Đẩy mạnh chuyển đổi số tại các cấp Hội phụ nữ
Trong thời đại 4.0 hiện nay, chuyển đổi số mở ra cho phụ nữ nhiều cơ hội phát triển và hội nhập nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều hạn chế, thách thức. Vì vậy, việc nâng cao kỹ năng số cho hội viên, phụ nữ được các cấp Hội xác định là nhiệm vụ quan trọng nhằm tận dụng các cơ hội và hạn chế những rủi ro do kỷ nguyên số mang lại.
Chị Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương cho biết: Trên cơ sở kế hoạch, chỉ đạo của huyện, của Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN huyện Phú Giáo tập trung vào công tác tuyên truyền và triển khai chương trình mỗi gia đình hội viên phụ nữ phải có ít nhất một người am hiểu công nghệ thông tin để chỉ bày cho những người còn lại trong gia đình. Từ đó mới nhân rộng ra trong cộng đồng. Bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến công nghệ, Hội khuyến cáo hội viên, phụ nữ phải cẩn trọng để không bị dính bẫy các đối tượng lừa đảo, giúp chị em an toàn trên không gian mạng.
Chị Nguyễn Thị Xuân Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo chia sẻ thêm: Cầm tay chỉ dẫn công nghệ là cách làm của các cán bộ Hội phụ nữ giúp hội viên, đặc biệt là phụ nữ cao tuổi không còn lóng ngóng khi sử dụng điện thoại thông minh, tiếp cận với công nghệ thông tin. Bằng cách làm cầm tay chỉ việc, các hội viên, phụ nữ ở nông thôn cũng không quá khó khăn nếu muốn tiếp cận những ứng dụng cần thiết trong quá trình chuyển đổi số.
Để đưa công nghệ số đến với cuộc sống của mỗi gia đình, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Bình Dương đã ban hành công văn số 331 về việc triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng tỉnh Bình Dương.
Nhiệm vụ của Tổ là tuyên truyền, hỗ trợ người dân ứng dụng công nghệ vào cuộc sống như: Đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến, mua sắm, bán hàng, quảng bá sản phẩm, chuyển tiền, gọi xe taxi, học tập, khám bệnh trực tuyến… Bên cạnh đó, cán bộ Hội tích cực hướng dẫn ứng dụng các nền tảng số, dịch vụ số trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu theo các điều kiện kinh tế - xã hội đặc trưng của địa phương và theo nhu cầu của doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình; hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho nhu cầu thiết yếu về y tế, giáo dục, chính sách xã hội, vay vốn sản xuất, điện, nước, thông tin liên lạc, bưu chính, vệ sinh môi trường, giao thông công cộng, phòng chống dịch... thông qua các nền tảng số.
Qua đó, người dân có thể tiếp cận, cung cấp thông tin và khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu UBND tỉnh cung cấp thông qua các nền tảng số; kịp thời nắm bắt được thông tin về các chủ trương, chính sách, pháp luật của Trung ướng và địa phương.
Tổ chức và duy trì hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng được Bộ Thông tin và Truyền thông xác định là một trong những giải pháp đột phá, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai chuyển đổi số năm 2022.
Tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập ở từng thôn, bản, với nòng cốt là thanh niên, để đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn đến từng người dân sử dụng các nền tảng số.
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến ngày 31/8/2022, cả nước đã thành lập được 45.895 tổ công nghệ số cộng đồng tại 51/63 tỉnh, thành phố với 211.737 thành viên. Việc đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân thông qua tổ công nghệ số cộng đồng sẽ góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
Thành viên tổ công nghệ số cộng đồng được bồi dưỡng, tập huấn, cung cấp thông tin về các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến chuyển đổi số; hướng dẫn cài đặt, sử dụng nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số.
Bắc Giang là một trong 10 tỉnh, TP đầu tiên trên cả nước hoàn thành mạng lưới tổ công nghệ cộng đồng ở tất cả 209 xã, phường, thị trấn nhằm lan tỏa công nghệ đến mọi lĩnh vực của cuộc sống, thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn xã hội. Nhằm triển khai có hiệu quả chương trình chuyển đổi số quốc gia và của tỉnh, hỗ trợ cộng đồng dân cư triển khai ứng dụng công nghệ, từ tháng 4/2022, Bắc Giang triển khai thành lập tổ công nghệ số cộng đồng. Đến nay, hơn 1.000 tổ công nghệ số cộng đồng các cấp đã được thành lập giúp đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống, từ đó tạo ra giá trị thiết thực thúc đẩy thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong đời sống.
Ở cấp xã, các tổ công nghệ số cộng đồng Bắc Giang có từ 10-18 người, cấp thôn có từ 5 đến 7 người. Tổ công nghệ số cộng đồng thực hiện hoạt động thông tin, tuyên truyền sâu rộng những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số đến các hộ gia đình, người dân. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, nắm bắt kỹ năng sử dụng thành thạo các nền tảng số, ứng dụng số cơ bản như: Định danh điện tử cá nhân, bảo hiểm xã hội, sổ sức khỏe điện tử, tài khoản mobile money, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, quốc gia, để tương tác với chính quyền...
Chị Đặng Thị Cúc (thôn Chàng, xã Việt Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) chia sẻ: "Tuy không nắm bắt nhanh thiết bị, công nghệ hiện đại như giới trẻ nhưng được tổ công nghệ số cộng đồng của thôn hướng dẫn tận tình, tôi có thể sử dụng các dịch vụ, ứng dụng tải về điện thoại thông minh".
Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang Nguyễn Gia Phong, chuyển đổi số cần bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, làm cho người dân thấy công nghệ là thứ dễ dàng, thiết thực. Từ đó lan tỏa, đưa công nghệ số đến mọi ngõ ngách của cuộc sống, thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn xã hội.
Các tổ công nghệ số cộng đồng chính là cầu nối để giúp người dân cài đặt, sử dụng nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số, kịp thời nắm bắt được thông tin về các chủ trương, chính sách, pháp luật trên nền tảng số.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn