Thời tiết mùa thu được coi là dễ chịu nhất trong năm, nhưng do nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch nhau nhiều nên đây cũng là mùa dễ mắc bệnh hơn các mùa khác. Thời tiết hanh khô, thay đổi thất thường cũng khiến sức đề kháng suy giảm.
Theo thống kê của các tổ chức y tế, cho thấy những ngày chuyển mùa, đặc biệt là từ mùa Hè sang mùa Thu, số trường hợp bị nhồi máu cơ tim gia tăng đáng kể, trong đó bao gồm cả bệnh đột quỵ. Đây cũng là một trong nhiều bệnh thường gặp vào mùa thu khi nhiệt độ chênh lệch ngày và đêm lớn.
Những người có vấn đề về tim mạch sẽ càng tăng nguy cơ bị bệnh suy tim. Đó là do khi thay đổi thời tiết đột ngột, cơ thể cũng phải thay đổi để thích ứng với thời tiết, từ đó có thể làm quá tải hệ thống tim mạch. Đối với những người khỏe mạnh cũng cần chú ý đến nguy cơ tăng huyết áp, khó thở, tim đập nhanh do co thắt mạch máu.
Để phòng ngừa các bệnh thường gặp vào mùa Thu, cụ thể là bệnh tim mạch, nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nhiều rau xanh, chất xơ, hoa quả và cá. Tốt nhất nên hạn chế chất béo có hại, không hút thuốc và chăm chỉ vận động thể chất.
Vào buổi sáng tỉnh dậy, hãy chú ý đến các dấu hiệu như có khó thở hay không, có mệt mỏi, thở dốc hay không để biết sức khỏe tim mạch hay huyết áp đang gặp vấn đề gì. Cần đi khám bác sĩ để điều chỉnh hoạt động của tim mạch và huyết áp, ngăn ngừa bệnh nếu như có tiền sử bệnh tim mạch trước đó.
Thời điểm giao mùa, nhiệt độ chênh lệch dễ khiến virus, vi khuẩn phát triển mạnh. Trẻ nhỏ và người thường xuyên phải lao động ngoài trời rất dễ bị ảnh hưởng và đây cũng là một trong nhiều căn bệnh thường gặp vào mùa Thu.
Biểu hiện dưới các dạng như sốt phát ban, cúm... nền nhiệt độ từ 38,5oC trở lên với các triệu chứng sốt, hắt hơi liên tục, chảy nước mắt nước mũi, đỏ mắt, đau nhức cơ, khớp, đau đầu... Nếu nhẹ có thể tự khỏi mà không cần điều trị phức tạp, nặng hơn có thể gây ra các biến chứng viêm long đường hô hấp cấp trên, viêm phổi..
Mặc dù mùa Hè cũng dễ bị ho sốt, tuy nhiên vào mùa Thu, việc không khí khô hanh, độ ẩm thấp, thời tiết nóng lạnh thất thường khiến cổ họng nhạy cảm, bị khô, đặc biệt là vào lúc sáng sớm và buổi tối hay khi ngủ.
Sốt do cúm hoặc do cảm lạnh thường từ bên trong cơ thể, do vậy không nên mặc quần áo quá dày, không nên đắp quá nhiều chăn. Cần tăng cường hoa quả, rau xanh và bổ sung nước. Giai đoạn thời tiết thay đổi, cần hạn chế uống nước lạnh vì cổ họng khô kết hợp với nhiệt độ có thể khiến bạn dễ bị viêm, gây sốt, ho.
Cảm lạnh là bệnh hay gặp ở mùa đông nhưng cũng dễ mắc vào mùa thu , nhất là giai đoạn này thường mưa bão nhiều, nằm ngủ bật quạt thốc thẳng vào đầu và người hoặc khi thời tiết thay đổi.
Viêm đường hô hấp trên (viêm họng, VA, amidan) cũng là một trong những nhóm bệnh thường gặp vào Thu, hay các giai đoạn giao mùa. Khi viêm hô hấp cấp tính gây sốt cao kèm ho, hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi, thay đổi giọng, niêm mạc họng đỏ, các biến chứng trở nên nghiêm trọng nếu không điều trị kịp thời hoặc chữa trị dứt điểm.
Các chứng bệnh viêm phổi, viêm tắc thanh quản và khí quản, viêm phế quản gây ho nhiều và dữ dội về ban đêm, thở khò khè, thậm chí ớn lạnh, sốt, đau đầu, buồn nôn và nôn... thường gặp nhất là ở trẻ nhỏ. Cha mẹ trong giai đoạn giao mùa cần chú ý ăn mặc cho con, che chắn tai, mũi, cổ họng, khi ngủ tránh quạt trực tiếp thổi vào người, cần đóng bớt cửa sổ để tránh gió độc vào ban đêm.
Mặc dù là bệnh quanh năm, tuy nhiên khi bước vào mùa Thu, đặc biệt là vào mùa Đông, các vấn đề xương khớp diễn ra nặng hơn. Để hạn chế đau nhức xương khớp trong mùa thu, người cao tuổi nên chú ý ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Ngoài ra, giữ ấm cơ thể khi trời lạnh thất thường, đồng thời tập luyện để tăng cường chức năng khớp.
Các vấn đề dị ứng cũng là bệnh thường gặp vào mùa Thu. Nguyên nhân chủ yếu do thời tiết hanh khô xuất hiện nhiều dị bụi bẩn, phấn hoa, lông thú nuôi..đây cũng là những tác nhân chính gây viêm da dị ứng, mề đay, viêm kết mạc, hen phế quản, mề đay, ngứa ngoài da. Nhất là những người có cơ địa mẫn cảm dễ bị nổi mề đay khi tiếp xúc với không khí lạnh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn