang mang thai sử dụng aspartame dù chỉ với liều rất thấp cũng sẽ khiến nguy cơ mắc ung thư của chuột con tăng lên rất cao.
Với tư các là một bác sĩ nhi khoa khiến cho ông đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có sự xác nhận chắc chắn về mặt dịch tễ học về mối liên hệ giữa đường hóa học với bệnh ung thư. Do đó, nghiên cứu mới này rất quan trọng và có ý nghĩa lớn đối với sức khỏe của cộng đồng.
Nghiên cứu mới về tác hại của đường hóa học là thành quả hợp tác giữa các nhà khoa học đến từ các đơn vị hàng đầu ở nước Pháp. Các đơn vị này bao gồm Trường Đại học Pari 13, Viện Quốc gia về Nghệ thuật và nghề nghiệp Pháp, Viện nghiên cứu Nông nghiệp - Thực phẩm - Môi trường Pháp.
Để tiến hành nghiên cứu, các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu của 102 865 người trưởng thành tham gia. Những người tham gia sẽ được theo dõi liên tục trong 7-8 năm kể từ thời điểm bắt đầu ghi nhận dữ liệu vào năm 2009.
Theo kết quả thu được, lượng tiêu thụ đường hóa học trung bình ở những người tham gia được ghi nhận là 79,43 mg/ngày. Những người tham gia có mức tiêu thụ đường hóa học cao hơn 18 mg/ngày so với mức tiêu thụ trung bình sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Theo Trưởng nhóm nghiên cứu - Tiến sĩ Charlotte Debras, những phát hiện trong nghiên cứu này là đầu tiên từ trước cho đến nay.
Bởi trong quá khứ mới chỉ có một số nghiên cứu quan sát chỉ ra rằng đường nhân tạo có trong các loại thức uống giữ vai trò đối với sự phát triển của ung thư, làm tăng nguy cơ ung thư. Hoặc các mô hình nghiên cứu trên động vật và các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm chứng minh khả năng gây ung thư của đường hóa học.
Tuy nhiên, vẫn chưa có bất kỳ nghiên cứu thuần tập nào từng được thực hiện để đánh giá mối liên hệ giữa hàm lượng sử dụng đường hóa học của một người, loại đường hóa học sử dụng với nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Để tìm kiếm đâu là loại đường hóa học dễ gây ung thư nhất, nhóm nghiên cứu đã phân tích nguy cơ tổng thể khi sử dụng các loại đường nhân tạo nói chung. Sau đó, họ tiến hành phân tích riêng cho những loại đường hóa học thường được sử dụng nhất (acesulfame-K, aspartame và sucralose) và tiến hành đối chiếu.
Phân tích cho thấy rằng nguy cơ mắc ung thư do sử dụng acesulfame-K, aspartame cao hơn khi đem so sánh với các loại đường hóa học khác.
Nhưng theo Tiến sĩ Mathilde Touvier - Giám đốc Nhóm nghiên cứu Dịch tễ học Dinh dưỡng thuộc Đại học Đại học Sorbonne, mối liên hệ giữa acesulfame-K và aspartame với bệnh ung thư quan sát được nên được xem xét một cách thận trọng. Bởi sự khác biệt này rất có khả năng chỉ do acesulfame-K, aspartame là hai loại đường hóa học thường xuyên được sử dụng nhất trên thực tế mà thôi.
Trong khi đó, các biện pháp thống kê có thể chưa đủ sức mạnh để đánh giá mối quan hệ giữa sucralose với bệnh ung thư. Đồng thời nhóm nghiên cứu cũng không thể đánh giá được vai trò của các chất tạo ngọt khác do số lượng người sử dụng quá ít. Vì vậy, không thể đưa ra được kết luận đâu là loại đường hóa học dễ gây ung thư nhất.
Tiến sĩ Charlotte Debras cho biết, nhóm nghiên cứu đã cố gắng điều chỉnh các biến số gây nhiễu, bao gồm cả các yếu tố trong chế độ dinh dưỡng như năng lượng, chất xơ, đường, ngũ cốc nguyên hạt, sữa, rượu, chất béo,... để hạn chế sai lệch kết quả. Tuy nhiên, hiện tượng nhiễu vẫn không thể được loại bỏ một cách triệt để.
Ngoài ra, kết quả của nghiên cứu này cũng không cho phép đưa ra được một mối quan hệ nhân quả hay thiết lập một ngưỡng liều lượng sử dụng mà tại đó rủi ro sẽ xuất hiện. Vì thế, kết quả này cần phải được mở rộng trong các nghiên cứu khác, những quốc gia và cơ sở khác trong tương lai.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn