Cảnh giác với tin tặc khi làm việc trực tuyến

13:53 | 26/03/2020;
Cùng với sự lan rộng của dịch Covid-19 trên toàn cầu, hình thức làm việc trực tuyến cũng trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nhưng trong sự tiện lợi, luôn tiềm tàng những rủi ro với những người đang làm việc online.

Chị Lê Thùy Trang là giám đốc một công ty truyền thông tại Hà Nội. Hàng ngày, phải làm việc, đàm phán với đối tác tại nhiều quốc gia trên thế giới, nên làm việc online đã được chị áp dụng được khoảng gần 2 năm nay.

Chị Thùy Trang cho biết, chỉ cần một chiếc máy tính nối mạng internet và những ứng dụng làm việc văn phòng phổ biến của Google, Skype, hay Zalo, chị và nhân viên dễ dàng trao đổi, làm việc với khách hàng ở Singapore, Malaysia hay các nước châu Âu. Tại Việt Nam, chị Trang vẫn có một văn phòng nhỏ để đảm bảo tiến độ và hiệu quả cho các nhân viên.

Nhưng từ cuối tháng 2/2020, khi dịch Covid-19 trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, chị Thùy Trang đã đóng cửa văn phòng, chuyển công ty sang chế độ làm việc online để giảm thiểu chi phí thuê văn phòng.

Bùng nổ các ứng dụng làm việc trực tuyến

Chuyển hình thức làm việc sang online là cách nhiều công ty, tổ chức đang áp dụng. Đặc biệt là trong khi đại dịch Covid-19 hoành hành trên toàn cầu, việc cách ly, hạn chế tiếp xúc người với người đang được thực hiện một cách nghiêm ngặt.

Làm việc online: Rủi ro tiềm ẩn trong tiện lợi - Ảnh 1.

Những ứng dụng làm việc online giúp làm việc, kết nối với toàn thế giới một cách nhanh chóng

Để đáp ứng nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp duy trì hoạt động điều hành, trao đổi công việc từ xa một cách hiệu quả, ổn định tình hình sản xuất kinh doanh với chi phí tiết kiệm tối đa, nhiều ứng dụng, giải pháp công nghệ đã được cung cấp, mang đến nhiều lợi ích trực tiếp và thiết thực cho người dùng. Đó là các giải pháp quản lý văn bản và điều hành công việc một cách nhanh chóng; tổ chức hội nghị/hội họp/đào tạo từ xa dễ dàng; dịch vụ chứng thực chữ ký số…

Tùy theo nhu cầu công việc, có nhiều ứng dụng, công cụ làm việc trực tuyến để lựa chọn. Anh Lê Ngọc Thắng (chuyên gia công nghệ thông tin) cho biết. Nếu muốn dùng các ứng dụng video hội nghị, có thể sử dụng Zoom và Google Hangouts Meet, Skype, Zalo…. Đây là những ứng dụng hỗ trợ nhiều nền tảng, có hình ảnh và âm thanh ổn định.

Cụ thể như Zoom cho phép thực hiện cuộc gọi tới 100 người và dưới 40 phút. Zalo có tính năng gọi video nhóm. Ngoài ra còn hỗ trợ tính năng giao việc và có đầy đủ các phiên bản trên smartphone và máy tính rất tiện dụng. Nếu muốn các cuộc họp có thể tương tác theo hình thức 3D với đồng nghiệp, có dịch vụ Rumii và Spatial.

Làm việc online: Rủi ro tiềm ẩn trong tiện lợi - Ảnh 2.

Các công ty, doanh nghiệp, cá nhân có nhiều ứng dụng, dịch vụ miễn phí hoặc có trả phí để phục vụ cho công việc của mình

Hiện nay, còn có những ứng dụng giúp sắp xếp, theo dõi công việc như phần mềm quản lý đầu việc Trello; ứng dụng giúp lập kế hoạch và theo dõi Google Calendar, Keep…

Điểm chung của những ứng dụng này là miễn phí cho các nhu cầu sử dụng cơ bản, phù hợp với số đông. Tuy nhiên, nếu muốn sử dụng nhiều tính năng hơn, người dùng cần phải nâng cấp hoặc mua bản trả phí với mức giá khoảng từ 5USD/tháng. Tại Việt Nam, một số công ty viễn thông như VNPT cũng cung cấp dịch vụ trực tuyến dành cho doanh nghiệp làm việc online với nhiều gói cước khác nhau.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Với sự tiên lợi và tiết kiệm chi phí, làm việc trực tuyến là giải pháp được nhiều tổ chức, doanh nghiệp lựa chọn. Nhưng đây cũng là thời điểm các tin tặc lợi dụng để tấn công, đánh cắp dữ liệu cá nhân và công ty của bạn.

Một số hoạt động tấn công mạng, phát tán mã độc đã được Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) và các hãng bảo mật phát hiện ra trong những ngày qua là phát tán mã độc qua email có đính kèm tập tin giả thông báo của Thủ tướng Chính phủ về dịch Covid-19; gửi các tệp pdf, mp4 và docx độc hại được ngụy trang thành các tài liệu liên quan đến virus Corona chủng mới…

Nếu người dùng tải tập tin đính kèm về và mở trên máy tính, mã độc sẽ được kích hoạt, cài đặt vào máy tính, kết nối đến máy chủ để tải các đoạn mã độc khác và nhận lệnh điều khiển của tin tặc. Khi đó, tin tặc có thể thực hiện nhiều lệnh thực thi khác nhau, như đánh cắp dữ liệu, thông tin máy tính, sử dụng để tiếp tục phát tán sang máy tính khác...

Làm việc online: Rủi ro tiềm ẩn trong tiện lợi - Ảnh 3.

Nên cảnh giác để tránh bị tin tặc tấn công, đánh cắp thông tin, dữ liệu khi làm việc trực tuyến

Để phòng chống tin tặc, tránh không bị đánh cắp dữ liệu, thông tin khi làm việc trực tuyến theo chuyên gia công nghệ thông tin Lê Ngọc Thắng, người sử dụng cần:

- Nâng cao cảnh giác, không truy cập những liên kết lạ, không tải và mở về các tập tin không rõ nguồn gốc.

- Cài đặt các phần mềm diệt virus có bản quyền và thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu, bản vá bảo mật cho hệ điều hành và các phần mềm ứng dụng. Trong trường hợp đã mở tệp tin đính kèm, cần ngắt kết nối Internet và liên hệ với bộ phận quản trị để khắc phục, xử lý.

- Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cho phép nhân viên làm việc online nên thiết lập mạng VPN (là một mạng riêng để kết nối các máy tính của các công ty, tập đoàn hay các tổ chức với nhau), sẽ an toàn hơn so với mạng Internet gia đình.

- Tất cả các thiết bị của công ty, kể cả thiết bị di động, cần được bảo vệ bằng phần mềm bảo mật thích hợp kết hợp các giải pháp như: cho phép xóa dữ liệu khỏi các thiết bị được báo cáo bị mất hoặc bị đánh cắp, tách biệt dữ liệu cá nhân và công việc, hạn chế ứng dụng có thể được cài đặt… để ngăn tin tặc đánh cắp dữ liệu, thông tin.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn