Cánh cửa đại học ngày càng hẹp với học sinh nông thôn?

10:00 | 26/01/2022;
Cô giáo Đỗ Hồng Nhung, trường THPT Quỳnh Thọ (Quỳnh Phụ, Thái Bình), chia sẻ, nhiều học sinh của cô lo lắng sẽ mất cơ hội vào đại học bởi các em là học sinh nông thôn, đa phần không có các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế nên chỉ dựa vào kết quả thi THPT. Khi chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả từ kỳ thi này giảm mạnh đồng nghĩa với cánh cửa vào đại học của các em cũng hẹp dần.

Sĩ tử "2k4" hoang mang

Thời gian này, trên các nhóm hội chia sẻ kinh nghiệm ôn thi cho "2k4" (sĩ tử sinh năm 2004), nhiều học sinh bày tỏ sự hoang mang khi các trường ngày càng sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển, chỉ tiêu được phân bổ khác nhau giữa các phương thức. Nhiều em cho biết không thể chỉ trông chờ vào kết quả thi THPT.

Khi đọc được thông tin năm học tới Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ dành 10-15% chỉ tiêu xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, em Trần Thị Mỹ, học sinh cuối cấp trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, Lộc Hà, Hà Tĩnh, tỏ ra khá lo lắng. Năm ngoái, tỷ lệ này là trên 50%. Năm nay, tỷ lệ này giảm mạnh đồng nghĩa với cơ hội để em đậu vào trường thu hẹp lại. Dù đạt điểm cao thì nữ sinh này không dám chắc mình có thể trúng tuyển hay không. Mỹ quyết định đăng ký tham gia thêm kỳ thi đánh giá năng lực. Hằng ngày, ngoài luyện các dạng bài theo cấu trúc đề của kỳ thi tốt nghiệp, Mỹ còn tìm hiểu thêm các bài thi năng lực trước đây của Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học quốc gia TPHCM.

Cô giáo Đỗ Hồng Nhung, trường THPT Quỳnh Thọ (Quỳnh Phụ, Thái Bình), cho biết, học sinh luôn coi bài thi đánh giá năng lực là nỗi ám ảnh bởi bài thi này là tổ hợp tất cả các môn. Học sinh phải học rộng kiến thức từ lớp 10-11-12 trong khi từ trước đến nay các em chỉ ôn theo các khối thi, các môn khác nhiều em chỉ học cho biết. Kiến thức thi dù nằm trong chương trình đã học nhưng vì không có định hướng ôn luyện nên học sinh cảm thấy rất mông lung. "Sau khi rà soát các tiêu chí tuyển sinh năm nay, nhiều em học sinh buồn bã nói rằng không biết cơ hội vào đại học của mình có còn không? Tôi hiểu nỗi lo lắng của các em bởi là những học sinh nông thôn, đa phần các em không có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế nên chỉ dựa vào kết quả thi THPT. Tuy nhiên, năm nay tỷ lệ xét tuyển vào ĐH bằng kết quả thi THPT lại giảm mạnh. Các em buộc phải tự ôn luyện để tham gia kỳ thi đánh giá năng lực, giáo viên hỗ trợ bằng cách dựa vào đề năm trước để minh họa. Phải cùng lúc hoàn thành tốt hai kỳ thi THPT và đánh giá năng lực thì các em mới có thể trúng tuyển vào ngôi trường mình mong muốn", cô giáo Hồng Nhung nhấn mạnh.

Cánh cửa đại học ngày càng hẹp với học sinh nông thôn? - Ảnh 1.

Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM. Ảnh minh họa: Hoàng Triều

Các trường mày mò, tìm hướng ôn tập cho học sinh

Thầy Vũ Đình Hà, Hiệu trưởng trường THPT Trần Hưng Đạo (Q.Thanh Xuân, Hà Nội), cho rằng, việc các trường đại học tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy sẽ làm khó cho học sinh và phụ huynh. Học sinh vừa phải ôn thi tốt nghiệp THPT vừa phải lo lắng chuẩn bị cho bài thi đánh giá năng lực. Các trường THPT cũng gặp không ít khó khăn trong công tác giảng dạy. "Vì mỗi trường đại học có một yêu cầu khác nhau, nên rất khó để chạy theo yêu cầu của từng trường. Vì vậy, chúng tôi xác định, nhiệm vụ chính của các giáo viên vẫn là tập trung giảng dạy, ôn tập để học sinh nắm chắc kiến thức, bám sát mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia", vị này nói.

Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Huệ (Tam Điệp, Ninh Bình), cô Đoàn Thị Kim Dung cho biết, nhà trường đã xây dựng chương trình học để vừa đảm bảo yêu cầu tốt nghiệp THPT tỉ lệ cao, vừa mở rộng kiến thức, kỹ năng để học sinh có thể đáp ứng các kỳ thi riêng. Cô Dung thông tin: "Từ năm ngoái, chúng tôi đã chủ động nghiên cứu đề thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội để cho học sinh làm quen, tiếp cận dần. Nhà trường cũng căn cứ vào đó xây dựng các bộ đề cho học sinh thi thử. Tuy nhiên, do học sinh chưa quen nên kết quả chưa cao".

Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Huệ cho rằng, để học sinh an tâm học tập, Bộ GD&ĐT cần có định hướng chung cho các trường đại học khi thiết kế nội dung đề thi đánh giá năng lực hoặc bài thi riêng. Bộ cần quy định rõ bài thi gồm bao nhiêu phần trăm kiến thức theo chương trình giáo dục phổ thông và kiến thức đặc thù của ngành. Bởi hiện tại để tháo gỡ khó khăn cho học sinh, các trường THPT đều phải tự mày mò, tìm hiểu đề thi cũ sau đó giao cho các bộ môn lên các bài thi cho các em ôn luyện.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn