Trong vai người cần tìm việc làm, phóng viên Báo PNVN đã kết nối với một nickname tuyển dụng người lao động đi làm việc ở Myanmar, đối tượng này hỏi han thông tin của người cần việc làm, sau đó đưa ra hàng loạt thông tin về công việc và thu nhập rất hấp dẫn, như: Tìm người làm việc tại Chuỗi nhà hàng khách sạn FULLY LIGHT, với môi trường trẻ trung chuyên nghiệp và hiện đại, Chưa có kinh nghiệm sẽ được đào tạo. Bao ăn ở lại (Có ký túc xá đầy đủ tiện nghi). Thu nhập ổn định, chế độ hấp dẫn, nhiều khoản trợ cấp, thưởng nóng, thưởng Tết ghi nhận thành tích nhân viên định kỳ, tháng nghĩ 4 ngày, 6 tháng được về nước một lần, chi phí khi về đc hỗ trợ, mức thu nhập từ 25 - 50 triệu đồng/tháng.
Thời gian qua trên các nền tảng mạng xã hội xuất hiện tràn lan các thông tin tuyển dụng, đưa người đi làm việc tuyển người đi lao động ở các quán bar, nhà hàng, khách sạn ở trong nước và nước ngoài như Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar…với mức lương cao, để bẫy những nạn nhân cần tìm việc làm nhưng nhẹ dạ, thiếu thông tin nên có nguy cơ sập bẫy lừa đảo mua bán người rất cao.
Sau đó, đối tượng tuyển dụng việc làm online này tạo dựng một hồ sơ và nói chờ phê duyệt, nếu được duyệt thì sẽ có người liên hệ để tổ chức lên kế hoạch đón đưa người lao động đi làm việc qua hình thức đường hàng không, hoặc đường bộ, tùy thuộc vào vị trí nơi ở của người tìm việc làm.
Nếu nạn nhân sập bẫy, chúng sẽ ân cần chăm sóc, lấy thông tin làm hộ chiếu giả cho nạn nhân, rồi bí mật đưa qua biên giới thông qua các con đường bộ, lối mở, lối mòn.
Nhan nhản cạm bẫy lừa đảo mua bán người trên mạng xã hội
Tuy nhiên, dưới những bài đăng tin tuyển dụng lao động như thế này thường bị bóc mẽ ngay trên mạng xã hội, nên khả năng lừa được người lao động là không còn hiệu quả cao như trước. Cho đến nay, chiêu trò lừa đảo của các nhóm đối tượng lừa buôn bán người đã chuyển sang những chiêu trò tinh vi hơn, độc ác hơn rất nhiều.
Gần đây, xuất hiện nhiều cảnh báo của chính các nạn nhân đã may mắn thoát khỏi các cơ sở làm việc do các đối tượng người nước ngoài đứng đầu, họ đã chia sẻ về chiêu trò lừa đảo bẫy người lao động trong nước một cách rất tinh vi.
Theo đó, những người dính bẫy lừa xuất khẩu lao động rồi bị bán vào các sòng bạc, các cơ sở cưỡng bức lao động do các đối tượng người nước ngoài cầm đầu, những tên chủ cơ sở này tiếp tục bắt những người bị sập bẫy phải gọi điện thoại, liên hệ qua mạng xã hội với người thân là họ hàng, bạn bè ở tròng nước trước sự giám sát của chúng, để mời gọi người thân sang làm việc theo kịch bản hoành tráng mà chúng đã dàn dựng ra.
Nếu không làm theo, sẽ bị chúng tra tấn đánh đập, chích điện rất dã man, những nạn nhân không chịu đựng được đành phải làm theo yêu cầu của chúng, để lừa đảo chính người thân của mình.
Khi những nạn nhân rơi vào các tụ điểm tội phạm này, họ sẽ bị cưỡng bức làm việc tại các sòng bạc, các cơ sở lừa đảo online, rồi người nước nào thì liên hệ về nước ấy để lừa đảo chính đồng bào mình với nhiều hình thức khác nhau. Các cơ sở cưỡng lừa đảo cưỡng bức lao động bất hợp pháp này còn thực hiện mua bán, trao đổi người lao động với nhau như một thứ hàng hóa, nếu người lao động nào muốn thoát ra, chỉ có cách bỏ trốn; báo gia đình nộp tiền chuộc lên tới vài trăm triệu đồng, hoặc chờ đợi cơ quan chức năng sở tại giải cứu.
Bà Lò Thị M., ở huyện Mai Sơn, Sơn La, chia sẻ: “Ở địa phương từng có người may mắn thoát khỏi các cơ sở lao động cưỡng bức ở Campuchia về, thì chúng tôi mới biết được những người Mông thì nhắn tin, gọi điện lừa người Mông, người Kháng thì nhắn tin gọi điện lừa người Kháng. Vì họ cùng là dân tộc với nhau, nói chuyện với nhau bằng tiếng dân tộc mình, nên dễ tin nhau hơn, chỉ đến khi sang bên đó bị đưa vào đánh đập ép buộc làm việc xấu thì mới biết là mình đã bị lừa”.
Cũng phải nói đến những hình thức lừa đảo bắt tay nhau giữa các đối tượng trong nước vào nước ngoài, để lừa đưa người lao động qua biến giới. Điển hình nhất là đường dây buôn bán người qua biên giới, do lực lượng Đồn Biên phòng Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai triệt phá mới đây.
Theo đó, các đối tượng Tẩn Ông Cao, sinh năm 1993, dân tộc Dao, trú thôn Phìn Ngan, xã Trịnh Tường; Lý Láo San, sinh năm 2000, dân tộc Dao, trú thôn Dền Thàng, xã Trịnh Tường; và Lý A Hồng, sinh năm 2003, dân tộc Mông, trú thôn Bản Lầu, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.
Nhóm này đã vẽ ra viễn cảnh việc làm và thu nhập ở nước ngoài một cách hoành tráng, sau đó rủ rê đưa người lao động sang nước ngoài làm việc để nhận tiền và lợi ích vật chất khác.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, nhóm trên sử dụng thủ đoạn tuyển người đi lao động ở các quán bar, nhà hàng, khách sạn ở trong nước và nước ngoài với mức lương cao. Sau khi tiếp cận được nạn nhân, lợi dụng việc không thạo đường đi và tính chất công việc, nên nhóm đối tượng đã lần lượt lừa nhiều trường hợp. Các nạn nhân được đưa vượt biên sang Lào, sau đó giao cho một nhóm người Trung Quốc.
Tại đây, các nạn nhân bị khống chế, cưỡng bức ký kết hợp đồng lao động với nhiều điều khoản bất lợi; bị ép sử dụng các ứng dụng game online để thực hiện các hành vi lừa đảo trực tuyến, dụ dỗ người chơi game nhằm thu lợi bất chính cho các chủ người Trung Quốc.
Trường hợp nạn nhân không muốn thực hiện công việc được giao sẽ bị giam giữ, bỏ đói, đánh đập, khủng bố tinh thần bằng nhiều hình thức. Video cảnh bị đánh đập, bỏ đói cũng bị ghi lại hòng ép nạn nhân gọi điện về gia đình để đòi tiền chuộc với lý do bồi thường hợp đồng, hoàn trả chi phí phương tiện.
Theo thông tin từ Bộ Công an: Nạn nhân của tội phạm mua bán người thường tập trung ở những vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, địa bàn biên giới (người dân tộc), đa phần trong số họ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm, gặp những chuyện éo le về tình cảm, thiếu hiểu biết xã hội và kỹ năng sống, nhận thức hạn chế, nhẹ dạ, cả tin hoặc một số cô gái trẻ thích hưởng thụ, ăn chơi, đua đòi, dễ tin theo lời hứa hẹn của đối tượng về việc làm ổn định, thu nhập cao hoặc lấy chồng người nước ngoài khá giả, dẫn đến bị lừa bán.
Phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức, có sự câu kết chặt chẽ giữa người mua và người bán, môi giới, dẫn dắt, hình thành các đường dây tội phạm liên tỉnh và xuyên quốc gia, phổ biến là: Các đối tượng lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, Internet, điện thoại, sử dụng tên, tuổi, địa chỉ, ảnh giả để kết bạn, làm quen, tán tỉnh yêu đương, hứa hẹn đưa ra nước ngoài làm việc có thu nhập cao, lấy chồng nước ngoài sẽ có cuộc sống giàu có, nhàn hạ, sau đó lừa bán nạn nhân ra nước ngoài ép làm mại dâm, làm vợ bất hợp pháp hoặc bán vào các cơ sở kinh doanh có điều kiện trong nước.
Không gian mạng vẫn là điểm nóng để các nhóm đối tượng lừa đảo, tuyển người lao động tìm việc làm việc nhẹ lương cao và lừa bán nạn nhân. Tuyến biên giới vẫn là địa bàn "nóng", tội phạm mua bán người lợi dụng đưa người xuất cảnh trái phép hoặc lừa bán nạn nhân qua biên giới đưa sang nước thứ ba.
(Còn nữa)
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn