Theo đánh giá của Bộ Công an, lợi dụng việc học sinh được gia đình trang bị các thiết bị công nghệ hiện đại để học trực tuyến, kẻ xấu đã dụ dỗ, lôi kéo các em vào các hội nhóm kín, trong đó có mại dâm trá hình dưới hình thức "sugar baby - sugar daddy". Thời gian qua, lực lượng công an tại nhiều địa phương, đặc biệt là Hà Nội đã triệt phá nhiều đường dây mại dâm dưới hình thức này.
Tháng 10/2021, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) triệt phá đường dây mại dâm, bắt giữ "tú ông" Hà Trọng Thắng (SN 1993, quê Quảng Nam) của nhóm "sugar baby-sugar daddy" trên mạng xã hội.
Theo điều tra, khoảng đầu tháng 6/2021, thông qua mạng xã hội Facebook, Thắng biết có nhiều khách nam muốn mua dâm theo hình thức "gặp gỡ yêu thương có thời gian cụ thể", tức là mua bán dâm trả tiền theo tháng. Thắng lập group mang tên Sugar Baby và đăng bài với nội dung kết nối sugar daddy (khách mua dâm) với sugar baby (gái bán dâm), cam kết "uy tín, kín đáo, thành công".
Thắng môi giới bằng phương thức lấy thông tin từ "sugar baby", bao gồm thông tin về tên tuổi, địa chỉ, nghề nghiệp, hình ảnh ngoại hình, sau đó sẽ gửi cho "daddy" có nhu cầu mua dâm lựa chọn. Khi khách "chốt" được "baby", Thắng sẽ là người gián tiếp kết nối, hỏi "baby" về mức chu cấp hàng tháng, số lần gặp mặt trong một tháng để thực hiện quan hệ tình dục. Khi có thông tin, Thắng chia sẻ lại với "daddy" về các điều kiện của "baby", nếu "daddy" đồng ý thì Thắng sẽ để 2 người kết bạn Zalo với nhau và hẹn gặp mặt.
Sau khi môi giới thành công, khách mua dâm sẽ phải "cắt phế" cho Thắng số tiền 2 triệu đồng, còn gái bán dâm là 1 triệu đồng. Về phía gái bán dâm, sẽ đưa ra các mức giá để "daddy" chu cấp dao động khoảng từ 15 - 20 triệu đồng/tháng. Tương ứng từ 4 - 8 lần gặp (quan hệ tình dục).
Hình thức mại dâm "sugar baby - sugar daddy" là hình thức mại dâm biến tướng thông qua mạng xã hội. Trong đó, có những em, có cả nam và nữ chụp ảnh đưa lên mạng sau khi kết bạn vào một group là nhóm kín, nhóm này sau đó chia sẻ hình ảnh của nhau. Các đối tượng sẽ vào nhóm này rồi mồi chài các em sử dụng hình ảnh như thế này, hay quan hệ với những người như thế này sẽ được một khoản tiền trong một tháng.
Các đối tượng cũng dùng hình ảnh của các em để mồi chài người mua dâm dưới 16 tuổi. Hình thức này, đối tượng môi giới không xuất hiện, hoàn toàn sử dụng mạng xã hội nên rất khó trong quá trình điều tra. Việc mua bán này hoàn toàn được sự đồng ý của các bên. Sau khi đối tượng môi giới thành công, có được một khoản tiền sẽ khóa ngay tài khoản facebook nên có nhiều đối tượng cơ quan điều tra bị mất dấu.
Theo cơ quan điều tra, các đối tượng mua dâm (daddy) thường hẹn nạn nhân ở một thời điểm, hay địa điểm nào đó do đối tượng chọn trước, mỗi tháng chỉ gặp nhau một vài lần... Do vậy, đây là hình thức mại dâm không diễn ra theo quy luật, các nạn nhân không phải là đối tượng bị bắt trong các đường dây mại dâm, hoặc có lịch sử mua bán mại dâm nên rất khó khăn trong quá trình đấu tranh.
Theo cơ quan công an, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều học sinh, sinh viên được trang bị mạng, máy tính để học trực tuyến, đây chính là điều kiện thuận lợi để các đối tượng xấu tiếp cận, dụ dỗ, lôi kéo vào bán dâm và tham gia các đường dây mại dâm theo dạng "Sugar baby - Sugar daddy". Thống kê của lực lượng chức năng trong 9 tháng năm 2021, trên cả nước xảy ra khoảng 1.700 vụ với gần 2.000 đối tượng, xâm hại hơn 1.800 em, trong đó xâm hại tình dục chiếm khoảng 80% tổng số vụ.
Một số đối tượng sử dụng mạng xã hội, lập các nhóm kín để tiếp cận, làm quen, dụ dỗ các trẻ em gái từ 14-16 tuổi tham gia vào đường dây môi giới mại dâm và đăng các hình ảnh, các clip khoe thân thể gửi cho khách hàng mua dâm hoặc dụ dỗ, mua chuộc trẻ em để thực hiện hành vi xâm hại (chiếm 15% tổng số vụ); một số vụ việc xảy ra tại các cơ sở, nhà hàng kinh doanh dịch vụ (ăn uống, massage, karaoke...), trang trại trại chăn nuôi, cơ sở sản xuất mộc, cơ khí... có thuê phục vụ là người dưới 16 tuổi.
Thượng tá Phạm Mai Hiên, Phó trưởng phòng Phòng chống mua bán người, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an, chia sẻ kinh nghiệm với phụ huynh để nhận diện và bảo vệ con em mình. Theo bà Hiên, chúng ta đang sống trong thời đại 4.0, mạng xã hội được dùng để phục vụ cho mọi công việc từ học tập, sinh hoạt và đời sống... Đặc biệt, trong một năm qua do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, trẻ em chủ yếu tương tác và học trực tuyến. Nhiều em dưới 16 tuổi bị gián đoạn thời gian học hành, hoặc không đi học.
"Tôi nghĩ phụ huynh phải thường xuyên đồng hành, hỗ trợ và theo sát con trong cả quá trình học tập, cũng như giao lưu kết bạn với bạn bè trên mạng xã hội. Yêu cầu đầu tiên là gia đình, bởi gia đình mới có thể định hướng cho các con và biết những điều lệch lạc nếu các con tham gia vào các hội nhóm kín.
Nếu chúng ta không kiểm soát được việc con chúng ta sử dụng internet vào việc gì ngoài việc học thì các con rất dễ bị lôi kéo. Ngoài việc hướng dẫn, chúng ta phải trang bị thêm kỹ năng cho con và quan trọng nhất là giáo dục lối sống cho trẻ em để tránh xa các cạm bẫy có thể bị lợi dụng, hoặc có thể bị dụ dỗ qua mạng internet", thượng tá Phạm Mai Hiên khuyến cáo.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn