Cảnh giác với sốt xuất huyết, tay chân miệng mùa tựu trường

10:29 | 01/09/2015;
Hai bệnh này đều có nguy cơ bùng phát cao trong mùa tựu trường vì bệnh lây qua đường tiêu hóa, tiếp xúc trực tiếp với dịch nốt phỏng và đường hô hấp.
Theo TS Nguyễn Đức Khoa, Phó phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Cục Y tế Dự phòng), từ đầu năm 2015 đến nay, cả nước ghi nhận trên 25.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 12 trường hợp tử vong. Hầu hết bệnh nhân SXH thời gian qua đều dưới 15 tuổi. Một số tỉnh, thành phía Nam đang là điểm nóng của SXH.

Với bệnh tay chân miệng (TCM), từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận trên 26.200 ca mắc, trong đó có 4 trường hợp tử vong. Mọi độ tuổi đều có thể mắc TCM nhưng hay gặp nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi.
 
Dấu hiệu nhận biết bệnh

Bệnh TCM:

Sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh trên diễn biến nhẹ, tuy nhiên cũng có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm (viêm não, màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp) dẫn đến tử vong. Các trường hợp có biến chứng nặng thường do nhiễm virus EV71.

Hướng dẫn trẻ rửa tay sạch trước khi ăn để hạn chế nguy cơ mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng

Bệnh SXH:

SXH thời kỳ ủ bệnh từ 3 đến 14 ngày, trung bình từ 5 đến 7 ngày. Nếu ai chưa có miễn dịch đặc hiệu đều có thể mắc bệnh, vì hiện có nhiều tuýp virus gây SXH. Điều đáng nói là nếu mắc bệnh lần thứ 2 với tuýp virus Dengue khác, thì có thể sẽ bị bệnh nặng hơn và dễ xuất hiện sốc Dengue.

SXH thường có biểu hiện: Sốt cao đột ngột, uống thuốc hạ sốt có đỡ nhưng sau đó sốt trở lại. Thông thường, trong 2 ngày đầu, trẻ có thể kèm theo một số biểu hiện như đau đầu, biếng ăn, mệt mỏi, nhức mỏi cơ giống như cảm cúm, sau đó có thể có một số dấu hiệu như biểu hiện xuất huyết ở da, chảy máu mũi hoặc chảy máu răng, đi tiêu phân đen.
Bệnh nhân cũng có thể bị sốc do SXH, thường xuất hiện từ ngày thứ 3-6 của bệnh. Sốc do SXH thường có biểu hiện như: Trẻ mệt, li bì hoặc vật vã; chân tay lạnh; tiểu ít, có thể kèm theo ói hoặc đi cầu ra máu.

TCM và SXH có thể gây tử vong, vì thế, khi trẻ có các biểu hiện như trên, cha mẹ cần đưa con đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Trong trường hợp mắc bệnh nhẹ, có thể điều trị ngoại trú nhưng phải tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ.

Cách phòng, chống

Để phòng, tránh bệnh TCM cho trẻ, các bậc phu huynh và nhà trường cần hướng dẫn và yêu cầu trẻ rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Bữa ăn cần đảm bảo ăn chín, uống chín, đủ chất dinh dưỡng; vật dụng ăn uống phải được rửa sạch sẽ; không dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa.

Cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà.

Còn với SXH, cần diệt bọ gậy (lăng quăng) ở khu vực sinh sống và trường học, phun hóa chất diệt muỗi, ngủ màn... để tránh muỗi đốt.

Cúm cũng là một trong những bệnh dễ mắc trong thời gian tới, vì bệnh lây qua đường hô hấp. Để phòng bệnh, cần giữ ấm, cho trẻ ăn uống đủ chất nhằm nâng cao thể trạng; tiêm vaccine phòng cúm; hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc cúm khi không cần thiết.

 - TS Nguyễn Đức Khoa, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế -

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn