Cao huyết áp do thời tiết: Tìm hiểu nguy cơ và biện pháp phòng tránh

08:15 | 17/03/2021;
Nhiều người thường nghĩ rằng chỉ có thời tiết lạnh mới làm tăng nguy cơ cao huyết áp. Nhưng thực tế thì, trời nóng cũng rất nguy hiểm với căn bệnh này. Vậy cao huyết áp do thời tiết gây ảnh hưởng thế nào đến sức khoẻ của người bệnh?

Thời tiết nắng nóng của mùa hè hoặc không khí lạnh của mùa đông đều gây nguy hiểm cho người bị cao huyết áp. Đặc biệt tình trạng cao huyết áp do thời tiết cũng thường xảy ra với những đối tượng có nguy cơ cao bị tăng huyết áp.

Các chuyên gia cho biết nhiệt độ cao vào mùa hè có thể làm giảm huyết áp vào ban ngày nhưng tăng huyết áp về đêm dễ gây ra đột quỵ. Trong khi đó vào mùa đông, nhiệt độ thấp khiến cho các mao mạch bị co lại dẫn đến cao huyết áp đột ngột gây ra các biến chứng về tim mạch hoặc đột quỵ.

Kiểm soát tốt huyết áp trong mọi điều kiện thời tiết là vô cùng cần thiết để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Cao huyết áp do thời tiết: Những nguy cơ và cách phòng tránh không thể bỏ qua - Ảnh 1.

Cao huyết áp do thời tiết là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đột quỵ - Ảnh: Internet

1. Cao huyết áp do thời tiết nóng mùa hè

Cao huyết áp do thời tiết nắng nóng hoàn toàn có thể xảy ra. Đặc biệt là với những đối tượng bước sang tuổi trung niên, người có bệnh nền và người cao tuổi. Nguyên nhân xảy ra tình trạng cao huyết áp do thời tiết là vì nhiệt độ nóng bức vào mùa hè khiến tim đập nhanh hơn kéo theo tăng huyết áp đột ngột. Đây là trở ngại lớn đối với người cao tuổi. Bởi nó là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đột quỵ.

Người bị cao huyết áp do thời tiết nắng nóng vào mùa hè thường cảm thấy khó chịu, bứt rứt, chóng mặt, nhức đầu... Tình trạng này nếu không được kiểm soát tốt và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng về tim mạch.

Theo các chuyên gia, thời tiết nắng nóng dẫn đến sự tăng bài tiết mồ hôi ở cơ thể. Kéo theo đó là quá trình trao đổi chất được đẩy mạnh. Khi cơ thể bị mất một lượng nước khá lớn dẫn đến nồng độ máu giảm. Độ kết dính trong máu tăng cao dẫn đến các bệnh lý liên quan đến tim mạch và não bộ. Trong đó cao huyết áp cũng là bệnh lý có nguy cơ cao bộc phát vào mùa hè gây ra đột quỵ.

Không chỉ vậy, thời tiết nắng nóng của mùa hè khiến người cao tuổi lười vận động và thường xuyên mở điều hòa ở nhiệt độ thấp. Điều này vô cùng nguy hiểm bởi sự chênh lệch nhiệt độ từ nóng đến lạnh khiến các mạch máu đang ở trạng thái giãn nở bình thường tức thời co lại. Từ đó khiến tình trạng huyết áp tăng cao gây tổn thương cho các cơ quan nội tạng như tim, thận, não bộ,...

2. Cao huyết áp do thời tiết lạnh mùa đông

Cao huyết áp vào mùa đông cũng là yếu tố cần lưu ý đặc biệt với người cao tuổi và người có bệnh nền như tiểu đường, tim mạch.

Khi nhiệt độ giảm thấp, cơ thể con người sẽ có phản ứng lại để giữ ấm. Một trong những phản ứng thường gặp chính là các mạch máu nhỏ trên da bị co lại. Nó đảm bảo cho lượng máu cần thiết dồn về các cơ quan nội tạng quan trọng như não, phổi, tim, thận... Điều này khiến huyết áp tăng cao. Trung bình tăng từ 5 - 10mmHg ở người bình thường.

Đối với người được chẩn đoán nguy cơ bị cao huyết áp sự thay đổi này còn nghiêm trọng hơn. Đặc biệt với những người bị cao huyết áp sẽ rất khó kiểm soát và ổn định dẫn đến các biến chứng tim mạch, não, mắt, thận... vô cùng nguy hiểm.

Một số dấu hiệu cảnh báo cao huyết áp do thời tiết lạnh thường gặp như: Cảm thấy nóng, đỏ mặt, đau gáy, ù tai, mắt mờ và đau tức ngực... Đa số trường hợp, người bệnh không có dấu hiệu rõ ràng cho đến khi xảy ra đột quỵ.

Khi nhiệt độ ngoài trời giảm thấp quá nhanh hoặc người bệnh tiếp xúc với gió lạnh, nước lạnh đột ngột khiến cơ thể không kịp thích nghi dẫn đến đột quỵ, liệt nửa người, nhồi máu cơ tim, hôn mê gây nguy hiểm đến tính mạng.

Nguy cơ biến chứng do cao huyết áp vào mùa lạnh thường nghiêm trọng hơn ở những người bị tim mạch. Người cao tuổi bị xơ vữa động mạch là đối tượng có tỷ lệ đột quỵ vào mùa lạnh cao nhất.

Mùa đông không chỉ dễ khiến bạn bị cao huyết áp mà còn gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe khác. Để tránh mất nhiệt mùa đông, đừng quên nguyên tắc "3 lớp" khi mặc đồ này!

Cao huyết áp do thời tiết: Những nguy cơ và cách phòng tránh không thể bỏ qua - Ảnh 2.

Cao huyết áp do thời tiết mùa đông rất nguy hiểm cho người bệnh - Ảnh: Internet

3. Cách phòng tránh và ổn định cao huyết áp do thời tiết

Cao huyết áp do thời tiết nóng hoặc lạnh đều gây ra những tổn thương nguy hiểm cho cơ thể. Do đó, chúng ta cần có biện pháp phòng tránh hiệu quả để tránh biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là một số phương pháp phòng tránh cao huyết áp vào mùa đông và mùa hè.

3.1. Phòng tránh cao huyết áp vào mùa hè

Khi thời tiết nắng nóng, người có nguy cơ cao bị tăng huyết áp cần thực hiện một số điều dưới đây.

- Không để điều hòa nhiệt độ thấp. Bởi sự thay đổi thời tiết đột ngột khiến các mạch máu đang giãn nở bình thường bị co lại dẫn đến cao huyết áp. Bên cạnh đó ngồi lâu trong phòng điều hoà, khi ra ngoài gặp thời tiết nóng bức khiến huyết áp không ổn định dễ dẫn đến đột quỵ. Ngoài ra phòng điều hòa kín còn khiến không khí kém lưu thông gây ra tình trạng chóng mặt, tim đập nhanh, cơ thể mệt mỏi.

- Uống nước thường xuyên, bổ sung nhiều nước cho cơ thể. Uống nước ngay cả khi không cảm thấy khát, tránh tình trạng thiếu nước do cơ thể đổ nhiều mồ hôi. Điều này sẽ làm giảm độ kết dính trong máu, thúc đẩy quá trình trao đổi chất của cơ thể. Xây dựng thói quen uống 1 ly nước lọc vào buổi sáng, 1 ly trước khi đi ngủ giúp đảm bảo huyết áp ổn định.

Muốn biết cơ thể có đang thiếu nước hay không, đọc thêm bài viết: Điểm mặt 6 dấu hiệu cho thấy cơ thể thiếu nước.

- Hạn chế ăn muối, bột ngọt, thức ăn mặn, đồ chiên xào nhiều dầu mỡ. Bổ sung thêm rau xanh và hoa quả tươi để cung cấp chất xơ cho cơ thể. Đồng thời loại bỏ các thói quen xấu như hút thuốc lá, uống rượu, bia, chất kích thích,...

- Chăm tập thể dục thể thao giúp các mạch máu co giãn, đàn hồi tốt. Điều này sẽ làm tăng tính bền của thành mạch máu hỗ trợ huyết áp ổn định. Với người cao tuổi nên có cường độ, thời gian tập hợp lý. Thực hiện các động tác toàn thân với nhịp độ chậm vừa phải, nhẹ nhàng theo hướng dẫn của chuyên gia.

Cao huyết áp do thời tiết: Những nguy cơ và cách phòng tránh không thể bỏ qua - Ảnh 3.

Uống nhiều nước là cách phòng tránh cao huyết áp vào mùa hè hiệu quả - Ảnh: Internet

3.2. Phòng tránh cao huyết áp vào mùa đông

Để phòng tránh cao huyết áp do thời tiết vào mùa đông chúng ta cần đảm bảo cơ thể luôn đủ ấm. Cùng với đó là chế độ dinh dưỡng đầy đủ, sinh hoạt lành mạnh, tập luyện hợp lý và luôn giữ tâm lý vui vẻ.

- Để đảm bảo cơ thể đủ ấm biện pháp đơn giản nhất là mặc nhiều áo, giữ ấm phần đầu, cổ, bàn chân, tay khi trời lạnh. Bên cạnh đó bạn nên mang khẩu trang để che mũi miệng, tránh tiếp xúc với gió lạnh.

- Hạn chế đi ra ngoài vào ban đêm và sáng sớm. Bởi đây là thời điểm nhiệt độ hạ thấp nhất trong ngày có thể gây ra nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Để cơ thể quen với nhiệt độ, khi thức dậy bạn cần thực hiện một số động tác nhẹ làm ấm cơ thể sau khi rời phòng. Tuyệt đối không tắm nước lạnh vào ban đêm để đảm bảo huyết áp ổn định.

- Khi ở nhà cần đảm bảo nhiệt độ cơ thể ấm áp không bị thay đổi quá nhiều. Sử dụng lò sưởi, máy điều hoà, đảm bảo phòng thông thoáng, ấm áp, tránh gió lùa.

- Chế độ ăn uống lành mạnh, giảm lượng muối tiêu thụ trong ngày. Bổ sung thêm chất xơ từ rau, củ, quả tươi và các chất béo tốt có nguồn gốc thực vật, cá biển. Giảm lượng chất béo xấu trong mỡ, thịt, nội tạng động vật... Hạn chế ăn đồ hộp, đồ chế biến sẵn.

- Không hút thuốc lá, uống rượu bia, chất kích thích. Tập luyện hợp lý theo tình trạng cơ thể. Đi bộ 30 phút mỗi ngày để tăng cường sức khoẻ.

- Giữ trạng thái tâm lý luôn vui vẻ, thoải mái, lạc quan. Tránh tình trạng căng thẳng, lo âu để giữ huyết áp ổn định.

Với người được chẩn đoán bị cao huyết áp cần thực hiện các phương pháp điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ. Dùng thuốc theo toa, tái khám đúng hẹn để đảm bảo huyết áp luôn ổn định.

Trên đây là một số thông tin cần thiết về cao huyết áp do thời tiết không thể bỏ qua. Hy vọng với những thông tin này bạn sẽ có biện pháp phòng tránh cao huyết áp do thời tiết gây ra phù hợp nhất.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn