Từ ngày cụ ông mất đi, cụ Diệu đầu óc không còn tỉnh táo, chỉ ngày ngày làm bạn với những con chó |
Ở thôn Hội Phú, xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, người dân đã quen với hình ảnh cụ bà Nguyễn Thị Diệu (SN 1930) lưng còng tới gối nhưng vẫn tỉnh táo, nói cười rổn rảng, còn cụ ông Trần Văn Cầu (SN 1915), 2 mắt đã mù, ngồi đầu hè lấy tay xoa đầu mấy chú chó.
Đã 8 tháng nay, cụ ông về với cát bụi, nỗi đau đớn mất đi người bạn đời cùng chung sống khiến cụ bà suy sụp, đầu óc lú lẫn, không thể tự lo được cuộc sống cho mình nữa.
Không ai nghĩ, mấy chục năm trôi qua, từ lúc căn nhà mái lá bao phen đổ sụp, được Nhà nước và người dân hỗ trợ xây căn nhà tình thương, thì 2 con người ấy vẫn chung sống với nhau như vợ chồng nhưng với thứ tình cảm trong veo. Mấy mươi năm chung sống, cụ Cầu không cho cụ Diệu chạm vào người.
Những ký ức về cố hương và người thân với cụ ngày càng mờ nhạt và xa vời |
Cụ Diệu quê ở huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế), lên 10 tuổi cụ đã đi ở đợ cho người ta, 17 tuổi, Diệu lấy chồng rồi vào Nam sống. Năm mới 25 tuổi, chồng mất, để lại cho cụ 2 đứa con, 1 trai 1 gái. Chiến tranh loạn lạc, 2 đứa con được anh ruột chồng đem về nuôi. Năm 1967, cụ tìm gặp 2 con, nhưng hoàn cảnh lúc đó cơ cực quá, mẹ con không thể đoàn tụ. Cụ lang bạt khắp nơi kiếm sống qua ngày rồi trôi dạt đến vùng đất này.
Sau ngày hòa bình lập lại, cụ Diệu theo chủ thầu làm phụ hồ cho công trình hồ chứa nước. Ở đây, cụ Diệu gặp cụ Cầu làm công nhân bốc vác. Cụ Cầu sinh ra ở thôn Kim Sơn (xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân, Bình Định). Hồi trẻ ông Cầu đẹp trai phong độ. Khi ông chuẩn bị lấy một cô gái trong làng, thì ông bị tai nạn và trở thành người tật nguyền từ đó. Một lần nghe lời nói từ chối của bà mẹ vợ tương lai, ông về nhà tự chặt đứt ngón tay út, thề sẽ ở vậy đến chết, không bao giờ lấy vợ.
Căn nhà tình thương của 2 cụ giờ cũng đã xuống cấp, hư hỏng |
Công trình xây dựng kết thúc, tình cờ là cả ông Cầu và bà Diệu không biết đi về đâu, nên lúc đầu họ kết nghĩa anh em, rồi được chính quyền cho mảnh đất dựng căn nhà lá 2 gian, sống tạm qua ngày. Hơn 40 năm, hai mảnh đời bất hạnh này no đói, ốm đau có nhau với cái nghĩa còn nặng hơn cả tình vợ chồng. Nhưng chỉ vì bị từ chối duyên 1 lần mà cụ ông sống lập dị đến tận cuối đời.
Với cụ Diệu lúc này, người đàn ông được coi là người thân duy nhất mất đi, cụ Diệu suy sụp, chới với, tinh thần bấn loạn suốt mấy tháng qua. Bà Đoàn Thị Dung, người hàng xóm cụ Diệu, tình nguyện hàng ngày giúp bữa ăn cho cụ bảo: “Hôm trước cụ Diệu nuôi 7 con chó, tôi thấy đông quá sợ cụ nuôi không nổi nên vờ xin 1 con, nhưng cụ không cho, bảo là để bầu bạn cho vui. Khổ vậy đó, tuổi già lầm lũi một mình, không người thân thích, chỉ làm bạn với mấy con chó rồi nhang khói cho cụ ông”.
Theo bà Dung, nhiều năm qua, khi tuổi xế đời chiều, biết mình sống nay chết mai, 2 cụ có một nguyện vọng đó là muốn trước lúc mất được về lại nguồn cội. Tuy nhiên, với cụ Diệu, đến bây giờ ký ức về gia đình, quê hương cũng chỉ là những thông tin rời rạc. "Cụ chỉ nói với tôi bố tên Nguyễn Văn Thơm, mẹ tên Bứa, chị ruột tên Xoa, một em ruột tên Vạt"- bà Dung cho biết.
Những bước đi nặng nhọc của cụ Diệu khi không còn người bạn đời và cũng là người thân duy nhất ở bên cạnh |
Bao nhiêu lần bà Dung nhờ người dân dò hỏi tin tức về người thân ở quê cụ Diệu nhưng không được. Đến lúc này, cụ Diệu không còn dám nghĩ đến chuyện về lại cố hương. Cụ ông đã nằm lại đất này, cụ Diệu không muốn để hương hồn cụ ông một mình lạnh lẽo.