Cảnh giác với một số căn bệnh thường gặp vào dịp Tết và mùa lễ hội

09:44 | 07/01/2020;
Mỗi năm cả nước có gần 8000 lễ hội được tổ chức trên khắp mọi nơi, chủ yếu là vào mùa xuân. Đây là thời điểm thời tiết diễn biến phức tạp, người tham gia dễ mắc các bệnh về đường hô hấp và phổ biến nhất là bệnh đường tiêu hóa do ăn uống tại nơi diễn ra lễ hội.

Thời điểm Tết và mùa lễ hội rơi vào mùa Xuân, thời tiết mưa nhiều ẩm ướt dễ khiến cơ thể gặp phải một số vấn đề nhất là bệnh về đường hô hấp và bệnh đường tiêu hóa.

Theo thống kê, mỗi năm cả nước có gần 8000 lễ hội được tổ chức trên khắp mọi nơi, chủ yếu vào mùa xuân. Những lễ hội có quy mô lớn, thu hút đám đông là điều kiện dễ lây lan dịch bệnh và gây ra nhiều vấn đề về an toàn trật tự.

Trong những ngày dịp Tết cận kề, việc ăn uống, vui chơi ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của con người. Do vậy cần chú ý giữ gìn sức khỏe vào thời điểm nhạy cảm này, chủ động có phương pháp phòng tránh cũng như quan tâm đến chế độ ăn uống, nghỉ ngơi để đảm bảo sức khỏe tốt nhất trong những ngày nghỉ.

Một số bệnh thường gặp vào mùa lễ hội:

1. Bệnh liên quan đến ăn uống mùa lễ hội

Tiêu chảy

Tiêu chảy là căn bệnh "đặc sản" của mùa lễ hội. Với đặc thù được tổ chức đa số ở ngoài trời, với chất lượng dịch vụ kém, mang tính chất tạm bợ, chật chội, thủ công, tự phát, kém trong khâu vệ sinh và an toàn thực phẩm...Điều này khiến các món ăn ở nơi tổ chức lễ hội thường dễ gặp các vấn đề về nhiễm khuẩn, ôi thiu và vệ sinh kém đảm bảo.

Tiêu chảy khi ăn uống tại những nơi tổ chức lễ hội là hiện tượng thường gặp ở nhiều người. Căn bệnh này có thể được phòng tránh bằng cách:

- Hạn chế/hoặc không ăn uống tại những nơi tổ chức lễ hội.

- Nên chủ động mang đồ ăn theo để hạn chế những rủi ro về đường tiêu hóa.

an toan thuc pham ngay tet 2

Nên cảnh giác với thực phẩm tại những nơi diễn ra lễ hộ (Ảnh: Internet)

Ngộ độc thực phẩm

Ngộ độc thực phẩm là bệnh lý xảy ra do thức ăn có chứa chất độc. Đây cũng là một căn bệnh dễ gặp tại các lễ hội. Sự đông đúc, dịch vụ kém chất lượng, dụng cụ ăn uống không được vệ sinh sạch sẽ, kết hợp với điều kiện thời tiết mưa nhiều, nồm ẩm; tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển, dễ khiến thực phẩm bị hỏng hoặc ôi thiu.

Ngoài ra, do khó kiểm soát vấn đề an toàn thực phẩm nên một số hàng quán tại lễ hội sử dụng chất bảo quản thực phẩm như hàn the, thuốc tạo màu...nhằm kiếm lợi nhuận, điều này khiến du khách dễ bị ngộ độc thực phẩm hơn.

Nên cẩn thận khi ăn uống tại lễ hội, nếu có hiện tượng đau bụng, đau quặn từng cơn, buồn nôn hoặc trong bụng khó chịu, ấm ách, cần cảnh giác vì có thể bạn đã bị ngộ độc thực phẩm do ăn uống kém đảm bảo.

Nếu nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm, có thể cấp cứu cho người bệnh bằng cách:

- Kích thích nôn bằng cách dùng 2 ngón tay của mình để ngoáy họng, có thể dùng thìa nhỏ hoặc tăm bông đưa vào gốc lưỡi.

- Khi bệnh nhân nôn, để đầu cúi thấp hơn ngực, tránh bị sặc vào phổi.

- Khi người bệnh đã nôn được, để cho người bệnh nằm nghỉ, sau đó hòa một gói orezol với nước hoặc pha nước muối đường cho người bệnh uống để bù và chống mất nước

- Uống bù nước có thể giúp làm loãng chất độc trong cơ thể

- Nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để tiến hành rửa dạ dày càng sớm càng tốt.

an toan thuc pham ngay tet 4

Nếu có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm, cần đi cấp cứu hoặc có phương án xử trí kịp thời (Ảnh: Internet)

2. Một số loại bệnh khác thường gặp mùa lễ hội

- Chấn thương: Với số lượng lên đến hàng nghìn lễ hội được tổ chức trong mùa xuân, kết hợp với mức độ đông đúc của người tham gia rất dễ gây ra hiện tượng chen lấn, xô đẩy và có nguy cơ cao gây ra các chấn thương cho du khách.

- Ngất xỉu: Những người có tiền sử mắc bệnh mạn tính như bệnh tim mạch, hen suyễn...không nên tham gia lễ hội nhất là những nơi tập trung đông người, thiếu oxy, nơi có nhiều khói hương cũng khiến người bệnh khởi phát cơn hen

- Bệnh truyền nhiễm: Người có sức đề kháng kém, trẻ nhỏ, người già và phụ nữ mang thai không nên (hoặc hạn chế) tham gia các lễ hội vì đây là nơi tập trung đông người rất dễ lây bệnh truyền nhiễm như cảm cúm, virus,...

Những người bị bệnh khớp cũng không nên tham gia nhiều lễ hội vì có thể làm tăng nặng những cơn đau do phải đi lại nhiều, leo dốc...

Để bảo vệ sức khỏe khi tham gia lễ hội, nên chú ý

- Không nên cho trẻ nhỏ đi những nơi đông người để hạn chế trẻ bị va chạm, ngã, hoặc lây bệnh tại đám đông. Phụ nữ mang thai cũng không nên đến những nơi đông người nhằm phòng tránh bệnh truyền nhiễm.

- Người có sức khỏe kém, đang ốm hoặc mắc các bệnh mãn tính như hen suyễn, viêm phổi, bệnh khớp không nên tụ tập tại các đám đông có thể làm tăng nặng triệu chứng

- Cần chú ý đảm bảo ăn uống khi tham gia lễ hội. Hạn chế ăn hàng rong hoặc các hàng quán vỉa hè

- Vệ sinh sạch sẽ, thay quần áo sau khi từ nơi đông người trở về để phòng tránh virus, vi khuẩn lây lan và trú ngụ trên cơ thể.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn