Ghi nhớ ngày trọng đại của đời mình, cặp đôi Hoàng Thị Linh (nữ chuyển giới sang nam) và Nguyễn Thị Lưu đã quyết định tới Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) thực hiện bộ ảnh cưới.
Chia sẻ về bộ ảnh cưới, chú rể Hoàng Thị Linh cho biết: “Kể từ lần đầu tiên đặt chân đến đây vào 6 năm trước, tôi đã nghĩ rằng khi nào cưới vợ sẽ chụp ảnh cưới ở đây”. Và rồi, ngày đó cũng thành hiện thực, mối tình gần với khoảng thời gian trên của cả hai đã đơm hoa kết trái.
Với kinh phí eo hẹp, bộ ảnh cưới không được chụp qua Studio mà hoàn toàn được cặp đôi tự chuẩn bị trong khoảng thời gian gần 7 tháng. Tháng đầu tiên, cả hai dành dụm tiền may áo vest, tháng thứ hai may áo cưới cô dâu, gần hai tháng sau thì mua nhẫn cưới.
Ngoài trang phục và những phụ kiện tự mua, cặp đôi được bạn bè tặng một bộ áo dài long phụng. Một người bạn lo phần chụp ảnh. “Nói chung toàn huy động từ cây nhà lá vườn”, chú rể Hoàng Thị Linh hóm hỉnh nói.
Cô dâu Nguyễn Thị Lưu cho biết, đây là lần thứ tư chị đặt chân đến vùng đất này và lần nào chị cũng đi cùng người bạn đời của mình.
Để tiết kiệm chi phí, cả hai bắt xe ô tô khách từ Hà Nội đến TP Hà Giang từ đêm ngày 6/11/2020. Sáng 7/11, cả hai và người bạn nhiếp ảnh gia thuê xe máy di chuyển vượt quãng đường dài hơn 150km tới Cột cờ Lũng Cú (huyện Đồng Văn).
Trong ngày đầu tiên của cuộc hành trình, cặp đôi chụp ảnh ở địa điểm dốc Thẩm Mã. Con dốc quanh co uốn lượn, hiểm trở với 9 khúc cua đã từng khiến biết bao nhiêu chú ngựa phải kiệt sức, xưa kia vốn được đồng bào người Mông dùng để thẩm định sức ngựa.
Cuối giờ chiều, cả hai đã kịp lưu giữ những khuôn hình đẹp như trong câu chuyện cổ tích tại dinh thự nhà Vương giữa “chàng trai” người Kinh và một cô gái người Tày.
Sang ngày thứ hai, cặp đôi chụp ảnh tại xã Lũng Cú, hậu cảnh chính là Cột cờ Lũng Cú - điểm cực Bắc của Tổ quốc.
Cặp đôi lưu giữ những bức hình trong khu nhà cổ của đồng bào Lô Lô.
Cả hai đùa vui trên cánh đồng hoa tam giác mạch, phía dưới kia là dòng sông Nho Quế với màu xanh ngọc bích không lẫn vào đâu được.
Vượt biết bao cản trở từ hai bên gia đình và những định kiến xã hội, cuối cùng họ đã đặt được tên cho tình yêu của mình - "Con đường Hạnh phúc". Đây cũng chính là con đường nối Cao nguyên đá Đồng Văn với TP Hà Giang - khúc khuỷu, cheo leo nhưng hùng vỹ và đẹp lạ thường.
Giữa lòng sông Nho Quế - đoạn qua hẻm Tu Sản, họ trao cho nhau nụ hôn nồng thắm. Một tháng sau kể từ ngày chụp bức ảnh này, họ tổ chức lễ cưới. Cuộc hôn nhân này được sự chấp thuận của cha mẹ và họ hàng hai bên. "Chúng tôi sẽ cùng lên một chuyến thuyền mới để cùng nhau ra khơi", chú rể Hoàng Thị Linh chia sẻ.
Trong 3 ngày chụp ảnh cưới, chú rể Hoàng Thị Linh ấn tượng nhất khoảnh khắc bình minh lên trên đỉnh đèo Mã Pì Lèng – con đèo được ví như Kim Tự Tháp của người Mông: “Cái khoảnh khắc bình minh ấy giống như hạnh phúc của con người. Tuy chỉ kéo dài trong phút chốc nhưng lại ấn tượng đến suốt đời”.
Còn đối với cô dâu Nguyễn Thị Lưu, những kỷ niệm đẹp đẽ trong những ngày này sẽ được chị kể lại cho những đứa trẻ của mình. Qua đó, chị muốn gửi gắm cho con tình yêu quê hương đất nước và yêu Hà Giang – quê hương thứ hai của gia đình mình. Được biết, cả hai quyết định sinh con bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo.
Tác giả của những bức ảnh cưới bình dị, đáng yêu ấy chia sẻ: “Sau khi tôi chụp xong những bức ảnh trên, có nhiều người bạn hỏi tôi rằng: “Tình yêu có thể nảy mầm trên đá được không?". Tôi đã kể câu chuyện của Linh và Lưu. Tình yêu của họ đã nảy mầm như hoa tam giác mạch nảy mầm trên những dãy núi đá tai mèo của Cao nguyên đá Đồng Văn”.